Đường nhập lậu làm khổ ngành mía đường

Nhiều doanh nghiệp mía đường trong nước than phiền bị lỗ cả vụ mía đường 2012-2013 và đứng trước nguy cơ lỗ tiếp trong vụ mới

Theo báo cáo từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tính đến ngày 21-6, trong vụ mía đường 2012-2013, cả nước ép được gần 16,5 triệu tấn mía và sản xuất hơn 1,5 triệu tấn đường, tăng khoảng 200.000 tấn so với niên vụ trước. Ông Nguyễn Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết hiện lượng đường tồn kho tại các nhà máy thuộc hiệp hội gần 500.000 tấn, tồn kho ở các doanh nghiệp thương mại trên 17.500 tấn.

Theo hiệp hội, mức tồn kho trên là khá cao, gây khó khăn cho các nhà máy sản xuất đường trong nước. Cho dù hiện tại đang vào cuối vụ nhưng giá đường tại nhà máy chỉ dao động từ 13.900-14.500 đồng/kg, tùy loại (những năm trước giá đường cuối vụ thường tăng khá cao). Với mức giá này, nhiều doanh nghiệp bị lỗ hoặc chỉ hòa vốn.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng lượng đường tồn kho lớn tại các nhà máy đường trong nước là do đường nhập lậu về quá nhiều. Chỉ riêng khu vực An Giang, mỗi ngày có cả ngàn tấn đường lậu tràn sang. Tại khu vực biên giới An Giang, Đồng Tháp, mỗi ngày một đầu mối lớn vận chuyển từ 400-500 tấn đường lậu (trong khi có hàng chục đầu mối lớn ở các khu vực giáp ranh). Theo ước tính từ cơ quan chuyên môn, đường lậu tràn sang Việt Nam từ 400.000-500.000 tấn/năm, riêng năm nay lượng đường lậu tràn sang nhiều hơn mọi năm. Thương lái thu mua đường lậu từ Thái Lan tại khu vực biên giới với Campuchia, sau đó thay đổi bao bì, sử dụng hóa đơn mua đường tại các nhà máy trong nước hoặc sử dụng chứng từ mua hàng hóa phát mãi để đối phó với lực lượng kiểm tra.  

Để giải quyết lượng đường tồn kho, Bộ Công Thương cho phép xuất khẩu đường với số lượng 200.000 tấn, thời gian đến hết tháng 6-2013. Tuy nhiên, tính đến giữa tháng 6, các đơn vị chỉ mới xuất được 80.000 tấn do đường xuất khẩu bị cơ quan chức năng kiểm tra gắt gao và tình trạng cấm biên. Để giải quyết lượng đường tồn kho lớn này, Hiệp hội Mía đường Việt Nam kiến nghị Bộ Công Thương cho phép kéo dài thêm thời gian xuất khẩu đường đến cuối năm, có như vậy mới giải quyết được phần nào khó khăn cho doanh nghiệp.

Các nhà máy đường trong nước còn lo  giá đường  sẽ tiếp tục giảm khi hết vụ, bởi sắp tới lượng đường nhập khẩu trong hạn ngạch (73.000 tấn) sẽ được Bộ Công Thương cho thông quan. Đặc biệt, giá đường nhập khẩu rẻ hơn đường trong nước cả ngàn đồng/kg.