Bia không cồn - Xu thế tiêu dùng mới
Lần đầu tiên, Việt Nam sản xuất được bia không cồn, đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới
Bia không cồn đã được chú ý nghiên cứu từ khoảng 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên đến nay, trong nước chưa có doanh nghiệp nào sản xuất được, bia không cồn có mặt trên thị trường chủ yếu là nhập khẩu. Nắm bắt nhu cầu thực tế này cùng những quy định rất khắt khe có thể sẽ ban hành trong thời gian tới để hạn chế những tác hại do nồng độ cồn cao, Công ty CP Bia Sài Gòn - Bình Tây (Sagota) đã tập trung nghiên cứu, sản xuất thành công bia không cồn ở quy mô công nghiệp với chất lượng và giá cả phù hợp người tiêu dùng. Đó là sản phẩm bia không cồn Sagota lần đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam.
Bia không cồn hay có độ cồn thấp là loại bia chỉ chứa hàm lượng cồn rất nhỏ, tùy theo tiêu chuẩn của từng nước mà hàm lượng cồn có trong loại bia này khác nhau. Ở Anh, Mỹ và các nước thuộc Liên minh châu Âu, nồng độ ethanol trong bia không cồn tối đa là 0,5%V. Trong khi đó, bia thấp cồn cho phép nồng độ này đến 1,2%V. Tại các nước Ả Rập, hàm lượng cồn trong bia không cồn không vượt quá 0,05%...
Giải pháp hữu ích giảm thiểu mặt tiêu cực của ethanol
Bia Sagota không cồn được làm từ lúa đại mạch, gạo, hoa bia. Nhưng quy trình công nghệ sản xuất có thêm công đoạn loại khử bớt cồn trong bia bằng cách chưng ở nhiệt độ thấp để cồn bay hơi, chỉ còn lại một hàm lượng dưới 0,5%V. Do vậy, sự có mặt của bia không cồn Sagota sẽ là giải pháp tối ưu nhằm giảm thiểu mặt tiêu cực của ethanol cho người tiêu dùng, giảm thiểu tình trạng say rượu bia do nồng độ cồn trong máu cao; khá thích hợp với phụ nữ, người lao động cần sự tỉnh táo trong giờ làm việc...
Ông Văn Thanh Liêm, Chủ tịch Công ty CP Bia Sài Gòn-Bình Tây, cho biết: “Văn hóa của người Việt Nam không thể thiếu rượu, bia trong các bữa tiệc liên hoan, cưới hỏi nhưng trong điều kiện ngành chức năng tăng cường kiểm soát nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở đối với người điều khiển phương tiện giao thông; Bộ Y tế cũng đang dự thảo quy định cấm bán rượu, bia sau 22 giờ để tránh những tác hại cho sức khỏe và có thể gây mất an ninh xã hội thì bia không cồn được xem là một giải pháp hữu ích cho nhiều người”.


Cần chính sách thuế phù hợp
Trên thế giới, những nơi sản xuất và tiêu thụ bia không cồn nổi tiếng là Đức, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc… Tiêu thụ bia không cồn theo đầu người lớn nhất là Tây Ban Nha, đứng thứ hai là Cộng hòa Czech. Theo các chuyên gia, ở Czech đã có sự bùng nổ sản xuất bia không cồn. Tại Nhật Bản, thời gian gần đây, Nhà máy Rượu Bia Kirin đã nhận được yêu cầu từ khách hàng về những loại đồ uống không cồn. Phản ứng của khách hàng trước sản phẩm mới này đã vượt xa sự mong đợi của nhà sản xuất.
Hiện nay, trên thị trường Việt Nam, các sản phẩm bia không cồn đều nhập khẩu với một số loại nhãn hiệu khá phổ biến của Hà Lan, Đức, Nhật Bản,… với giá trên thị trường từ 20.000- 35.000 đồng/lon.
Giai đoạn đầu, sản phẩm Sagota không cồn được sản xuất với công suất 5 triệu lít/năm. Giá bán của Sagota không cồn chỉ bằng khoảng 50%-60% so với giá bán của bia nhập khẩu cùng loại bán trên thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Liêm, để bia không cồn có thể cạnh tranh được, cần có một chính sách thuế phù hợp. Nếu cũng bị đánh đồng với các loại bia có cồn và chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thì rất khó cho bia không cồn vì giá thành sản xuất khá cao so với sản xuất bia có cồn. Doanh nghiệp đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính có mức thuế phù hợp dành cho loại bia không cồn này nhằm tạo điều kiện để sản xuất sản phẩm mới thay vì áp mức thuế tiêu thụ đặc biệt lên tới 50% như quy định hiện hành.