Day dứt từ thảm họa lũ lụt ở Libya

Vỡ đập ở TP Derna đã gây ra một trong những trận thảm họa khủng khiếp nhất đối với Libya.

Một tuần đã trôi qua mà số người thiệt mạng và bị thương cũng như thiệt hại vật chất vẫn chưa thể thống kê được hết. Cùng với tiến trình cứu trợ khẩn cấp, câu hỏi day dứt là sao lại xảy ra thảm họa kinh hoàng như thế và có thể rút ra những bài học gì.

Nhìn lại vụ việc, người ta không thể không nhận thấy và xót xa về 3 điều. 

Thứ nhất, công tác dự báo thời tiết chưa tốt. Mưa to gió lớn được dự báo nhưng mức độ lại không chính xác, tạo nên tâm lý chủ quan.

Thứ hai, bản thân con đập ở Derna ở trong tình trạng tồi tệ, không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Con đập này do một công ty của Ý thi công nhưng công ty này đã bỏ dở và rút về nước sau khi Libya rơi vào chiến tranh năm 2011.

Thứ ba, việc cứu trợ khẩn cấp chưa hiệu quả.

Cả 3 điều trên, ngoài nguyên nhân khách quan là do bão gây mưa lớn dẫn đến lũ quét thì nguyên nhân chủ quan nằm ở chỗ khu vực xảy ra vụ vỡ đập nằm giữa hai vùng lãnh thổ do hai chính quyền song song ở Libya kiểm soát.

Day dứt từ thảm họa lũ lụt ở Libya - Ảnh 1.

Lực lượng Trăng lưỡi liềm đỏ của Libya cứu trợ tại TP Derna sau thảm họa lũ lụt Ảnh: REUTERS

Bài học đầu tiên từ thảm họa ở Libya là một khi đất nước rơi vào cảnh chiến tranh, mất đi an ninh và ổn định thì mọi công tác phòng ngừa và ứng phó thảm họa đều khó thể kịp thời và hiệu quả. Việc này không được giới cầm quyền coi trọng và ưu tiên.

Bài học tiếp theo là phải đầu tư thỏa đáng và thường xuyên vào hệ thống dự báo thời tiết, cảnh báo thảm họa cũng như công tác phòng ngừa và ứng phó. Chẳng phải phòng bệnh luôn hơn chữa bệnh hay sao! 

Đối với Libya, việc này hiện rất khó khăn, thậm chí trong chừng mực nhất định còn bất khả thi, vì cả hai chính quyền đều không có vốn, vì tình hình chính trị - xã hội bất an và bất ổn dai dẳng, vì gần như không được cả trong lẫn ngoài nước quan tâm thỏa đáng.

Các phe cánh chính trị ở Libya cũng phải chịu trách nhiệm về thảm họa này, bởi lâu nay họ đặt cuộc tranh giành quyền lực lên trên hết. 

Trong thế giới này, thảm họa luôn có thể xảy ra bất ngờ. Lẽ ra khi rơi vào những tình huống tồi tệ như thế, quốc gia và dân tộc, người dân và chính quyền phải đoàn kết thành một khối để tập trung xử lý khủng hoảng. Libya hiện không được như vậy nên mới sa vào tình trạng "họa vô đơn chí".

Không khó để nhận ra những bài học trên. Chỉ có điều nhận thức là một chuyện, hành động trên thực tế lại là chuyện khác!