Tháng 5 - mùa sen nở
Vào những dịp kỷ niệm sinh nhật, Bác tranh thủ đi thăm nhiều nơi để "né" các buổi lễ trọng thể, đồng thời để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân,…
Tháng 5-1946, nền dân chủ cộng hòa vẫn còn trong trứng nước, đất nước ta vẫn trong tình thế "ngàn cân treo sợi tóc"; cuộc chiến tái lập chế độ thuộc địa đã nổ ra ở Nam Bộ, 15.000 quân Pháp kéo ra Bắc, cuộc đàm phán Việt - Pháp vừa dạo đầu ở Đà Lạt…
Bất ngờ ngày 18-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo cho tổ chức kỷ niệm sinh nhật mình lần đầu tiên vào hôm sau, 19-5-1946.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại trong hồi ký: Chiều 18-5-1946, Cao ủy Pháp D'Argenlieu cùng tướng Valluy và Grepin đến Bắc Bộ Phủ chào Hồ Chủ tịch. Bác nâng cốc chúc mừng Cao ủy Pháp và nói: "Hôm nay, với việc ngài đến thăm Hà Nội, cuộc bang giao Việt - Pháp chắc chắn sẽ có bước phát triển mới". Ông D'Argenlieu đáp lễ: "Ngày mai là sinh nhật Hồ Chủ tịch, tôi xin chúc mừng Chủ tịch thượng thọ. Tôi tin rằng từ đây, tình thân thiện của nước Pháp và nước Việt Nam sẽ càng ngày càng chặt chẽ thêm và càng thân mật hơn nữa"…
Trong bối cảnh phức tạp của tình hình lúc đó, việc tổ chức kỷ niệm sinh nhật Bác trở thành một "sáng kiến" làm lợi khí ngoại giao rất quan trọng. Bởi ngay sau đó, Người xuất hành chuyến công du lịch sử sang phương Tây, phá vỡ thế bao vây cô lập của thực dân, đế quốc đối với nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ.
Đây cũng là lần đầu tiên, đất nước ta kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ và biểu thị khối đại đoàn kết toàn dân xung quanh người chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam. Từ đó, cứ đến tháng 5, đất nước ta hình thành thói quen tình cảm mừng thọ Bác.
Song, là người công bộc, "đầy tớ" của nhân dân, Bác đã thể hiện phong phú những phẩm chất đáng quý: Khiêm tốn, giản dị, liêm chính, cần kiệm... Đặc biệt, Người từ chối những lễ nghi phiền phức, không muốn lãng phí thời giờ, tiền bạc của nhân dân.
Vào những dịp kỷ niệm sinh nhật, Bác tranh thủ đi thăm nhiều nơi để "né" các buổi lễ trọng thể, đồng thời để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân, nắm tình hình và chia sẻ, cổ vũ các địa phương, đoàn thể, bà con nhân dân và cá nhân điển hình tiên tiến trong chiến đấu, lao động, sản xuất… Bác nói với người thư ký: "Vào ngày đáng nhớ này mà dành để về với dân, với cơ sở sản xuất, vừa hiểu được tình hình thực tế lại vừa thoải mái về tinh thần. Đối với Bác, đây là hạnh phúc lớn".
Người thường dặn thư ký: "Sắp đến sinh nhật Bác rồi, chú bố trí cho Bác đi công tác, càng xa Hà Nội càng tốt. Bác không muốn có những buổi chúc tụng theo nghi lễ, tốn kém, lãng phí". Người cũng thường dặn thư ký không thông báo trước cho các địa phương đón tiếp. Nếu địa phương hay cơ quan nào biết Bác sẽ đến thì nhắc không được tổ chức chúc thọ linh đình, đi lại tốn kém.
Bác "cố ý" đi thăm, đi nghỉ ở nước ngoài đúng dịp sinh nhật nhằm tránh những phiền phức và tốn kém thời gian, tiền của của nhân dân. Có lần, thấy nước bạn định tổ chức sinh nhật Bác, Người thẳng thắn: "Tôi sang đây vào dịp này để tránh việc chúc thọ ở trong nước. Vì vậy, tôi yêu cầu các đồng chí cũng không tổ chức chúc thọ tôi ở đây".
Những lần sinh nhật từ năm 1965-1969, Bác tập trung viết tài liệu "Tuyệt đối bí mật", chuẩn bị hành trang để lại cho toàn Đảng, toàn dân trước lúc đi xa. Vào dịp sinh nhật năm 1969, Bác viết lại toàn bộ đoạn mở đầu bản Di chúc lịch sử bằng mực xanh vào mặt sau tờ tin Tham khảo đặc biệt của TTXVN mà Người vừa đọc ngày 3-5-1969. Bác yêu cầu thực hiện "Cần với kiệm phải đi đôi với nhau, như hai chân của con người"; làm bất cứ việc gì, sử dụng cái gì dù lớn dù nhỏ đều tiết kiệm, không để lãng phí. Người nhắc nhở "Nếu ta khéo tiết kiệm sức người, tiền của và thời giờ, thì với sức lao động và tiền tài của nước ta hiện nay, ta có thể tăng gia sản xuất gấp bội mà lực lượng của ta về mọi mặt cũng tăng gấp bội"…
Nhiều người từng hỏi Bác về ngày tháng sinh nhật. Bác nói vui là không biết, không nhớ, nhưng Người không quên lời bà ngoại dặn: Bác sinh vào mùa sen nở.
Tháng 5 này, khi cả nước ta long trọng, thành kính kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - cũng là mùa sen nở khắp mọi miền đất nước. Từ đường về quê Người ở làng Sen - Nghệ An đến vùng đồng bằng sông nước Cửu Long, đâu đâu cũng vang mãi câu ca "Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ".