Thiết lập "lá chắn" bảo vệ hàng thật

Trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, có một "mặt trận" mà chúng ta không thể bỏ quên, đó là bảo vệ hàng thật, hàng chính hãng.

Tôi vẫn thường khuyến cáo người tiêu dùng, nếu muốn biết một sản phẩm thực phẩm có lưu hành hợp pháp hay không thì lên website Sở An toàn thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm là biết ngay. Toàn bộ hệ thống cấp giấy đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được công khai để người tiêu dùng tra cứu.

Từ khi thí điểm Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM, nay là Sở An toàn thực phẩm TP HCM, chúng tôi đã triển khai chiến lược "xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn". Chiến lược này đang được duy trì, không chỉ nhằm loại bỏ thực phẩm bẩn, thực phẩm giả mà còn hỗ trợ thực phẩm sạch, chính hãng chiếm thị phần. Nhiều doanh nghiệp thực phẩm có đầu tư lớn, xuất khẩu sang những thị trường khó tính nhưng khi đưa hàng vào thị trường trong nước lại than khó vì "cỏ dại" nhiều quá.

Tại TP HCM, chúng tôi rất quan tâm đến việc phát triển các hệ thống phân phối hiện đại tổng hợp, chuyên ngành hoặc cửa hàng chính hãng của doanh nghiệp bởi những hệ thống này có "bộ lọc" tốt, nhờ quản lý chất lượng nội bộ hiệu quả, cũng như kiểm soát tính hợp pháp và chất lượng của hàng hóa đầu vào. Những hệ thống này có sự đầu tư lớn, nếu có sự cố thì mất mát rất lớn, do vậy phải chủ động giám sát nhà cung cấp, chủ động lấy mẫu hoặc nhờ bên thứ 3 làm trọng tài. Bởi lẽ, hàng hóa có đầy đủ hóa đơn chứng từ, có nhà máy hẳn hoi chưa hẳn là sản xuất ra hàng thật mà những vụ việc phát hiện sữa giả vừa qua là bằng chứng.

Tôi cũng thường nhắc các hệ thống này phải ưu tiên số 1 là chất lượng, uy tín thay vì chạy theo chiết khấu, có thể đánh mất thương hiệu.

Để bảo vệ hàng thật, chính các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cũng chủ động xây dựng, đề xuất tiêu chuẩn ngành hàng để phân biệt hàng thật - hàng giả. Ví dụ, có doanh nghiệp than phiền về yến sào giả nhưng dưới góc nhìn cơ quan quản lý thì cần có tiêu chí, chỉ tiêu, phương pháp phân định yến sào thật - yến sào giả thì mới thực thi được.

Doanh nghiệp lớn, có uy tín, thương hiệu tốt thường bố trí đội ngũ làm công việc theo dõi thị trường, nắm bắt sản phẩm của doanh nghiệp mình có bị làm giả hay không rồi chủ động phối hợp với cơ quan chức năng xử lý. Cách làm chủ động này cần nhân rộng, không thể phó mặc cho cơ quan chức năng.

Với người tiêu dùng, tôi cũng kêu gọi cần ủng hộ hàng thật.

Đối với hàng hóa bán trên sàn thương mại điện tử cũng cần "luật hóa" để quản lý chặt chẽ, bịt các lỗ hổng, tạo ra môi trường mua sắm an toàn, lành mạnh.

Chúng ta đang khuyến khích khởi nghiệp, có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người trẻ khởi nghiệp. Các bạn hãy tự tin xây dựng thương hiệu cho riêng mình, dù có thể bước đầu còn khó khăn, lợi nhuận chưa cao nhưng con đường này bền vững và an toàn. Đừng chọn lối đi tắt bằng cách làm hàng nhái, hàng kém chất lượng, vì trước sau gì cũng sẽ phải trả giá.

Trong bối cảnh mở rộng địa giới hành chính của TP HCM, việc thiết lập một "lá chắn" bảo vệ hàng thật, bảo vệ thương hiệu Việt càng trở nên cấp thiết. 

Ngọc Ánh ghi