Tiền lương thấp, công nhân trì hoãn kết hôn và sinh con
(NLĐO) - Khảo sát cho thấy 73% công nhân độc thân ngại kết hôn vì lương thấp, chi phí sinh hoạt tăng cao, ảnh hưởng cả đến quyết định sinh con
Mới đây, nhận phiếu báo tiền nhà trọ tháng 6, chị Nguyễn Thúy Hiền, công nhân tại Khu Công nghệ Cao, TP HCM (hiện đang ở trọ tại phường Tăng Nhơn Phú) không khỏi thở dài khi thấy tiền nhà tháng này tăng thêm 100.000 đồng/tháng.
Tổng cộng tiền nhà (1,8 triệu đồng/tháng), điện, nước, rác sinh hoạt tháng này của chị hết khoảng 2,2 triệu đồng. Do tiền nhà tăng nên tháng này, chị sẽ phải tiết kiệm các khoản khác để bù lại
Chị Hiền đã gần 30 tuổi nhưng vẫn độc thân, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc thu nhập thấp trong khi chị còn phụng dưỡng mẹ già, thường xuyên đau bệnh. Do bộ phận của chị chỉ làm hành chính, ít tăng ca, thu nhập mỗi tháng dao động ở mức 7-8 triệu đồng, trừ tiền nhà trọ và tiền gửi về quê cho cha mẹ 3 triệu đồng/tháng, mỗi tháng chị còn khoảng 2-3 triệu đồng để lo ăn uống và các chi phí phát sinh.
Sức khỏe yếu, dễ ốm vặt, chị không dám đăng ký làm ca đêm để tăng thu nhập nên chỉ có thể tiết kiệm hết mức có thể. "Ngoài giờ làm việc, tôi chỉ quanh quẩn ở nhà trọ, không tụ tập bạn bè cũng ít gặp gỡ ai, trong chuyền thì hầu hết là nữ nên đến nay vẫn độc thân. Bản thân tôi cũng không có ý định kết hôn vì còn phải lo cho mẹ. Giờ tiền ăn uống, sinh hoạt còn phải tính toán, nếu có gia đình, con cái, tôi sợ không lo nổi" - chị tâm sự.

Lương thấp khiến chất lượng cuộc sống người lao động thấp và ngại lập gia đình, sinh con
Tương tự, đã ngoài 30 tuổi nhưng anh Trần Tuấn Tú (công nhân một công ty sản xuất linh kiện điện tử tại KCX Tân Thuận) vẫn chưa lập gia đình. Anh Tú cho biết trước đây do còn phải lo làm nuôi em học đại học nên anh không nghĩ đến chuyện yêu đương, kết hôn. Giờ lớn tuổi chút thì lại ngại yêu.
Anh kể: "Tôi làm việc xoay ca ngày - đêm theo tuần, thời gian làm việc kéo dài hơn 10 giờ/ngày nên ngoài giờ làm chỉ muốn nghỉ ngơi, gần như không có thời gian kết bạn. Sống một mình quen rồi, cũng ít lo lắng. Giờ tôi chỉ mong làm việc tích lũy thêm vài năm để sửa lại căn nhà cho cha mẹ ở quê".
Theo kết quả khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam vào tháng 3 và 4 năm 2025, trong số 3.000 người được khảo sát có đến gần 73% lao động độc thân cho biết tiền lương là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến quyết định lập gia đình của họ.

Tiền lương cũng là yếu tố khiến người lao động khi đã kết hôn băn khoăn chuyện sinh con
Họ cảm thấy thu nhập hiện tại không đủ đảm bảo cuộc sống ổn định khi có vợ chồng, đặc biệt khi chi phí sinh hoạt và nuôi dưỡng con cái ngày càng tăng. Tiền lương thấp còn ảnh hưởng đến việc mua nhà, tiết kiệm cho tương lai và đảm bảo nhu cầu cơ bản cho một gia đình mới.
Trong khi đó. Trên 53% cho hay tiền lương chỉ đáp ứng một phần chi phí giáo dục. Tổ chức Công đoàn đánh giá đây là con số đáng lo ngại, có thể dẫn đến tình trạng con cái người lao động không được tiếp cận với giáo dục chất lượng, ảnh hưởng đến khả năng phát triển và cơ hội nghề nghiệp của thế hệ tương lai.
Đó cũng chính là nguyên nhân, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất sớm điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng trước ngày 1-1-2026. Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, tiền lương là yếu tố then chốt giúp cải thiện đời sống người lao động giai đoạn hiện nay và có tích lũy cho tương lai.