Tiên phong vì lợi ích đoàn viên

Công đoàn TP HCM là nơi khởi xướng nhiều phong trào hay như "Tấm vé nghĩa tình", "Tết sum vầy", "Gia đình công nhân vui Tết cùng thành phố"

Tinh thần năng động, sáng tạo đã giúp Công đoàn TP HCM kịp thời thích ứng với những thay đổi, kiên trì vì mục tiêu đại diện, bảo vệ, chăm lo cho đoàn viên - lao động.

Nghị quyết 20-NQ/TW năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đặt ra những nhiệm vụ và giải pháp xây dựng giai cấp công nhân (CN) Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xác định tầm quan trọng của nghị quyết, đồng thời khẳng định đây là cơ hội lớn để phát huy phẩm chất cao quý của giai cấp CN Việt Nam nói chung và đội ngũ CNVC-LĐ thành phố nói riêng, Công đoàn TP HCM đã tổ chức nhiều phong trào thiết thực với quy mô và sự tác động lớn, trong đó lấy người lao động (NLĐ) làm trung tâm.

Chăm lo mọi mặt cho công nhân

Quá trình hình thành và phát triển đã khẳng định tinh thần sáng tạo không ngừng nghỉ của Công đoàn TP HCM, luôn sẵn sàng thay đổi để thích nghi. Ở giai đoạn nào, Công đoàn thành phố cũng tạo được những dấu ấn mạnh mẽ khi tiên phong thực hiện các mô hình mới nhằm chăm lo cho CNVC-LĐ.

Đơn cử là mô hình Tháng CN. Đây là sáng kiến đặc biệt, được khởi động vào năm 2009 với chủ đề "Vì việc làm, đời sống CNVC-LĐ". Tháng CN lần đầu tiên đã tạo nên một đợt hoạt động cao điểm kéo dài trong suốt tháng 5 gồm các nội dung: Hội thi "Bàn tay vàng", chương trình "Cùng CN vượt khó", "Đồng hành cùng doanh nghiệp (DN)", "Giờ thứ 9". Điểm nhấn các chương trình này là tập trung hướng về cơ sở. 

Thời điểm ấy, quan hệ lao động tại nhiều DN tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp do Bộ Luật Lao động chưa hoàn thiện, dẫn đến DN cố tình vi phạm. Việc tổ chức Công đoàn tăng cường đưa hoạt động về cơ sở, vừa chăm lo cho CN vừa đại diện, bảo vệ, tăng cường kết nối đối thoại giữa đôi bên đã góp phần tạo ra những thay đổi bước ngoặt trong quan hệ lao động. Có trợ lực từ Công đoàn cấp trên, tiếng nói của Công đoàn cơ sở cũng có trọng lượng hơn.

Ngay lần đầu tổ chức, Tháng CN đã tạo được sức hút, được đông đảo CNVC-LĐ, đặc biệt là giới chủ hưởng ứng, được sự quan tâm sâu sắc của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Đánh giá tác động tích cực mà Tháng CN đem lại, Công đoàn thành phố đã duy trì tổ chức đợt hoạt động này hằng năm với nội dung ngày càng đầu tư, tiếp cận đông đảo đoàn viên - lao động. Chỉ tính riêng Tháng CN năm 2024, tại TP HCM đã có 31.207 NLĐ được tiếp sức với tổng số tiền hơn 156 tỉ đồng.

Tiên phong vì lợi ích đoàn viên - Ảnh 1.

Ông Võ Khắc Thái, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, tặng quà hỗ trợ đoàn viên khó khăn tại lễ khai mạc Tháng Công nhân lần thứ 17 năm 2025. Ảnh: HỒNG ĐÀO

Từ thành công của Công đoàn thành phố, Tháng CN nhanh chóng được Tổng LĐLĐ Việt Nam nhân rộng. Năm 2011, lần đầu tiên, Tháng CN trong phạm vi toàn quốc được phát động tại KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội). Đến năm 2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định lấy tháng 5 hằng năm là Tháng CN theo Thông báo số 77 ngày 24-2-2012. 

