Tin vui cho thị trường lao động
Xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động giúp cung cấp chính xác về cung - cầu, xu hướng nghề nghiệp, trình độ các ngành nghề
Nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, hoàn thiện quy định bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật về thống kê, đồng thời thực hiện quản trị thị trường lao động (TTLĐ) linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững, hội nhập và tập trung, tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã bổ sung quy định về đăng ký lao động và hệ thống thông tin TTLĐ. Đây là những nội dung mới so với Luật Việc làm hiện hành.
Đồng bộ toàn quốc
Cụ thể, về đăng ký lao động, dự thảo luật quy định gồm 5 nhóm thông tin (cơ bản; giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, chứng chỉ kỹ năng nghề và các chứng chỉ khác; tình trạng việc làm; BHXH, bảo hiểm thất nghiệp; đặc điểm, đặc thù của người đăng ký).
Việc đăng ký lao động áp dụng cho tất cả người lao động (NLĐ), là đầu vào cho hệ thống thông tin TTLĐ và thực hiện các chính sách hỗ trợ. Các thông tin này sẽ được cập nhật, kết nối, chia sẻ từ cơ sở dữ liệu (CSDL) tổng hợp quốc gia, CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành và CSDL khác theo quy định của pháp luật.

Cơ sở dữ liệu về lao động đồng bộ, liên thông toàn quốc sẽ giúp người lao động tăng cơ hội tiếp cận thông tin tuyển dụng
Còn hệ thống thông tin TTLĐ là tổng hợp các yếu tố hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, phần mềm, dữ liệu được xây dựng, quản lý tập trung, thống nhất trên phạm vi cả nước để phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu, hoạch định chính sách, phân tích, dự báo TTLĐ và hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (DN), cá nhân tham gia TTLĐ.
Hệ thống thông tin TTLĐ được kết nối, chia sẻ dữ liệu với các CSDL quốc gia, CSDL về NLĐ và CSDL chuyên ngành để cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin kết nối cung - cầu lao động; đào tạo, trình độ kỹ năng nghề; xu hướng tìm kiếm việc làm và nhu cầu sử dụng lao động; tiền lương và thu nhập của NLĐ.
Tại báo cáo đánh giá tác động gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cho rằng hệ thống thông tin TTLĐ sẽ là công cụ để quản trị, điều tiết kịp thời, chính xác; hỗ trợ xây dựng chính sách, nhất là kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm, đào tạo - đào tạo lại, an sinh xã hội; thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý công, tạo nền tảng để phát triển các dịch vụ công trực tuyến, hỗ trợ người dân, DN.
Công cụ này cũng sẽ hỗ trợ thiết thực cho các cá nhân, tổ chức khi tham gia vào TTLĐ. Cụ thể, đối với DN, khi CSDL lao động đồng bộ, họ có thể thực hiện tuyển dụng lao động trên toàn quốc, mọi lúc, mọi nơi, vừa giảm chi phí tuyển dụng vừa bảo đảm nguồn cung kịp thời.
Đối với NLĐ, được tiếp cận thông tin tuyển dụng của DN trên cả nước, tăng cơ hội tìm kiếm việc làm. Đối với TTLĐ, tăng cường kết nối cung - cầu lao động toàn diện, thường xuyên và thống nhất toàn quốc, giảm chi phí khi được vận hành tại Trung tâm Dữ liệu quốc gia…
Cần bổ sung quy định
Theo Sở Nội vụ TP HCM, thời gian qua, dù có nhiều văn bản quy định về quản lý lao động được ban hành nhưng do chưa có hệ thống CSDL lao động chung; giữa các cấp, địa phương chưa có sự liên thông kết nối dữ liệu về lao động, việc làm dẫn đến nhiều khó khăn trong nắm bắt thông tin, quản lý và điều tiết cung - cầu lao động.
Việc bổ sung các quy định, dự thảo Luật Việc làm đã khắc phục được những hạn chế, bất cập của các quy định hiện hành. Nhưng còn một số nội dung về đăng ký lao động và hệ thống thông tin TTLĐ cần được xem xét thêm. Theo điều 20 dự thảo luật, cơ quan chức năng có thể thu thập thông tin của NLĐ thông qua kênh tham gia BHXH.
Còn NLĐ không tham gia BHXH chỉ thu thập được thông tin khi họ "có nhu cầu" nộp hồ sơ đăng ký, điều chỉnh thông tin lao động. "Ban soạn thảo cần xem xét lại quy định này, vì nếu áp dụng sẽ không có đủ CSDL lao động ở khu vực việc làm phi chính thức" - bà Trần Lê Thanh Trúc, Trưởng Phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở Nội vụ TP HCM, góp ý.
Bên cạnh đó, tại điều 22 quy định "CSDL về NLĐ được xây dựng và quản lý tập trung, thống nhất toàn quốc tại cơ quan quản lý nhà nước về việc làm ở trung ương", bà Trúc kiến nghị xác định rõ nền tảng công nghệ, phần mềm được cơ quan trung ương xây dựng và thống nhất sử dụng chung để thuận tiện trong thực thi.
Ông Kiều Minh Sinh, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, cho rằng dự thảo luật quy định thông tin NLĐ sẽ được kết nối với CSDL quốc gia, nhưng chưa quy định rõ về cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành trong cập nhật, chia sẻ dữ liệu và tránh trùng lặp thông tin hoặc thiếu đồng bộ giữa các hệ thống (BHXH, thuế, lao động…). Vì vậy, cần bổ sung quy định trách nhiệm của từng cơ quan trong việc kết nối, cập nhật và bảo vệ dữ liệu và cơ chế xử lý sai sót dữ liệu.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng chưa quy định rõ trách nhiệm của NSDLĐ trong đăng ký và cập nhật thông tin lao động; chưa có quy định cụ thể về chế tài xử lý nếu NSDLĐ không thực hiện đúng nghĩa vụ đăng ký hoặc cung cấp sai thông tin. "Cần bổ sung quy định buộc NSDLĐ phải chủ động đăng ký và cập nhật thông tin cho NLĐ trong thời gian cụ thể kể từ khi ký hợp đồng lao động" - ông Sinh đề xuất.
Nâng cao khả năng phân tích
Bà Ung Thị Xuân Hương, Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, chia sẻ dự thảo Luật Việc làm quy định 4 nhóm thông tin đăng ký lao động, nhưng thiếu một số thông tin cần thiết về khả năng làm việc của NLĐ như sức khỏe, lịch sử bệnh lý, kinh nghiệm làm việc, lịch sử công việc... Vì vậy, bà Hương đề xuất bổ sung quy định về tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), dự báo lao động, nhằm nâng cao khả năng phân tích TTLĐ trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Ngoài ra, dự thảo luật cũng cần quy định rõ việc cập nhật dữ liệu theo thời gian thực để bảo đảm tính đồng bộ, liên thông với hệ thống dữ liệu về an sinh xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, giáo dục nghề nghiệp...