Tạo xung lực phát triển kinh tế tư nhân (*): Khơi dậy khát vọng làm giàu chính đáng

Đã đến lúc cần trả doanh nghiệp tư nhân về đúng vị trí mà họ xứng đáng được hưởng trong nền kinh tế

Tại Nghị quyết 68-NQ/TW, Bộ Chính trị xác định kinh tế tư nhân là "động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia". Do đó, nghị quyết yêu cầu "xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân Việt Nam". Đồng thời, khuyến khích tinh thần kinh doanh, đổi mới và khởi nghiệp sáng tạo; khơi dậy khát vọng làm giàu chính đáng trong xã hội.

Cơ hội tham gia các dự án trọng điểm

Ngày 13-5, tại một sự kiện ở Hà Nội, TS Bùi Thanh Minh, Phó Giám đốc chuyên môn - Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), gọi bối cảnh ra đời của Nghị quyết 68 là "Đổi mới 2.0". Theo ông, nếu Đổi mới năm 1986 đưa đất nước thoát khỏi nghèo đói và thiết lập nền tảng phát triển thì nay mục tiêu là đưa đất nước đến ngưỡng thu nhập cao vào năm 2045. 

Ở giai đoạn phát triển mới, chỉ có nâng cao hiệu quả và thúc đẩy đổi mới sáng tạo mới là con đường khả thi. "Nghị quyết 68 không chỉ là ưu tiên khu vực tư nhân mà là vấn đề về luật chơi, khu vực này chỉ cần được tự do và bình đẳng để làm tốt công việc của mình. Đã đến lúc cần trả doanh nghiệp (DN) tư nhân về đúng vị trí mà họ xứng đáng được hưởng trong nền kinh tế" - ông Minh nhấn mạnh.

Tạo xung lực phát triển kinh tế tư nhân (*): Khơi dậy khát vọng làm giàu chính đáng- Ảnh 1.

Phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là một trong những ưu tiên hàng đầu khi triển khai Nghị quyết 68 .Ảnh: LÊ TỈNH

Theo ông, Nghị quyết 68 có hai tư duy cốt lõi là "cởi trói" và "phát triển". Ở tư duy cởi trói, mục tiêu là giải quyết các "căn bệnh" cố hữu về đất đai, vốn, hay cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN tư nhân với các nhóm thân hữu. Còn ở tư duy phát triển, các DN được phân cấp theo 3 nhóm: DN dẫn dắt gắn với bài toán quốc gia, DN tiên phong và các DN nhỏ.

Từ góc nhìn DN, điểm tháo gỡ quan trọng nhất mà Nghị quyết 68 mang lại là mở rộng cơ hội tham gia các dự án trọng điểm quốc gia - điều mà trước đây DN tư nhân dù có tiềm lực tài chính cũng khó tiếp cận. Bên cạnh đó, nghị quyết còn tạo ra sự công bằng trong tiếp cận thị trường và nguồn lực, từ đó khơi dậy động lực đổi mới, sáng tạo và đầu tư phát triển của khối DN tư nhân.

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico), cho biết một trong những kỳ vọng lớn mà cộng đồng DN tư nhân đặt vào Nghị quyết 68 là việc tạo lập một sân chơi công bằng giữa các khu vực kinh tế. Nghị quyết không chỉ mở ra cơ hội bình đẳng giữa các khu vực DN, còn cho phép khối tư nhân có cơ hội được tham gia vào những lĩnh vực trước đây vốn bị hạn chế, đặc biệt là trong các cơ chế đấu thầu công. 

"Việc tạo điều kiện cho DN tư nhân tiếp cận các dự án lớn, nếu được triển khai thực chất và đi kèm cải cách thủ tục hành chính sẽ tạo ra cú hích mạnh mẽ cho nền kinh tế. Như bản thân Bidrico, trước đây gần như không thể tiếp cận được các đơn hàng cung ứng cho khối cơ quan công quyền như quân đội, công an, hay các trung tâm thuộc nhà nước… Nay Nghị quyết 68 đã mở ra cơ hội rất lớn để các DN tư nhân có thể tham gia sâu hơn vào thị trường nội địa - nơi vẫn còn nhiều tiềm năng bị bỏ ngỏ" - ông Nguyễn Đặng Hiến kỳ vọng.

Thực tế, thời gian qua, người đứng đầu Chính phủ đã không ít lần đề cập đến việc lấy kinh tế tư nhân làm động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tháo gỡ khó khăn cho DN và có cơ chế, mạnh dạn đặt hàng, giao một số việc lớn cho các tập đoàn, DN tư nhân. 

Đặc biệt, đích thân Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao việc cụ thể cho các DN tư nhân lớn như Tập đoàn THACO đảm nhiệm nghiên cứu sản xuất toa tàu đường sắt cao tốc; Tập đoàn Hòa Phát nghiên cứu sản xuất đường ray cho dự án tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; Tập đoàn Vingroup đầu tư tuyến tàu điện ngầm từ TP HCM đi Cần Giờ...

Doanh nghiệp cần mạnh mẽ vào cuộc

Chia sẻ với các DN trong CLB DN dẫn đầu (LBC), Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao và Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA) mới đây, TS Vũ Thành Tự Anh, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, nhấn mạnh cùng với Nghị quyết 68 xóa bỏ định kiến về kinh tế tư nhân và có nhiều cơ chế, chính sách của nhà nước, bản thân các DN tư nhân cũng cần mạnh mẽ tham gia vào các cuộc đối thoại chính sách công - cùng định hình các lực của mô hình phát triển mới nổi của Việt Nam. 