Từ đó đến nay, Tháng CN đã trở thành truyền thống, là đợt lễ hội lớn dành cho NLĐ, gắn với nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên - lao động, trở thành trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức Công đoàn, DN cùng hành động vì hạnh phúc của NLĐ.

Không chỉ vậy, những diễn đàn đối thoại quan trọng giữa CN với lãnh đạo Đảng, Chính phủ, lãnh đạo các địa phương được tổ chức trong thời gian này cũng khiến Tháng CN trở nên đặc biệt. NLĐ được nói lên nguyện vọng chung của giai cấp trước lãnh đạo, từ những chính sách lớn như vấn đề tiền lương tối thiểu, nhà ở, nhà trẻ, thiết chế Công đoàn đến làm thế nào để việc nâng cao năng suất lao động… được tiếp thu, từ đó có giải pháp cải thiện.

Còn nhớ, trong cuộc gặp gỡ giữa CN - lao động với Thủ tướng Chính phủ năm 2016, nữ CN Võ Thị Thủy Tiên tại tỉnh Đồng Nai bộc bạch rằng chị và hầu hết CN có rất ít điều kiện để vui chơi, giải trí, giao tiếp, kết bạn… Chị mong muốn Thủ tướng xem xét đề ra những chính sách để phần nào đó giúp họ có nhiều hơn những địa điểm giao lưu văn hóa, văn nghệ, kết bạn... 

Từ những lời bày tỏ đầy xúc động này cùng với những đề xuất xác đáng của Tổng LĐLĐ Việt Nam, ngày 12-5-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các KCN-KCX", góp phần cải thiện đời sống văn hóa tinh thần của CNVC-LĐ cả nước.

Sát cánh với người lao động

Công đoàn thành phố còn là nơi khởi xướng nhiều phong trào hay như "Tấm vé nghĩa tình", "Tết sum vầy", "Gia đình CN vui Tết cùng thành phố", "Mái ấm Công đoàn"… Tất cả những mô hình chăm lo này đều xuất phát từ nguyện vọng thiết tha của CN, Công đoàn thành phố với uy tín và nguồn lực của mình đã hết lòng hỗ trợ đoàn viên - lao động. Có những phong trào từ lúc bắt đầu có quy mô rất nhỏ do tài chính Công đoàn hạn hẹp nhưng sau đó lại nhận được sự ủng hộ của giới chủ.

Điển hình như chương trình "Tấm vé nghĩa tình" khởi động từ năm 2009 với tên gọi "Hỗ trợ vé xe cho CN về quê". Lúc ấy, số lượng DN và Công đoàn cơ sở tham gia rất ít, chỉ có 2.000 vé xe miễn phí được Công đoàn các KCX-KCN TP HCM trao tặng cho CN khó khăn, nhiều năm liền không về quê đón Tết. Chương trình nhận phản hồi tích cực của CN, họ trở về trên chuyến xe Công đoàn và quay lại thành phố đúng như đã hẹn. Điều này đã thay đổi suy nghĩ của nhiều chủ DN. 

Không quảng bá rầm rộ nhưng những năm tiếp theo, số DN tham gia ngày càng tăng, ủng hộ từ 50% - 70% kinh phí. Nhiều DN hỗ trợ 100% vé đi và về cho CN. Chương trình còn mở rộng tặng vé tàu, vé máy bay cho các CN tiêu biểu. Chỉ riêng đợt Tết Ất Tỵ 2025, các cấp Công đoàn thành phố đã phối hợp trao tặng 26.415 vé xe, vé tàu, vé máy bay cho đoàn viên về quê ăn Tết, với số tiền hơn 13 tỉ đồng.

Mười năm qua, nhờ sự hỗ trợ của chương trình, vợ chồng anh Phan Trung Quốc (CN Công ty CP Dệt may Phong Lan, quận Gò Vấp) đã sum họp cùng gia đình. Quốc bộc bạch: "Tay trắng vào TP HCM lập nghiệp, cuộc sống vợ chồng tôi có đỡ vất vả hơn ở quê nhưng con nhỏ, lại ở trọ nên không dư dả. Nhờ chuyến xe nghĩa tình của tổ chức Công đoàn mà vợ chồng tôi mới có dịp đón Tết cùng gia đình".

