Theo AP, thảm họa đã mang đến sự đoàn kết hiếm có tại đất nước đang bị chia cắt này khi các cơ quan khắp Libya nỗ lực giúp đỡ những khu vực bị ảnh hưởng. Các nỗ lực cứu trợ đã bị chậm lại sau khi lũ lụt tàn phá một số cây cầu nối với Derna.
Bộ trưởng Bộ Y tế của chính phủ miền Đông Libya Othman Abdilijaleel cho biết nhiều thi thể nạn nhân đã được chôn cất trong các ngôi mộ tập thể bên ngoài TP Derna và các thị trấn, thành phố lân cận.
Trong khi đó, các đội cứu hộ tiếp tục tìm kiếm trong các tòa nhà bị lũ phá hủy ở trung tâm thành phố và vùng biển ngoài khơi.
Bà Lori Hieber Girardet, chuyên gia của Văn phòng Giảm thiểu rủi ro thiên tai của Liên Hiệp Quốc (UNDRR), nhận định do nhiều năm hỗn loạn và xung đột nên các cơ quan chính phủ ở Libya không hoạt động như bình thường, mức độ quan tâm cần dành cho quản lý thiên tai là chưa thỏa đáng.
Đoàn xe cứu trợ tiến vào TP Derna - Libya hôm 15-9. Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) Petteri Taalas cho rằng nếu Libya có một cơ quan khí tượng bình thường, họ có thể đã đưa ra cảnh báo.
Các cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp có thể đã tiến hành sơ tán người dân và thương vong có thể không cao như thế. WMO trước đó đã liên hệ với nhà chức trách Libya để sửa chữa hệ thống khí tượng nhưng tình hình an ninh bất ổn đã ngăn cản điều này.
Ngoài ra, theo tờ Arab News, 2 con đập bị sập ở ngoại ô TP Derna được xây dựng vào những năm 1970. Một báo cáo của cơ quan kiểm toán nhà nước Libya năm 2021 cho biết 2 đập nói trên không được bảo trì dù chính phủ đã phân bổ 2 triệu USD để làm việc này vào năm 2012 và 2013.
Thủ tướng Abdul-Hamid Dbeibah của Chính phủ Thống nhất quốc gia ở miền Tây Libya đã thừa nhận các vấn đề bảo trì trong cuộc họp nội các hôm 14-9 và kêu gọi các công tố viên mở một cuộc điều tra khẩn cấp về vụ vỡ đập.
Trang UN News nhấn mạnh yếu tố liên quan đến biến đổi khí hậu khi phân tích nguyên nhân thảm họa. Bão Daniel không chỉ gây lũ lụt thảm khốc ở Derna mà còn khiến khoảng 170 người thiệt mạng tại những địa phương khác ở Libya. Cơn bão này xảy ra trong một năm dày đặc thảm họa khí hậu và sự kiện thời tiết cực đoan, như cháy rừng nghiêm trọng, nắng nóng kỷ lục…
Theo ông Petteri Taalas, thảm kịch ở Libya nêu bật hậu quả tàn phá nặng nề của thời tiết cực đoan tại những nước dễ bị tổn thương.
Bình luận (0)