Tăng tốc xuất khẩu, chủ động thích ứng thương chiến
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hạ nhiệt phần nào nhưng doanh nghiệp vẫn cần các kế hoạch ứng phó nhanh và dài hạn để thích ứng hiệu quả
Thời hạn 90 ngày tạm hoãn áp dụng sắc thuế mới của Chính phủ Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam không còn nhiều (bắt đầu từ ngày 10-4). Các doanh nghiệp (DN) đang tăng tốc xuất khẩu và chuẩn bị những kế hoạch ứng phó với các diễn biến tiếp theo.
Tận dụng "thời gian vàng" để tăng tốc
Theo dữ liệu từ VIS Rating, sau khi Mỹ tạm hoãn mức thuế đối ứng lên đến 46% trong vòng 90 ngày và chỉ áp dụng mức thuế tạm thời 10% kể từ ngày 10-4, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 4-2025 đã tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 10,5% của quý I/2025.
Đáng chú ý, các sản phẩm từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ghi nhận mức tăng mạnh: điện tử tăng 57%, máy móc tăng 38% so với cùng kỳ. Trong khi đó, các mặt hàng chủ lực từ khối DN nội địa như dệt may, thủy sản và đồ gỗ nội thất cũng tăng lần lượt 23%, 15% và 4%.

Doanh nghiệp ngành dệt may đang tăng tốc xuất khẩu sang Mỹ và mở rộng tại những thị trường khác. Ảnh: PHƯƠNG AN
VIS Rating đánh giá việc Mỹ tạm thời nới lỏng thuế đã thúc đẩy các nhà nhập khẩu tăng tích trữ hàng hóa cho nửa cuối năm. Riêng trong nửa cuối tháng 4, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ tăng đến 25% so với nửa đầu tháng.
Tính đến nay, thời hạn 90 ngày hoãn thuế đã trôi qua hơn một nửa. Trong lúc chờ đàm phán chính sách thuế mới áp dụng cho Việt Nam, các DN xuất khẩu đang tăng tốc tối đa để hoàn tất đơn hàng trước đầu tháng 7 - thời điểm mức thuế mới có thể chính thức có hiệu lực. Nhiều nhà máy sản xuất đồ gỗ, dệt may đến điện tử đang hoạt động hết công suất nhằm tận dụng "cơ hội vàng" này.
Tại Công ty Chế biến Gỗ Đức Thành, bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch HĐQT công ty, cho biết ngay khi Mỹ tạm hoãn tăng thuế, DN đã đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện đơn hàng lớn, làm việc ngày đêm. Song song đó, để giảm thiểu rủi ro từ biến động chính sách ở từng khu vực trên thế giới, Đức Thành đã chủ động tái cơ cấu thị trường. "Hiện thị trường châu Á chiếm hơn 76%, châu Âu đứng thứ hai, còn Mỹ tuy chiếm thị phần nhỏ nhưng là thị trường quan trọng" - bà Liễu chia sẻ.
Ở lĩnh vực dệt may, các DN xuất khẩu mạnh vào Mỹ cũng đang chạy đua với thời gian để giao hàng trước "giờ G". Ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jeans, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Dệt may Thêu đan TP HCM - cho biết DN đang tuyển thêm lao động để rút ngắn tiến độ đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ trước tháng 7-2025.
Tuy nhiên, do nhiều DN cùng tăng tốc và cùng tuyển dụng nên việc tìm lao động trở nên khó khăn hơn. Tại Việt Thắng Jeans, Mỹ chiếm khoảng 35%-40% cơ cấu thị trường của DN. Điều đáng lo ngại là đơn hàng chỉ đến đầu tháng 7, đối tác chưa đặt hàng tiếp cho các tháng cuối năm vì còn chờ mức thuế chính thức áp dụng.
"Nếu hàng dệt may Việt Nam bị Mỹ áp thuế đối ứng cao, chúng ta sẽ mất lợi thế cạnh tranh. Xuất khẩu sang thị trường này trong các tháng cuối năm có thể giảm đến 50%" - ông Việt lo lắng. Để ứng phó, công ty đang tích cực xúc tiến thương mại tại Canada, Úc và thị trường nội địa.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), nhận định đây là giai đoạn thử thách năng lực phản ứng và kiểm soát chuỗi cung ứng của DN. DN nào làm tốt sẽ giữ được thị phần tại Mỹ và có thể mở rộng sang EU, Nhật Bản. Vinatex đã yêu cầu các đơn vị thành viên rà soát toàn bộ quy trình, bảo đảm hồ sơ xuất xứ rõ ràng, minh bạch nhằm tránh rủi ro bị điều tra gian lận thương mại.
