Tiêu dùng xanh - Tiềm năng và cơ hội
Tiêu dùng xanh không chỉ là trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là cơ hội để doanh nghiệp đổi mới, phát triển bền vững;
Tiêu dùng xanh còn là chìa khóa để xây dựng một nền kinh tế xanh, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường
Tiêu dùng xanh là xu hướng tiêu dùng bền vững, có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Đây không chỉ là phong trào mang tính nhất thời, mà là một phần thiết yếu trong chiến lược phát triển bền vững toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang ngày càng nghiêm trọng.
Vải làm từ sợi dứa
Tiêu dùng xanh cũng đang dần trở thành xu hướng tại Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn và trong giới trẻ. Đây là cơ hội để doanh nghiệp trong nước đổi mới, phát triển bền vững.
Tại Triển lãm Mặc "Thơm" do Công ty CP Thời trang Faslink tổ chức ở TP HCM mới đây, nhiều người trẻ rất quan tâm đến sản phẩm làm bằng sợi dứa. Bà Trần Hoàng Phú Xuân, CEO của Faslink, cho hay tại Việt Nam, hàng ngàn tấn lá dứa bị đốt bỏ sau thu hoạch mỗi năm, gây ô nhiễm môi trường. Nhận thấy tiềm năng tái chế loại phế phẩm nông nghiệp này, Faslink đã đầu tư nghiên cứu và phát triển thành công vải sợi dứa.
Với vải sản xuất từ xơ lá dứa, một phần phụ phẩm nông nghiệp được tái chế thành chất liệu thân thiện với môi trường, có tính ứng dụng cao trong thời trang, may mặc và nội thất. Để có nguồn nguyên liệu tự nhiên này thì không cần tăng thêm diện tích canh tác, không tiêu tốn thêm nước hay phân bón, mà chỉ sử dụng hoàn toàn phụ phẩm bỏ đi - đúng tinh thần nông nghiệp tuần hoàn.

Sản phẩm từ sợi dứa của Công ty CP Faslink trưng bày tại Triển lãm Mặc “Thơm”
Người trồng dứa trước đây mỗi mùa vụ chỉ thu hoạch duy nhất quả dứa. Thu nhập của họ phụ thuộc vào giá trái dứa, trong khi phần lá vốn chiếm khối lượng lớn lại bị bỏ đi. Ba năm trở lại đây, Công ty CP Thời trang Faslink tổ chức thu mua lá dứa để làm sợi vải, tăng thêm thu nhập cho người trồng.
Bà Lê Thị Nhung - ngụ xã Thuận Long, tỉnh Nghệ An - cho biết: "Trước đây, người trồng chỉ trông chờ vào quả dứa thì nay, "mùa thu hoạch thứ hai" đã mở ra với việc có thể bán thêm lá dứa. Người trồng cũng không còn phải đốt bỏ phụ phẩm nông nghiệp này".
Để sản xuất 1 tấn vải sợi dứa thì cần sử dụng đến 60 tấn lá tươi, tức là 60 tấn phụ phẩm nông nghiệp được tận dụng thay vì đốt bỏ. Việc này không chỉ giúp giảm hơn 17 tấn CO2 thải ra môi trường mà còn mở ra một hướng đi mới cho kinh tế nông thôn: Biến thứ bỏ đi thành nguồn thu nhập bền vững.
Theo bà Xuân, vải sợi dứa không chỉ là chất liệu mà còn là biểu tượng của tư duy thời trang "xanh - mở - bền". Bằng cách tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, vải sợi dứa đã góp phần giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu - vốn chiếm tới 70%-75% trong ngành dệt may Việt Nam.
"Việc chủ động sản xuất từ nguyên liệu đến thành phẩm ngay tại địa phương không chỉ giúp giảm phát thải từ chuỗi cung ứng, mà còn mở ra cơ hội tăng cường nội lực, từng bước trao quyền tự chủ cho ngành thời trang Việt Nam" - bà Xuân nhìn nhận.
