Tạo động lực cho hàng triệu lao động

Cải thiện tiền lương là giải pháp để cải thiện chất lượng sống của người lao động và giúp doanh nghiệp ổn định nhân sự

Sau 2 phiên thương lượng, Hội đồng Tiền lương quốc gia (TLQG) đã thống nhất mức đề xuất Chính phủ tăng lương tối thiểu (LTT) vùng là 7,2% từ ngày 1-1-2026. Đây là tin vui với hàng triệu lao động.

Tăng lương và kiểm soát giá cả

Hội đồng TLQG đã bỏ phiếu, chốt đề xuất tăng LTT vùng ở mức tăng 7,2% từ ngày 1-1-2026. Nếu phương án này được Chính phủ chấp thuận, từ năm 2026, LTT vùng I sẽ là 5,31 triệu đồng/tháng (tăng thêm 350.000 đồng); vùng II là 4,73 triệu đồng/tháng (tăng 320.000 đồng); vùng III là 4,14 triệu đồng/tháng (tăng 280.000 đồng); vùng IV là 3,7 triệu đồng/tháng (tăng 250.000 đồng).

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, mức tăng này đáp ứng được mong muốn của đoàn viên và NLĐ cả nước, đồng thời cũng thể hiện tinh thần chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, cùng với việc tăng lương, NLĐ lo giá cả hàng hóa sẽ bị kéo theo khiến nỗ lực cải thiện tiền lương không còn nhiều ý nghĩa.

Chị Nguyễn Thị Thu Lan (công nhân may tại phường Bình Tân, TP HCM) cho biết từ sau giai đoạn dịch COVID-19, công ty chị đã không còn tăng lương định kỳ mà chỉ điều chỉnh lương khi Nhà nước điều chỉnh LTT vùng. Mức lương theo hợp đồng của chị hiện nay là 5,3 triệu đồng/tháng, cộng thêm một số phụ cấp và cơm trưa thì thu nhập mỗi tháng chưa tới 7 triệu đồng. 

"Với mức lương này, phải tằn tiện lắm mới đủ chi tiêu. Vì vậy, tôi rất vui khi hay tin Hội đồng TLQG đã sớm thương lượng và chốt mức đề xuất tăng LTT" - chị Lan nói. Tuy nhiên, theo chị Lan, chị rất lo việc tăng lương sẽ kéo theo vật giá tăng. Vì vậy, chị mong muốn có thêm các giải pháp kiểm soát về giá cả thực phẩm, hàng tiêu dùng.

Cùng góc nhìn, ông Nguyễn Ngọc Tráng, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Sản xuất Kinh doanh Sơn Kim (KCN Cát Lái, TP HCM), cho rằng mức tăng LTT theo đề xuất sẽ giúp cải thiện thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống NLĐ. Bởi hiện nay, NLĐ còn không ít khó khăn. Vì vậy, vừa qua, tại Hội nghị NLĐ, Ban giám đốc công ty đã quyết định tăng lương 5% (mức tăng thấp nhất gần 300.000 đồng/người) cho toàn thể NLĐ kể từ ngày 1-7.

Hiện mức LTT mà DN đang áp dụng là khoảng 5,6 triệu đồng/người (đã cộng 7% phụ cấp tay nghề), sau điều chỉnh từ ngày 1-7 thì LTT của NLĐ xấp xỉ 5,9 triệu đồng/người/tháng, cao hơn nhiều so với quy định hiện hành. Nếu Chính phủ đồng ý phương án điều chỉnh LTT từ năm sau thì Công đoàn và ban giám đốc sẽ tiếp tục ngồi lại để trao đổi phương án điều chỉnh theo quy định.

Theo ông Tráng, để thực sự giúp NLĐ ổn định cuộc sống lâu dài thì ngoài tăng lương cần thêm các biện pháp kiềm chế lạm phát cũng như các chính sách hỗ trợ an sinh từ Nhà nước và chính quyền địa phương.

Tạo động lực cho hàng triệu lao động - Ảnh 1.

Người lao động mong việc tăng lương đi cùng các chính sách hỗ trợ để bớt gánh lo chi phí sinh hoạt

Giúp doanh nghiệp chủ động

Thời điểm hiện tại, Ban Giám đốc Công ty TNHH Giày dép Vĩnh Phong (phường Bình Trị Đông, TP HCM) đã nắm thông tin về Hội đồng TLQG chốt đề xuất tăng LTT vùng 7,2% cho năm 2026. Bà Phan Thị Minh Thu, Giám đốc công ty, cho biết trên tinh thần khi Chính phủ đồng ý và ban hành nghị định quy định tiền LTT thì DN sẽ thực hiện đúng theo quy định.

Thời gian qua, dù có khó khăn song để giữ chân NLĐ, DN luôn bảo đảm việc tăng lương cho NLĐ. Bà Thu cho biết công ty đã nỗ lực đàm phán, tìm kiếm khách hàng mới và đã có đơn hàng kéo dài đến cuối năm, có tăng ca để bảo đảm thu nhập cho NLĐ. Đối với phương án điều chỉnh LTT, dù DN gặp khá nhiều khó khăn do ngoài tăng lương còn tăng các chi phí từ việc tăng mức đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp… cho NLĐ. "Nhưng để chia sẻ với họ, chúng tôi sẽ lên phương án và chuẩn bị tài chính cho việc điều chỉnh lương cho năm sau từ bây giờ" - bà Thu cho hay.

Bà Thu thông tin thêm, hiện mức LTT tại DN là 5,3 triệu đồng/người/tháng cộng với các khoản 5% phụ cấp độc hại và 7% phụ cấp tay nghề. Ngoài ra, NLĐ sẽ hưởng thêm các loại phụ cấp như xăng xe, nhà trọ... Tổng các mức phụ cấp này khoảng 2 triệu đồng đến trên 3 triệu đồng/người/tháng tùy theo sự gắn bó, đóng góp. Nếu đề xuất điều chỉnh LTT được chấp thuận thì công ty dự kiến sẽ tăng thêm 350.000 đồng cho NLĐ.

Công đoàn Công ty TNHH Juki Việt Nam (100% vốn đầu tư Nhật Bản; đóng tại KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM) kiến nghị nếu đã có mức đề xuất cụ thể về điều chỉnh LTT, Chính phủ cần sớm xem xét, nếu đồng thuận thì sớm ban hành nghị định về LTT vùng. Điều này nhằm giúp DN chuẩn bị phương án và thuận tiện cho Công đoàn tại cơ sở thương lượng việc tăng lương, nhất là tại các DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Phước Đại, Chủ tịch Công đoàn công ty, những năm gần đây, chính sách của Tập đoàn Juki có sự thay đổi. Do đó, khi công ty muốn nâng LTT thì phải báo cáo cho tập đoàn để xem xét nên sẽ mất nhiều thời gian hơn. Năm 2024, Nghị định 74 quy định về LTT được ban hành trước 1 ngày áp dụng mức LTT mới khiến cả Công đoàn và DN đều rơi vào thế khó.

Từ thực tế trên, ông Đại cho rằng quy định về điều chỉnh LTT khi có thay đổi cần được ban hành sớm hơn để DN có thêm thời gian chuẩn bị nhằm điều chỉnh lương đúng hạn cho NLĐ. 

Cần có thêm các chính sách an sinh, hỗ trợ NLĐ, nhất là giảm giá điện, nước" - ông Nguyễn Ngọc Tráng đề xuất.