Tình huống pháp lý vụ "cô giáo vùng cao" run sợ khi đến Nha Trang

(NLĐO) - Một tài khoản Facebook tự xưng là “cô giáo vùng cao” chia sẻ trên mạng xã hội cảm giác "run sợ" khi đến Nha Trang vì bị khóa xe.

Tình huống pháp lý vụ "cô giáo vùng cao" run sợ khi đến Nha Trang- Ảnh 1.

Hình ảnh "cô gái vùng cao" nói run sợ khi đến Nha Trang Ảnh: Phòng CSGT tỉnh Khánh Hoà.

Run sợ khi đến Nha Trang

Mới đây, một tài khoản Facebook tự xưng là "cô giáo vùng cao" chia sẻ trên mạng xã hội cảm giác "run sợ" khi đến Nha Trang vì bị khóa xe do vi phạm.

Nội dung thể hiện người này đi phượt từ Hà Giang (cũ) đến Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa (cũ) với quãng đường hơn 2.000 km. Song cô đã "run sợ" do bị CSGT xử lý vi phạm vì đỗ xe không đúng quy định.

"Cô giáo vùng cao" cho biết khuya 24-6 đã đến Quảng trường 2 tháng 4 (TP Nha Trang cũ) và đỗ xe ngay khu vực quảng trường. Do vi phạm quy định nên cô bị mời về trụ sở làm việc. Người phụ nữ cũng cho biết không chỉ một mình mà còn có gần 20 chiếc xe khác.

Trong lời tự sự, "cô giáo vùng cao" ngỏ lời chê trách không có ai hướng dẫn, nhắc nhở việc đậu đỗ xe ô tô giúp cho du khách.

Theo Phòng CSGT tỉnh Khánh Hoà cũ tối 24-6 đã thực hiện theo kế hoạch kiểm tra đã được phê duyệt. Tại khu vực Quảng trường 2 tháng 4 có lưu lượng xe cộ qua lại lớn, đã cắm các biển báo "Cấm dừng đỗ", nên các phương tiện dừng, đỗ tại vị trí này đều vi phạm luật giao thông đường bộ.

Qua làm việc, người phụ nữ đã nhận thức được hành vi vi phạm, nhưng do đây là khách du lịch lần đầu vi phạm, cần xử lý hài hòa, thân thiện để góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Nha Trang nên tổ tuần tra không lập biên bản vi phạm hành chính, mà chỉ nhắc nhở, tuyên truyền quy định pháp luật về giao thông.

Phòng CSGT tỉnh Khánh Hòa cũng cho biết thông tin 20 xe vi phạm là chưa chính xác, vì chỉ có khoảng 3-4 phương tiện có vi phạm việc dừng đỗ.

"Cô giáo vùng cao" có thể bị phạt 5-10 triệu đồng

Luật sư Đào Thị Bích Liên, Văn phòng Luật sư Hà Hải và Cộng sự, cho biết về mặt pháp lý, hành vi dừng, đỗ xe tại khu vực có biển báo "Cấm dừng đỗ" đã vi phạm quy định của Luật Giao thông đường bộ 2024 và có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 168 NĐ-CP, với mức phạt từ 600.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Phòng CSGT tỉnh Khánh Hòa khẳng định chỉ có 3-4 phương tiện vi phạm song cô gái đã nói 20 xe. Việc đăng tải thông tin sai lệch này dù là vô ý do thiếu kiểm chứng hay cố ý đều tiềm ẩn nguy cơ gây hiểu lầm, làm suy giảm niềm tin của người dân vào lực lượng thực thi pháp luật.

Hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật trên mạng xã hội có thể bị xử lý theo quy định tại điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP) với mức phạt là từ 5-10 triệu đồng (đối với cá nhân), đồng thời buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật.

Từ sự việc trên, có thể thấy rằng việc tuân thủ quy định giao thông không chỉ là nghĩa vụ pháp lý mà còn thể hiện ý thức của người dân trong việc góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

Đồng thời, mỗi cá nhân cũng cần nâng cao trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội cẩn trọng trong việc kiểm chứng thông tin trước khi chia sẻ, tránh gây hiểu lầm, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan chức năng.