Chưa đầy 1 tuần, giá vàng giảm 330.000 đồng/lượng
Sự kiện thị trường tiền tệ đáng lưu ý những ngày đầu năm 2005 là hiện tượng giá vàng bất ngờ giảm mạnh, USD tăng nhanh, khác hẳn với xu hướng những tháng cuối năm 2004, giá vàng liên tục tăng, USD giảm mạnh so với nhiều đồng tiền khác, đặc biệt là so với euro. Liệu có phải xu hướng biến động của giá vàng và USD đã khác?
Mỗi ngày giảm gần 1%
Lần giảm giá này của giá vàng thế giới bắt đầu ngay trong ngày giao dịch đầu tiên của năm 2005. Ngày 3-1-2005, khi hàng loạt ngân hàng nước ngoài hoạt động trở lại sau những ngày nghỉ đầu năm, giá vàng từ mức trung bình 438 USD/ounce - 440 USD/ounce đã rớt xuống dưới 430 USD/ounce, mức thấp nhất trong vòng 2 tháng qua. Các ngày tiếp theo, giá vàng tiếp tục giảm đáng kể. Đến ngày giao dịch cuối tuần qua, giá vàng thế giới giảm chỉ còn 418,8 USD/ounce, giảm tổng cộng hơn 20 USD, khoảng 4%.
Đồng hành với hiện tượng đổi chiều của giá vàng, trong những ngày qua trên thị trường ngoại hối, đồng USD cũng bất ngờ tăng giá nhanh trước nhiều loại ngoại tệ khác. So với đồng euro, từ mức đỉnh điểm 1 euro “ăn” 1,3667 USD của những ngày cuối năm 2004, đến nay chỉ còn 1,3050 USD.
Đối với thị trường trong nước, trong khi tỉ giá USD biến động không nhiều thì giá vàng giảm rất mạnh. Từ mức mua vào 841.000 đồng/chỉ, bán ra 847.000 đồng/chỉ của những ngày trước đó, từ ngày 4-1, giá vàng SJC tại TPHCM đã lần lượt giảm còn 833.000 đồng/chỉ (bán ra), rồi 826.000 đồng/chỉ... Và hôm qua, 9-1, giá vàng bán lẻ tại Trung tâm Kim hoàn Sài Gòn, mua vào chỉ còn 807.000 đồng/chỉ, bán ra 814.000 đồng/chỉ, giảm tổng cộng 330.000 đồng/lượng, một mức giảm khá lớn so với nhiều lần biến động trước đó.
Xu hướng hay dao động nhất thời?
Về nguyên nhân trực tiếp khiến giá USD tăng, vàng giảm, các chuyên viên kinh tế đều cho rằng những thông tin liên quan đến tình hình kinh tế Mỹ tháng 12-2004 vừa được công bố có phần khả quan, mức tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất tăng cao; các đơn đặt hàng tăng cao nhất trong vòng 11 tháng qua... đã kích thích đồng USD tăng giá, tác động khiến giá vàng giảm. Vụ động đất và sóng thần gây thiệt hại cho nhiều nước Nam Á và Đông Nam Á cuối tháng 12-2004 vừa qua buộc các nhà đầu tư khu vực này bán vàng ra để có tiền tái thiết khiến nguồn cung tăng lên đáng kể, cũng đã đẩy giá vàng giảm mạnh. Nhiều ý kiến còn cho rằng do giá vàng thời gian qua đã quá cao, nhất là thời điểm cuối năm 2004, gấp gần 2 lần chi phí khai thác, nên nhà đầu tư bán vàng ra kiếm lời và để mua USD khi thấy giá USD tăng... Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng sự tăng giá của đồng USD chưa hoàn toàn chắc chắn, vì kinh tế Mỹ cũng đang gặp nhiều khó khăn mà trước hết là thâm hụt thương mại quá lớn; giá dầu thế giới vẫn còn ở mức cao, trên 45 USD/thùng vào cuối tuần qua; chưa kể các nguy cơ như dịch bệnh, khủng bố... luôn là những yếu tố tác động mạnh đến giá vàng, USD... Ông Phạm Văn Thiệt, Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu, cho rằng: Sự tăng giá của đồng USD so với nhiều loại ngoại tệ khác, cũng như hiện tượng giá vàng đang giảm mạnh chỉ là những diễn biến trong ngắn hạn, chứ chưa thể là hiện tượng đổi chiều có tính xu hướng của thị trường tiền tệ thế giới. Ông Thiệt cũng đưa ra dự đoán “những ngày tới, tỉ giá USD có thể sẽ còn tăng, vàng sẽ còn giảm ít nhiều, nhưng mức độ sẽ chậm lại. Về lâu dài, năm 2005, USD sẽ vẫn là loại ngoại tệ yếu, giá vàng vẫn trên dưới 400 USD/ounce”.
Đối với tình hình giá vàng trong nước, do cung cầu hiện nay không có gì đáng lo ngại (giá vàng những ngày qua giảm mạnh nhưng mãi lực vẫn thấp, các cửa hàng vàng bạc chủ yếu là bán vàng nữ trang), nên diễn biến giá vàng vẫn chạy theo giá vàng thế giới là chính. Năm 2004, đồng USD giảm giá mạnh trên thị trường thế giới nhưng tỉ giá trong nước vẫn tăng khoảng 1%/năm. Mức tăng năm 2005 dự đoán cũng sẽ không chênh lệch nhiều với mức tăng của năm 2004.