Cùng nhau "tái nạp đầy"
Việc sử dụng sản phẩm "tái nạp" (được thiết kế để người dùng có thể mua lõi thay thế bao bì gốc sản phẩm, thay vì mua sản phẩm mới hoàn toàn) không chỉ làm giảm tác động đến môi trường mà còn giúp con người hướng đến hành vi tiêu dùng ngày càng bền vững. Ngành làm đẹp thế giới đang từng bước thay đổi theo chiều hướng tích cực ấy.
Theo báo cáo thị trường toàn cầu gần đây do Tập đoàn L'Oreal thực hiện, có đến 78% người tiêu dùng trong ngành làm đẹp mong muốn đưa ra những lựa chọn thân thiện hơn với môi trường. Điều đó cho thấy nhiều người đang quan tâm và ủng hộ các giải pháp để việc chăm sóc sắc đẹp trở nên ngày càng bền vững. Nội dung nhiều cuộc trò chuyện trực tuyến cũng đề cập việc tái sử dụng sản phẩm làm đẹp nhiều hơn, nhất là ở các thị trường then chốt.

Nhiều bạn trẻ quan tâm đến sản phẩm thời trang từ vải sợi dứa
Mới đây, L'Oreal đã tung ra chiến dịch "Tái nạp đầy, cùng nhau" trên toàn cầu để khuyến khích mọi người thay đổi hành vi tiêu dùng, chuyển sang sản phẩm có thể tái nạp, như một phong cách làm đẹp mới. Để phát triển hành vi tiêu dùng xanh, các giải pháp tái nạp đầy cần được hỗ trợ bởi cam kết liên tục của người tiêu dùng với môi trường, bên cạnh việc sử dụng các loại bao bì bền vững.
Việc sử dụng sản phẩm tái nạp đầy giúp giảm tác động đến môi trường bằng cách xử lý bao bì ngay từ nguồn. Nhờ việc sử dụng các định dạng gọn nhẹ hơn và ít vật liệu hơn, chúng ta có thể giảm thiểu lượng bao bì và giảm phát thải carbon một cách đáng kể.
Chẳng hạn, với thương hiệu Lancôme, khi mua một lõi serum Genefique 50 ml tái nạp thay cho chai mới, người dùng đã tiết kiệm 53% thủy tinh, 27% giấy bìa và hơn 1,4 triệu đồng so với mua sản phẩm mới. Sử dụng sản phẩm tái nạp đầy cũng mang lại những lợi ích quan trọng khác, như giảm rác thải bao bì, đồng nghĩa với việc giảm áp lực với việc thu gom, phân loại và tái chế.
Bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Phó Tổng Giám đốc L'Oreal Việt Nam, cho rằng tái nạp là một giải pháp tác động lớn đến việc giảm thiểu chất thải bao bì, giúp giảm phát thải khí nhà kính. Tình trạng ô nhiễm nhựa đã gây tổn hại đến môi trường sống của con người. Hầu hết chúng ta đã nhận thấy tác động của việc ô nhiễm nhựa trong đại dương, bãi biển, sông ngòi và môi trường tự nhiên.
"Để phong trào tái nạp đầy thành công và ngày càng mở rộng, đòi hỏi phải có những cách tiếp cận riêng biệt trong từng lĩnh vực" - bà Trinh nhấn mạnh.
Cần sự chung tay
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, khan hiếm tài nguyên và ô nhiễm môi trường, hành vi tiêu dùng xanh không còn là lựa chọn mà là đòi hỏi bắt buộc để bảo đảm sự phát triển bền vững. Để thúc đẩy tiêu dùng xanh, cần sự chung tay của cả nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong việc tăng cường truyền thông, giáo dục cộng đồng về lợi ích của hành vi này; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất xanh thông qua chính sách vốn vay ưu đãi; phát triển hệ sinh thái sản phẩm xanh từ sản xuất, phân phối đến tái chế.