Đuông, thằn lằn núi, bò cạp... đang tràn về các chợ TPHCM
Một số loại côn trùng như đuông, thằn lằn núi, bò cạp, dế cơm... là món ăn khoái khẩu của một số người nên lâu nay nhiều quán ăn đặc sản đã lùng mua chế biến nhằm đáp ứng.
Nay các loại côn trùng này đang tràn về các chợ TPHCM với giá bán ngày càng bình dân hơn
Nếu chưa lần nào nhìn thấy con đuông, chắc chắn bạn sẽ phát hoảng khi thấy nó thun thun, ngoắc qua ngoắc lại như con sâu. Thế nhưng, nó lại là món khoái khẩu của không ít người, đặc biệt là dân nhậu. Chị Phượng, người bán đuông tại chợ Bến Thành (Q.1), đưa tay vớt mớ đuông chà là vàng ươm từ trong thau nước cầm trên tay nói với chúng tôi: “Vậy chứ mấy ông nhậu kiếm không ra. Còn mấy ông, mấy bà người Hàn Quốc thì ghiền còn hơn sữa tươi nữa đó”.
Ra chợ Bến Thành mua "đuông xay sinh tố"
Theo chị Phượng, con đuông là loại côn trùng sạch, nó ăn chủ yếu thân non cây dừa, vỏ cây chà là và sẽ chết nếu ở trong môi trường bẩn. Đuông hiện có 3 loại trong đó đuông chà là ngon nhất, sau đó đến đuông đủng đỉnh, rồi đuông dừa. Những món đuông ngon nhất mà chị Phượng thường hướng dẫn khách hàng chế biến là món đuông chiên bơ, lăn bột mì chiên, đút lò, hun khói hoặc nướng phô mai... “Đặc biệt, món đuông “uống” nước mắm rất bổ dưỡng cho quý ông, còn đuông xay sinh tố thì được xem là “thần dược”, bổ dưỡng cho cả quý ông lẫn quý bà...” - chị nói. Chị Phượng hướng dẫn, chỉ cần cắt bỏ phần đầu con đuông, sau đó chế biến tùy theo khẩu vị. Riêng món đuông xay sinh tố phải biết cách chế biến thì mới ngon. Trước hết, rửa đuông thật sạch, cắt đầu, đem luộc khoảng 15 phút, sau đó cho vào máy sinh tố xay cùng với đậu xanh và đậu nành đã lột vỏ, nấu mềm. Làm lạnh phần sinh tố này, khi uống sẽ có vị béo, thơm hơn cả sữa.
Với giá bán lẻ từ 7.500 – 8.000 đồng/con, mỗi ngày chị Phượng bán được hàng trăm con, có khi gặp mối quen thì phải lên đến vài ba ngàn con. Nguồn hàng chị lấy chủ yếu từ các tỉnh miền Tây như Trà Vinh, Bến Tre, Cần Thơ...
Đi Củ Chi ăn thằn lằn chiên, dế cơm kho tiêu...
Anh Nguyễn Văn Minh, ngụ thị xã Tây Ninh, một người sống bằng nghề câu thằn lằn núi tại núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh), cho biết thằn lằn núi cũng đang là món được thị trường TPHCM ưa chuộng. Thịt thằn lằn núi có mùi vị như thịt ếch, được người ta mua về ngâm rượu làm thuốc, hoặc chế biến các món chiên giòn, nướng lửa than... “Khi chưa ăn thì sợ nhưng người nào ăn một, hai lần thì lại đâm ghiền” - anh quảng cáo.
Cứ hai, ba ngày một lần anh Minh mang thằn lằn về TPHCM bán, nhưng lần nào đi tới Củ Chi là đã có thương lái sang lại mang vào nội thành. Giá thằn lằn núi hiện khoảng 120.000 đồng/kg hoặc 3.000 - 5.000 đồng/con, tùy lớn nhỏ.
Đối với bò cạp, dân đi câu tại Tây Ninh thường bán với giá rẻ hơn thằn lằn núi (khoảng 2.500 - 3.000 đồng/con). Để chế biến món ăn từ bò cạp, trước tiên phải cắt bỏ phần đuôi của bò cạp để tránh bị đốt. Bò cạp thường được chế biến thành 2 món là bò cạp nhồi thịt hoặc bò cạp chiên giòn. Trong đó, món bò cạp chiên giòn là món ăn được nhiều người thích nhất.
Gần chân cầu vượt Củ Chi (TPHCM), có quán bà Út là quán bình dân đặc sản dế cơm nổi tiếng tại vùng này. Tại đây, dế được chế biến thành 4 món gồm: dế chiên nước mắm, chiên hột vịt, dế kho tiêu, lăn bột. Dế cơm được tính giá theo con chứ không tính theo món, mỗi con (đã qua chế biến) giá 700 đồng. Chủ quán cho biết, trong hai loại dế thì dế đá ngon hơn dế cơm. Tuy nhiên, hiện nay dế đá thường được nuôi công nghiệp nên thịt dế không còn ngon như trước. Sỡ dĩ có nhiều người thích ăn dế cơm vì đây là một loại côn trùng sạch, chỉ ăn cỏ chứ không ăn tạp, mà trong đó có cả cỏ gấu, một loại cỏ được dùng để trị bệnh. Dế cơm có quanh năm, nhưng tháng 7 (âm lịch) là vào mùa nên thịt dế tháng này ngon hơn và giá cũng rẻ hơn. Mỗi ngày, quán bán ít nhất 700 con. Khoảng 3-4 ngày, thương lái từ Tây Ninh mang dế xuống bỏ mối cho quán, hoặc đem ra chợ bán với giá từ 300-400 đồng/con, tùy theo mùa. Chủ quán còn cho biết, hiện nay có khá nhiều quán ở Củ Chi đặt hàng trực tiếp từ thương lái.
Khách nội, ngoại đều... mê Bà Út, chủ quán đặc sản dế cơm ở Củ Chi, cho biết nếu trước kia, khách hàng của bà chủ yếu là đàn ông thì hiện nay, nhiều phụ nữ, có cả trẻ em cũng thích ăn những món chế biến từ dế cơm. Đặc biệt, khách phương xa đến Củ Chi thường được người quen dẫn đến quán bà để thưởng thức món đặc sản này. Trong số đó, món mà họ chuộng nhất là dế chiên nước mắm và dế kho quẹt. Thỉnh thoảng, khách hàng còn đặt với số lượng lớn mang ra tận Hà Nội. Còn chị Phượng, một người bán đuông ở chợ Bến Thành cho hay, thành phần khách của chị cũng đa dạng. Dân nhậu đã đành, nhiều bà mẹ cũng tìm đến chị để mua đuông về cho con ăn, họ nói là để trị bệnh suyễn... Tuy vậy, lượng khách lớn nhất của chị lại là người Hàn Quốc đang làm việc tại Việt Nam. Họ thường xuyên đặt món sinh tố đuông với số lượng chế biến lên tới hàng ngàn con. Có khi họ còn đặt hàng để gửi về Hàn Quốc. Đơn đặt hàng gần nhất là cuối tuần này, chị chế biến 4.000 con đuông thành món sinh tố để gửi sang Hàn Quốc. |