"DN nên có ý kiến mạnh mẽ để tạo ra thể chế thuận lợi hơn cho mình. Còn nếu bản thân các DN cứ thận trọng, thủ thế và thiếu sự chủ động, sẽ rất khó để thay đổi những môi trường đang trực tiếp ảnh hưởng tới họ. Bởi khu vực tư nhân phải là động lực tăng trưởng chính" - TS Vũ Thành Tự Anh nói.

Chuyên gia kinh tế - TS Đỗ Thiên Anh Tuấn cùng nhóm nghiên cứu và phân tích Vietstats vừa công bố báo cáo liên quan đến việc triển khai Nghị quyết 68, trong đó nhấn mạnh cần ưu tiên một số giải pháp ngay từ năm 2025 nhằm tạo chuyển biến thực chất. Theo đó, việc phát triển DN khởi nghiệp sáng tạo là một trong những ưu tiên hàng đầu. "Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo không chỉ là nguồn lực chiến lược giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mà còn là động lực mới cho tăng trưởng dựa trên tri thức, công nghệ và đổi mới" - TS Đỗ Thiên Anh Tuấn nhận định.

Tuy nhiên, các start-up Việt Nam hiện vẫn gặp nhiều rào cản như thiếu vốn, khó khăn pháp lý, chính sách thuế chưa phù hợp và hạn chế trong tiếp cận thị trường. Để giải quyết những nút thắt này, nhóm nghiên cứu đề xuất: "Trong năm 2025, cần triển khai hàng loạt hành động thiết thực như thành lập mới hoặc nâng cấp các quỹ đầu tư công - tư hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt ở cấp quốc gia và địa phương. Các lĩnh vực như thương mại điện tử và công nghệ số cần được ưu tiên".

Bên cạnh đó, việc kết nối start-up với các trung tâm đổi mới sáng tạo, viện nghiên cứu, trường đại học, quỹ đầu tư và DN lớn cũng được nhấn mạnh nhằm hình thành các cụm liên kết theo vùng và ngành.

Một giải pháp khác được nhóm Vietstats đề xuất là xây dựng cơ chế "DN lớn đồng hành cùng địa phương" để thúc đẩy phát triển cụm công nghiệp, đổi mới công nghệ và mở rộng xuất khẩu. Mô hình cụm liên kết ngành, với sự hợp tác giữa DN lớn, DN nhỏ, tổ chức tài chính, cơ sở đào tạo và chính quyền cũng cần được triển khai thí điểm tại các vùng kinh tế trọng điểm. Các lĩnh vực được khuyến nghị ưu tiên gồm: công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến thực phẩm, dệt may, da giày, điện tử và logistics.

Để triển khai hiệu quả, cần bổ sung cơ chế hỗ trợ về tài chính, hạ tầng, xúc tiến thương mại và tiêu chuẩn hóa sản phẩm. Đồng thời, việc đánh giá, tổng kết mô hình để nhân rộng trên phạm vi cả nước cũng là bước đi cần thiết. "Liên kết giữa DN lớn và nhỏ không chỉ giúp DN nhỏ tham gia sâu vào chuỗi cung ứng có giá trị cao, mà còn mở rộng hệ sinh thái cho DN lớn, góp phần giảm phụ thuộc vào nhập khẩu. Đây là chiến lược cùng thắng, cần được triển khai mạnh mẽ từ năm 2025" - TS Đỗ Thiên Anh Tuấn nhấn mạnh.

Ông Hồ Việt Hải, CEO Công ty Alternō - một start-up về biến đổi khí hậu, nhận định đây là "thời điểm vàng" để khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam, khi nhiều yếu tố thuận lợi đang hội tụ. Tuy nhiên, ông cho rằng vẫn còn những rào cản cần tháo gỡ, nhất là thủ tục rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài còn phức tạp. Đà Nẵng mới đây đã ban hành Nghị quyết 53 nhằm xử lý vướng mắc này, tạo tâm lý an tâm cho nhà đầu tư. "Đà Nẵng tiên phong, DN kỳ vọng các thành phố lớn khác cũng sẽ làm theo" - ông Hải nói.

Ông Hải đánh giá Nghị quyết 68 mở ra không gian phát triển lớn nhưng việc triển khai thực chất vẫn phụ thuộc vào tốc độ và quyết tâm của người thực hiện. 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 12-5

Doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm

Phó Cục trưởng Cục Khởi nghiệp và DN Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), ông Phạm Đức Nghiệm, khẳng định Nghị quyết 68 mở ra cơ hội lớn cho hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, để hiện thực hóa, cần sự chủ động, sáng tạo và tham gia tích cực của DN và hiệp hội trong việc góp ý và cụ thể hóa chính sách.

Ông Nghiệm dẫn ví dụ quốc tế như Hàn Quốc với cụm sáng tạo Daedeok Innopolis - nơi kết nối DN với viện nghiên cứu, đại học, cùng nhận hỗ trợ từ nhà nước. Tại Israel, hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển nhờ môi trường pháp lý linh hoạt và hệ thống vườn ươm công nghệ công lập. Singapore cũng có chương trình "SMEs Go Digital" hỗ trợ DN nhỏ chuyển đổi số theo từng ngành.

Ông Nghiệm cho biết thêm Bộ Khoa học và Công nghệ đang tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, lấy DN làm trung tâm, đồng thời tăng cường hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực nội tại cho cộng đồng start-up.