Tăng lương tối thiểu 7,2%, người lao động mong thêm điều này

(NLĐO ) - Tăng lương là tin vui nhưng với nhiều người lao động, bên cạnh niềm vui, vẫn còn nhiều lo lắng

Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã bỏ phiếu thông qua đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu vùng với mức tăng bình quân 7,2%, áp dụng từ ngày 1-1-2026. Cụ thể:

  • Vùng I tăng từ 4,96 triệu đồng lên 5,31 triệu đồng/tháng (tăng 350.000 đồng, tương đương 7,1%)
  • Vùng II tăng từ 4,41 triệu đồng lên 4,73 triệu đồng/tháng (tăng 320.000 đồng, tương đương 7,3%)
  • Vùng III tăng từ 3,86 triệu đồng lên 4,14 triệu đồng/tháng (tăng 280.000 đồng, tương đương 7,3%)
  • Vùng IV tăng từ 3,45 triệu đồng lên 3,7 triệu đồng/tháng (tăng 250.000 đồng, tương đương 7,2%)
Tăng lương tối thiểu 7,2%, người lao động mong thêm điều này- Ảnh 1.

Hội đồng Tiền lương Quốc gia đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 7,2% từ ngày 1-1-2026

Giảm áp lực

Đây là tin vui với số đông lao động, bởi sau 1 năm rưỡi, tiền lương tối thiểu vùng đã được điều chỉnh, phần nào giúp họ giảm bớt áp lực chi tiêu trong bối cảnh giá cả vẫn neo cao.

Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui, không ít người bày tỏ sự lo lắng. Nỗi lo lớn nhất là lương chưa kịp tăng thì giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đã âm thầm “leo thang” khiến mức điều chỉnh này có nguy cơ trở nên vô nghĩa. 

Với thu nhập luôn ở mức giới hạn, theo họ, bất kỳ biến động nào về giá cả cũng tác động trực tiếp đến chất lượng sống, đặc biệt là với lao động phổ thông và công nhân trong các khu công nghiệp.

Tăng lương tối thiểu 7,2%, người lao động mong thêm điều này- Ảnh 2.

Thu nhập xấp xỉ lương tối thiểu, nhiều công nhân phải thắt lưng buộc bụng để duy trì cuộc sống nơi đô thị

Chưa kịp mừng đã vội lo

Chị Nguyễn Thị Thu Lan, công nhân may tại phường Bình Tân, TP HCM, cho biết từ sau giai đoạn COVID-19, công ty không còn tăng lương định kỳ mà chỉ tăng lương khi nhà nước điều chỉnh lương tối thiểu vùng. 

Hiện mức lương theo hợp đồng của chị là 5,3 triệu đồng/tháng, cộng thêm một số khoản phụ cấp và suất ăn trưa, tổng thu nhập hàng tháng cũng chỉ xấp xỉ 7 triệu đồng. Mức lương này đã được giữ nguyên suốt hơn một năm qua, chưa có bất kỳ thay đổi nào. Vì vậy, chị rất vui khi hay tin Chính phủ sắp tới sẽ điều chỉnh lương tối thiểu.

Tuy nhiên, niềm vui ấy đi kèm với không ít nỗi lo, bởi theo chị lương vừa tăng thì giá cả cũng tăng theo. 

"Tôi mong muốn bên cạnh việc điều chỉnh lương, nhà nước cần có thêm các giải pháp kiểm soát lạm phát, ổn định giá cả thị trường, đồng thời hỗ trợ giảm giá điện, nước và các dịch vụ thiết yếu. Chỉ khi đó, đời sống người lao động mới thực sự được cải thiện" - chị Lan bày tỏ.

Tăng lương tối thiểu 7,2%, người lao động mong thêm điều này- Ảnh 3.

Nhiều công nhân cho biết lương vừa tăng thì vật giá cũng leo thang khiến khoản tăng thêm không đủ bù đắp chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ

Tương tự là trường hợp của chị Nguyễn Thị Ngọc Hân (quê Cần Thơ), hiện là giáo viên mầm non tại một trường tư thục ở phường Phú Thọ, TP HCM.

Chồng chị Ngọc Hân là công nhân kỹ thuật đang làm việc tại một doanh nghiệp ở phường An Lạc. Tổng thu nhập hằng tháng của hai vợ chồng dao động từ 15 đến 17 triệu đồng, tuy nhiên với mức sống tại thành phố, họ luôn phải chi tiêu hết sức tiết kiệm, cân nhắc từng khoản.

Mỗi tháng, chi phí thuê trọ, đi lại, ăn uống và các nhu cầu thiết yếu ngốn khoảng 5 triệu đồng. Do đặc thù công việc không thể chủ động thời gian đưa đón, vợ chồng chị buộc phải gửi con trai 5 tuổi về quê nhờ bà ngoại chăm sóc. 

Hàng tháng, chị đều đặn gửi về 7 triệu đồng để lo chi phí nuôi con và phụng dưỡng cha mẹ hai bên. Phần thu nhập còn lại, khoảng 3 – 5 triệu đồng, trở thành khoản dự phòng cho các tình huống phát sinh như hiếu hỉ, thuốc men, sửa xe, quần áo, sách vở... 

"Tháng nào không có việc đột xuất thì còn dư được vài trăm nghìn. Còn nếu con bệnh, cha mẹ ốm hay có đám tiệc thì gần như chẳng còn đồng nào, thậm chí phải vay mượn thêm" - chị Hân kể.

Tăng lương tối thiểu 7,2%, người lao động mong thêm điều này- Ảnh 5.

Người lao động mong muốn tăng lương phải đi cùng với kiểm soát giá cả để đảm bảo cuộc sống

Theo chị, việc tăng lương tối thiểu là tín hiệu đáng mừng, nhưng nếu đồng thời giá điện, giá các mặt thiết yếu hay chi phí học hành cho con cũng tăng theo thì gánh nặng tài chính vẫn đè nặng lên vai người lao động. Chị tâm sự mỗi lần nghe tin tăng lương, chưa kịp mừng đã phải lo, bởi mọi thứ khác thường tăng trước khi đồng lương về tay.