Thêm dấu hiệu sự sống từ hành tinh “tràn ngập sinh vật biển”
(NLĐO) - Hai dấu hiệu mạnh mẽ liên quan đến sự sống đã được xác định từ quang phổ của K2-18b, một siêu Trái Đất cách chúng ta 124 năm ánh sáng.
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà vật lý thiên văn Nikku Madhusudhan từ Đại học Cambridge (Anh) đã xác định cùng lúc 2 dấu hiệu sự sống tiềm năng là dimethyl sulfide (DMS) và dimethyl disulfide (DMDS) trong bầu khí quyển của hành tinh mang tên K2-18b.

Hành tinh được tin tưởng là có sự sống K2-18b - Ảnh đồ họa: Nikku Madhusudhan và các cộng sự
K2-18b được cho là một siêu Trái Đất đại dương, nằm gọn gàng trong "vùng sự sống" Goldilocks của ngôi sao mẹ K2-18 trong chòm sao Sư Tử (Leo).
Hành tinh này đã trở thành "con cưng" của các nhà khoa học từ vài năm nay, khi liên tiếp để lộ các dấu hiệu sinh học tiềm năng như carbon dioxide và methane.
Năm 2023, một nghiên cứu sơ bộ cũng do TS Madhusudhan dẫn đầu đã chỉ ra bằng chứng đầu tiên và DMS, điều khiến nhiều nhà khoa học tin rằng thế giới này có thể tràn ngập sinh vật biển.
DMS khi đó được xác định thông qua các thiết bị hồng ngoại gần NIRISS và NIRSpec của kính viễn vọng không gian mạnh nhất thế giới James Webb.
Lần này, các nhà khoa học quyết định huy động thêm MIRI (Thiết bị hồng ngoại giữa) của James Webb. Không chỉ một lần nữa xác nhận sự tồn tại của DMS, dữ liệu quang phổ còn chi ra sự tồn tại rõ ràng của DMDS.
Trên Trái Đất, DMS và DMDS chỉ được tạo ra bởi sự sống, chủ yếu là sự sống của vi khuẩn như thực vật phù du sinh sống trong các đại dương.
Theo EurekAlert, kết quả này là bằng chứng mạnh mẽ nhất cho đến nay rằng sự sống có thể tồn tại trên một hành tinh bên ngoài hệ Mặt Trời.
“Đây là một dòng bằng chứng độc lập, sử dụng một công cụ khác với những gì chúng tôi đã làm trước đây và một phạm vi bước sóng ánh sáng khác, không có sự chồng chéo với các quan sát trước đây” - TS Madhusudhan giải thích.
Các quan sát mới nhất cũng giúp xác định chuẩn hơn kích thước và khối lượng của K2-18: Khối lượng lớn hơn Trái Đất 8,6 lần và bán kinh hơn 2,6 lần.
Các phép đo cũng cho thấy nó nằm cách Trái Đất khoảng 124 năm ánh sáng thay vì 111 năm ánh sáng như dữ liệu trước đó.
Nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí khoa học The Astrophysical Journal Letters.