Tiềm năng rất lớn
Với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 trên 8% và tiến tới 2 con số giai đoạn 2026-2030, Việt Nam đang hướng tới trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Theo đó, nhu cầu năng lượng, đặc biệt là điện, sẽ tiếp tục tăng mạnh, với tốc độ tăng từ 12%-16% mỗi năm. Đồng thời, cam kết đạt Net Zero vào năm 2050 cũng đòi hỏi tăng cường sử dụng điện trong các lĩnh vực thay thế nhiên liệu hóa thạch.
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu chuyển dịch năng lượng, Việt Nam đã ban hành Luật Điện lực sửa đổi năm 2024. Chính phủ cũng đã ban hành các Nghị định hướng dẫn 56 và 58. Những văn bản này đưa ra nhiều cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cho hệ thống lưu trữ điện tái tạo, đồng thời hướng dẫn quy hoạch, xây dựng và đầu tư phát triển điện lực.
Cùng với Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam đã ban hành Luật Điện lực sửa đổi năm 2024. Những tháng đầu năm 2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định 58 nhằm hướng dẫn thi hành Luật Điện lực (sửa đổi), trong đó đưa ra nhiều cơ chế ưu đãi, hỗ trợ phát triển hệ thống lưu trữ điện từ nguồn năng lượng tái tạo; đồng thời Nghị định 56 quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về Quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện, đầu tư xây dựng dự án điện lực và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án kinh doanh điện lực.
Chính phủ cũng đang xem xét phê duyệt Quy hoạch điện VIII điều chỉnh theo hướng tăng thêm quy mô điện mặt trời và điện gió, nguồn năng lượng tái tạo ngoài thủy điện được đánh giá chiếm từ 28%-36% trong tổng sản lượng điện vào năm 2030. Mục tiêu trong Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, đến năm 2030: điện gió trên bờ và gần bờ tăng thêm so với hiện nay từ 4.100 - 16.000 MW, điện mặt trời tăng từ 25.000 - 52.000 MW so với hiện nay.
Nhiều doanh nghiệp (DN) kỳ vọng cơ chế hỗ trợ cụ thể cho điện mặt trời tại Việt Nam. Ông Nguyễn Thanh Lam, Giám đốc điều hành Công ty CP Lâm Việt, mong được tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục và tiếp cận vốn vay ưu đãi để đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM), đánh giá tiềm năng phát triển điện mặt trời của Việt Nam rất lớn. Nhiều DN Hàn Quốc mong muốn phát triển điện mặt trời mái nhà trên các mái nhà xưởng. Cùng với đó, một số DN có ngỏ ý được mua điện tái tạo trực tiếp từ các nhà sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn xanh. Tuy nhiên, ông Hong Sun cho biết chưa có nhà máy nào ký kết được hợp đồng mua điện trực tiếp do còn một số vướng mắc về nhu cầu hai bên, khả năng cung cấp, mức độ bảo đảm ổn định nguồn cung năng lượng…
Ông Chandan Singh, Tổng Giám đốc Hitachi Energy tại Việt Nam - nhà cung cấp các thiết bị lắp đặt về năng lượng tái tạo, cho rằng Nhà nước cần tiếp tục xây dựng Biểu giá điện hỗ trợ (giá FiT) để thúc đẩy các loại hình năng lượng tái tạo phát triển, do chi phí lắp đặt còn khá cao; cũng như thúc đẩy mạnh hơn quá trình mua bán thương mại về điện sạch.