Tiên phong vì lợi ích đoàn viên - Ảnh 2.

Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, chúc mừng công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam được nhận vàng trong Tháng Công nhân 2025. Ảnh: CAO HƯỜNG

Điểm sáng khác là chương trình "Phúc lợi đoàn viên" được khởi xướng từ năm 2017. Đến nay, chương trình được triển khai rộng khắp với nhiều hình thức như: Phiên chợ 0 đồng, tặng quà, giảm giá trực tiếp, mua hàng trả góp... Từ năm 2022, LĐLĐ TP HCM bắt đầu thí điểm tổ chức thêm "Phiên chợ online" với mong muốn tăng phúc lợi cho NLĐ, hỗ trợ tiêu dùng trên môi trường số, hướng đến thói quen tiêu dùng hiện đại. 

Đến nay, các cấp Công đoàn thành phố đã ký kết với gần 700 đối tác triển khai các chương trình phúc lợi đoàn viên thu hút sự hưởng ứng của khoảng 14.000 lượt đoàn viên - lao động mỗi năm.

Từ những phiên chợ CN ngắn hạn, đến nay đã hình thành nhiều điểm "Phúc lợi đoàn viên" cố định để phục vụ CN. Ngoài phục vụ tại chỗ, các điểm phúc lợi còn phục vụ lưu động tại các DN, khu nhà trọ. Chị Trần Thị Ngọc Hoa, CN Công ty TNHH Nidec Tosok (KCX Tân Thuận, quận 7), bày tỏ: "Điểm phúc lợi bố trí ngay trong cổng KCX với hàng trăm mặt hàng giá thấp hơn thị trường giúp chúng tôi giảm áp lực chi tiêu, nhất là trong những thời điểm nhiều mặt hàng thiết yếu liên tục tăng giá". 

Không chỉ giúp CN tiết kiệm trong mua sắm tiêu dùng, chương trình được đầu tư mở rộng sang nhiều lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, đào tạo kỹ năng…, tạo sự gắn kết của tổ chức Công đoàn với NLĐ.

Tinh thần năng động, sáng tạo đã giúp Công đoàn TP HCM kịp thời thích ứng với những thay đổi, kiên trì vì mục tiêu đại diện, bảo vệ, chăm lo cho NLĐ. Điều đó thể hiện rõ trong các chương trình kế hoạch của LĐLĐ

TP HCM, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh và phục hồi kinh tế sau dịch khi kịp thời triển khai các gói hỗ trợ với nguồn kinh phí lớn nhằm tiếp sức NLĐ khó khăn, bị giảm giờ làm, mất việc làm… Hình thức hỗ trợ cũng đa dạng như tặng phiếu mua hàng, nhu yếu phẩm, tiền mặt, hỗ trợ giới thiệu việc làm. Nhờ vậy, nhiều gia đình CN đã vững tâm vượt qua thời điểm gian nan nhất. 

Tự tin bước vào kỷ nguyên mới

Ngoài chăm lo, đại diện, bảo vệ, Công đoàn TP HCM cũng đặc biệt quan tâm đến nâng cao trình độ chuyên môn tay nghề cho CN. Ngoài các hội thi tay nghề, phong trào "Lao động giỏi - Lao động sáng tạo", Giải thưởng Tôn Đức Thắng, các cấp Công đoàn thành phố còn động viên đoàn viên nỗ lực học tập qua chương trình Học bổng Nguyễn Đức Cảnh cho đoàn viên, đặc biệt là chương trình học bổng "Công đoàn TP HCM".

Chương trình được LĐLĐ TP HCM triển khai từ năm 2021 với mục tiêu đẩy mạnh phong trào học tập trong đội ngũ đoàn viên - lao động, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kinh tế tri thức, xây dựng đội ngũ CN có trình độ văn hóa, tay nghề vững vàng, thích ứng với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Từ năm 2022 đến 2024, chương trình đã hỗ trợ 125 trường hợp với tổng kinh phí trên 809 triệu đồng.