Tiềm năng thị trường trang sức Việt Nam
Năm 2004, cả nước có khoảng 8.000 doanh nghiệp lớn nhỏ kinh doanh lĩnh vực vàng bạc. Nhưng tính trên phạm vi toàn quốc, chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp có thương hiệu.
Theo số liệu khảo sát của Hội đồng vàng thế giới, số lượng tiêu thụ trang sức vàng của VN liên tục tăng từ năm 1992 đến 2004, với tỷ lệ phát triển là 14,6%/năm.
Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn Hội đồng vàng thế giới tại Việt Nam (VN) cho biết: “Năm 2004, VN tiêu thụ 64 tấn vàng, trong đó có 34 tấn vàng miếng và 28 tấn vàng nữ trang, dự đoán năm 2005 tăng khoảng 69 - 70 tấn. Nếu tính bình quân mỗi người sử dụng 1g vàng, dân số 83 triệu, thì tiềm năng vẫn còn rất triển vọng”.
Thị trường vàng bạc VN có 2 tên tuổi lớn là SJC và PNJ. Tuy nhiên, thế mạnh của SJC không phải ở thị trường trang sức mà ở phân khúc vàng miếng. Đại diện SJC cho biết, trong tổng doanh thu hiện nay của công ty từ năm 2000 đến 9 tháng đầu năm 2005 thì trang sức đang chiếm tỷ lệ 15-20%.
Trang sức cao cấp thuộc về hàng ngoại
Xuất hiện ở thị trường VN từ cuối năm 2002, ông Art Sorakraikitikuk, giám đốc thương hiệu Prima Gold toàn cầu, đại diện tập đoàn Pranda Thái Lan tiết lộ: “Trước khi thâm nhập, chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ thị trường, thị hiếu thẩm mỹ khách hàng. Cho đến nay chúng tôi nhận thấy rằng đã có thể vững vàng đẩy mạnh hơn nữa việc kinh doanh của mình tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và sắp tới chúng tôi sẽ triển khai giới thiệu thương hiệu Prima Gold ở các tỉnh, thành khác của VN. Thị trường nữ trang ở VN đang phát triển rất nhanh và chúng tôi chia sẻ một niềm tin cùng các doanh nghiệp VN, rằng VN đã sẵn sàng cho một thị trường nữ trang cao cấp”.
Sự có mặt ở VN của Prima Gold (với 3 cửa hàng, 1 xí nghiệp sản xuất, chưa kể trang sức bạc Esse cùng tập đoàn) chỉ là một trong rất nhiều đối thủ của các doanh nghiệp VN. Tại các trung tâm thương mại (TTTM) như Diamond, Parkson, Zen Plaza, vị trí của các doanh nghiệp VN hoàn toàn lép vế so với các thương hiệu nước ngoài. Tuy nhiên, các thương hiệu nữ trang nước ngoài chỉ nhắm đến phân khúc cao cấp với kênh phân phối chính tại các TTTM. Trong khi hầu hết các doanh nghiệp VN mới chỉ có cửa hàng nhỏ, lẻ, không tìm được chỗ đứng tại các TTTM với lý do “không có thương hiệu”.
Ý kiến về việc này, đại diện PNJ nói: “Sự xuất hiện của một số nhãn hiệu nữ trang nước ngoài cũng có tác động đến việc kinh doanh của công ty. Sự cạnh tranh là tất yếu. Tuy nhiên, doanh nghiệp VN hiểu thị trường VN, sẽ đưa ra được sản phẩm gần với thị hiếu khách hàng của mình hơn. Đối với sản phẩm mà PNJ đang kinh doanh với thương hiệu PNJ Gold và PNJ Silver thì không có gì đáng ngại vì những thương hiệu trang sức nước ngoài nhắm tới phân khúc khác”.
Chuẩn bị cho tương lai
Mỗi năm ngành công nghiệp nữ trang Thái Lan xuất khẩu hơn 2 tỉ USD, đây không còn được xem là mặt hàng xa xỉ. Nữ trang còn bắt tay với công nghiệp thời trang để phát triển song đôi.
“Ngành vàng và ngành ngân hàng nên tách biệt, Nhà nước chỉ quản lý về chính sách thuế. Phải phát triển đồng bộ và nỗ lực liên kết, sẽ là cạnh tranh không cân sức nếu các doanh nghiệp VN chỉ tự hoạt động nhen nhúm. Hãy nhìn ra bên ngoài, bởi nếu không thì DN mình chỉ có thể phát triển hơn so với DN trong nước”- ông Khánh kiến nghị.
Ông Nguyễn Minh Tuấn - giám đốc nhãn hiệu D.A.N & Alphana - chia sẻ kinh nghiệm: “Doanh nghiệp VN phải có ý thức cao trong việc tôn trọng kiểu mẫu độc quyền, việc copy chỉ làm cho doanh nghiệp lâm vào vòng luẩn quẩn của chính mình. Bên cạnh đó, chúng ta thiếu trường dạy kỹ thuật, công nghệ còn cách xa các nước ít nhất là 10 năm. Chú trọng khâu quản lý chất lượng- yếu tố quyết định sự thành công. Phải tập trung giải quyết những vấn đề này. Và trong điều kiện vốn hạn chế, sử dụng công cụ tiếp thị bằng chính những khách hàng của mình là phương thức khôn ngoan nhất”.
Ngày 28.9, Hội Mỹ nghệ kim hoàn TP.HCM đã tổ chức Đại hội lần IV (nhiệm kỳ 2005-2010) đặt ra rất nhiều mục tiêu và kế hoạch, trong đó có việc nghiên cứu và kiến nghị về chính sách quản lý ngành vàng bạc đá quý, vấn đề quản lý xuất nhập khẩu, giảm thuế nhập nguyên liệu và miễn thuế VAT đối với nữ trang xuất khẩu… Nữ trang công nghiệp của SJC cũng đã được UBND TP.HCM chọn làm sản phẩm công nghiệp chủ lực.
Ngày 15.10, PNJ chính thức giới thiệu dòng sản phẩm cao cấp mới với thương hiệu CAO. Doanh nghiệp D.A.N và Alphana cũng đang rục rịch chuẩn bị dòng sản phẩm bạc cao cấp hướng đến phân khúc người tiêu dùng trẻ. Cửu Long tiếp tục nâng cấp và có kế hoạch quảng cáo ở nước ngoài. Đầu tháng 11.2005, sẽ diễn ra Hội chợ Nữ trang VN lần thứ 14… Đó là những dấu hiệu đáng mừng cho ngành công nghiệp nữ trang VN non trẻ nhưng đầy tiềm năng.