Trình Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc

(NLĐO)- Chiều 2-11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM.

Chiều 2-11, trong đợt 2 kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM.

Sau khi nghe tờ trình, Quốc hội đã thảo luận riêng ở Đoàn về việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc.

Theo chương trình, chiều ngày 3-11, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo kết quả thảo luận ở Đoàn đại biểu Quốc hội và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc.

Trình Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc - Ảnh 1.

Ông Phạm Phú Quốc trong một lần phát biểu tại nghị trường

Sau đó Quốc hội thành lập ban kiểm phiếu và bỏ phiếu kín bãi nhiệm ông Quốc. Kết quả kiểm phiếu sẽ được công bố ngay khi kiểm phiếu xong. Tiếp đó, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc.

Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ông Phạm Phú Quốc, sự việc ông Phạm Phú Quốc xin nhập quốc tịch Cộng hoá Síp và đã có quốc tịch Cộng hoà Síp nhưng không báo cáo với cơ quan, tổ chức là không trung thực, vi phạm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội theo quy định tại Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội.

Sai phạm của ông Phạm Phú Quốc, theo nhận định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu trong công luận và nhân dân, khiến uy tín của ông Phạm Phú Quốc bị giảm sút. Cử tri, nhân dân, thông qua Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bày tỏ sự không tín nhiệm và đề nghị Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc.

Trước đó, trong báo cáo giải trình gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ông Phạm Phú Quốc đã nhận thấy khuyết điểm, thiếu sót của bản thân làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức và tự nhận thấy bản thân không còn đủ tư cách của người đại biểu Quốc hội không xứng đáng với sự tin tưởng của tổ chức.