Thuốc sinh học tương tự giúp giảm gánh nặng ung thư vú tại Việt Nam
(NLĐO) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự đoán số lượng bệnh nhân mắc ung thư vú toàn cầu sẽ lên tới 3,1 triệu vào năm 2040
Hội Ung thư Việt Nam, Hội Miễn dịch trị liệu ung thư Việt Nam và Công ty TNHH Pfizer (Việt Nam) vừa tổ chức hội nghị khoa học "Góc nhìn toàn diện về thuốc sinh học tương tự", thu hút hơn 250 bác sĩ, dược sĩ và chuyên gia y tế tham dự.
Hội nghị diễn ra tại TP HCM và Hà Nội nhằm tạo cơ hội trau dồi, học hỏi, cập nhật, chia sẻ các kiến thức thực tiễn giữa chuyên gia quốc tế và đội ngũ cán bộ y tế tại Việt Nam về điều trị ung thư vú với liệu pháp sinh học.
Tại hội nghị, TS -BS Paul Cornes, tư vấn ung thư lâm sàng (Anh), nhấn mạnh: "Thuốc sinh học tương tự thực sự có giá trị khi đáp ứng hai yêu cầu: Phải có hiệu quả điều trị tương đương thuốc gốc; phải giúp giảm chi phí cho bệnh nhân, hệ thống y tế và các bên chi trả, qua đó mang lại lợi ích kinh tế".
Theo TS - BS Paul Cornes, thuốc sinh học tương tự được phê duyệt tại châu Âu và FDA đều có hiệu quả, độ an toàn và chất lượng tương đương thuốc gốc. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các quốc gia trong việc tối ưu hóa lợi ích kinh tế và áp dụng giải pháp điều trị hiệu quả nhất.

TS - BS Paul Cornes chia sẻ về những ưu điểm của thuốc sinh học tương tự trong điều trị ung thư
PGS- TS- DS Nguyễn Tuấn Dũng, nguyên Trưởng bộ môn Dược lâm sàng – Trường ĐH Y Dược TP HCM, cho rằng việc ra đời các thuốc sinh học tương tự góp phần giúp giảm chi phí điều trị, tăng khả năng tiếp cận của người bệnh với liệu pháp điều trị hiệu quả, kéo dài cuộc sống hơn. Nhu cầu sử dụng thuốc sinh học tương tự tại Việt Nam đang ngày càng tăng cao.
Theo thống kê của Globocan 2022, Việt Nam ghi nhận 180.480 ca mắc mới và 120.184 ca tử vong do ung thư. Trong đó, ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở Việt Nam, với 24.563 ca mắc mới, chiếm 28,9% các ca ung thư ở nữ giới. Căn bệnh này gây ra hơn 10.000 ca tử vong, chiếm 8,3% tổng số ca tử vong do ung thư tại Việt Nam.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) còn dự đoán số lượng bệnh nhân bị chẩn đoán mắc ung thư vú sẽ lên tới 3,1 triệu vào năm 2040. Mặc dù đạt được nhiều tiến bộ trong điều trị nhưng bệnh nhân ung thư vú vẫn phải đối mặt nhiều thách thức như kháng thuốc kháng HER2, dẫn đến giảm hiệu quả điều trị và chi phí điều trị cao.
Ông Darrell Oh, Tổng Giám đốc Pfizer Việt Nam, nhận xét: "Với sự phát triển vượt bậc của y học hiện nay, tôi hy vọng các phương pháp điều trị tiên tiến sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho nhiều bệnh nhân ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chung tay cùng các tổ chức, ban ngành y tế Việt Nam trong việc liên tục cập nhật và chia sẻ những kiến thức mới trên thế giới trong lĩnh vực điều trị và dự phòng ung thư".