Không "bỏ hết trứng vào một giỏ"
Trước áp lực từ chính sách thương mại bất ổn, các DN Việt Nam ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đa dạng hóa thị trường để tránh rủi ro khi "bỏ trứng vào một giỏ". Bà Võ Thị Liên Hương, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Công nghiệp Saigon Secoin, tâm sự DN Việt đang nỗ lực rất lớn giữa "cơn bão thuế quan" và những rào cản thương mại toàn cầu ngày càng tăng. "Khi có thông tin Mỹ có thể áp thuế đối ứng lên đến 46%, chúng tôi đã lập tức tái cấu trúc chuỗi cung ứng. Với mạng lưới 60 thị trường, chúng tôi thiết lập các chuỗi cung ứng linh hoạt.
Riêng thị trường Mỹ hiện chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Các đối tác Mỹ cũng đã chủ động đàm phán, thống nhất chia sẻ chi phí thuế theo tỉ lệ 1/3, tức nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng. Chúng tôi đồng thuận không cạnh tranh về giá mà tập trung phát triển sản phẩm mới, nâng cao giá trị để duy trì thị phần" - bà Liên Hương nói.
Để ứng phó, Secoin đang củng cố nội lực, đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa thị trường, xúc tiến thương mại tại Úc và châu Âu, đồng thời liên kết đối tác thiết lập chuỗi cung ứng bền vững, chia sẻ chi phí thuế quan và tránh cạnh tranh giá.
Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên, cho biết hơn 50% sản phẩm mật ong của công ty xuất khẩu sang Mỹ. Khi bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá lên đến 60%, Xuân Nguyên đã chuyển hướng tìm cơ hội ở Đông Nam Á, đồng thời đầu tư nâng cấp công nghệ để cải thiện chất lượng, tăng sức cạnh tranh.
Ở góc độ quản lý, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho hay thành phố cũng đã sớm làm việc với DN để chia sẻ thông tin và định hướng điều chỉnh chiến lược. Dù Mỹ chỉ chiếm khoảng 10% kim ngạch xuất khẩu của TP HCM nhưng lại là thị trường có sức dẫn dắt hành vi tiêu dùng toàn cầu.
Do đó, rất cần sự điều chỉnh chiến lược một cách dài hạn. DN cần tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường, đồng thời khai thác hiệu quả thị trường nội địa với 100 triệu dân. "Phải nâng cao sức mạnh nội sinh, liên kết vùng nguyên liệu và mở rộng không gian phát triển, đặc biệt khi TP HCM sẽ sáp nhập với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu" - ông Vũ nhấn mạnh.
Chuyên gia nói gì?
TS Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV - khuyến nghị DN nên chuẩn bị cho 3 kịch bản thuế từ Mỹ: tích cực (10%-15%), cơ sở (20%-25%) và tiêu cực (46%). Đồng thời nâng cao năng lực quản trị, kiểm soát quy trình sản xuất và có hệ thống đo lường khí thải để đáp ứng tiêu chuẩn ESG.
Trong khi đó, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, lưu ý chiến lược friendshoring và nearshoring (tạm dịch: chuyển sản xuất về gần nhà và chuyển dịch sản xuất sang láng giềng) đang thúc đẩy dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc, mở ra cơ hội nhưng cũng khiến Việt Nam bị soi về hành vi "lẩn tránh thuế".
DN cần nâng cao năng lực tuân thủ, minh bạch xuất xứ. Ông đề xuất phân loại thị trường xuất khẩu thành 3 nhóm: nhóm bảo hộ cao (Mỹ, EU), nhóm tiềm năng (Ấn Độ, Trung Đông) và nhóm ngách (giá trị cao, dung lượng nhỏ) để định vị lại chiến lược xuất khẩu phù hợp trong bối cảnh bất định.