Thanh lọc các chốt chặn an toàn
"Lập tổ công tác đặc biệt, mở đợt cao điểm truy quét hàng giả, ngăn chặn buôn lậu".
Đó là chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ vừa được đưa ra sau hàng loạt vụ hàng lậu, hàng giả là thực phẩm, thuốc chữa bệnh… bị cơ quan công an triệt phá gây chấn động dư luận.
Vụ án gần nhất liên quan đến hàng mất an toàn là thực phẩm chức năng lại đến từ chính nguyên lãnh đạo cơ quan kiểm soát, cấp phép là Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong. Ngay tại cơ quan quản lý ATTP cao nhất của quốc gia mà xảy ra vụ nhận tiền cấp phép trái quy định để hàng trăm loại thực phẩm chức năng mất an toàn tung ra thị trường thì hậu quả rất kinh hoàng. Ngay bây giờ, việc thu hồi các loại sản phẩm này đã rất gian nan chứ chưa nói đến bao nhiêu người đã mua và sử dụng nó.
Trước đó là thuốc tây giả, sữa giả cũng được đưa ra thị trường mà đến nay chưa thể giải quyết hết hậu quả. Tình trạng nhức nhối này liên tiếp xảy ra và đã xảy ra trong thời gian dài nên người tiêu dùng bất an và hoài nghi việc thực thi trọng trách được giao từ chính cơ quan quản lý.
Vấn đề đáng ngại nhất là những vụ làm sữa giả, thuốc giả hay thực phẩm chức năng giả rất lớn bị phanh phui gần đây không phải được các cơ quan quản lý nhà nước về chuyên môn phát hiện. Chúng chỉ được triệt phá khi cơ quan công an vào cuộc điều tra và khởi tố vụ án. Nguy hiểm hơn, nó còn xuất phát từ sự nhúng chàm, cố tình vi phạm của chính người lãnh đạo của cơ quan như vụ việc xảy ra ở Cục ATTP.
Ở những vụ việc trên có thể nói rằng chức năng quản lý, kiểm tra, cấp phép đã bị vô hiệu hóa. Những sản phẩm chết người trên đã có một thời gian dài tiếp cận thị trường, người tiêu dùng sử dụng. Hậu quả đã gây ra nên cũng chưa thể thống kê được số nạn nhân đã bị gây hại và nạn nhân kế tiếp là ai. Tình trạng này cũng khó có thể khắc phục hậu quả hoặc bồi thường theo đúng quy định của pháp luật.
Về cơ cấu tổ chức, chúng ta có rất nhiều cơ quan liên đới trong việc quản lý, kiểm soát, kiểm tra về hàng giả, hàng kém chất lượng như Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường… Nói chung là rất nhiều cơ quan quản lý nhưng thực tế nguy hiểm như vừa qua lại cho thấy những lỗ hổng quá lớn để hàng giả luôn uy hiếp sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng. Quản thì nhiều cơ quan muốn nhưng trách nhiệm lại chưa đạt yêu cầu. Có nhiều vụ việc rất lớn như vụ sữa giả, thuốc giả vừa qua cho đến nay vẫn chưa truy được trách nhiệm cụ thể để trả lời dư luận và tìm đúng địa chỉ để lấp lỗ hổng.
Với hơn 100 triệu dân, nền kinh tế đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ nên sức tiêu thụ của quốc gia là khổng lồ. Trong bối cảnh này, sự yếu kém của các cơ quan chuyên môn liên quan và sự thoái hóa của một bộ phận cán bộ biến chất sẽ luôn "nuôi dưỡng" cơ hội cho hàng giả tràn vào thị trường. Không còn cách gì khác, phải loại bỏ cán bộ yếu kém, chỉ rõ địa chỉ trách nhiệm, xử lý nghiêm sai phạm mới có thể sửa sang lại bộ máy quản lý chuyên ngành, làm tốt được vai trò gác cửa, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.