"Tôn vinh cà phê, trà Việt" lần 3 - 2025: Cơ hội tạo đột phá cho nông sản chủ lực

Chương trình "Tôn vinh cà phê, trà Việt" hứa hẹn sẽ góp phần khai mở chuỗi giá trị mới cho ngành cà phê, trà Việt nói riêng, văn hóa ẩm thực Việt Nam nói chung

Từ một lễ hội văn hóa, chương trình "Tôn vinh cà phê, trà Việt" do Báo Người Lao Động tổ chức đang từng bước trở thành nền tảng kết nối cho toàn ngành, từ nông nghiệp đến chế biến, thương mại và dịch vụ. Chương trình đóng vai trò như một "chất xúc tác" để ngành cà phê, trà Việt Nam không chỉ phát triển mạnh về lượng mà còn tiến sâu về chất, từ sản phẩm đến thương hiệu, từ văn hóa đến giá trị xuất khẩu.

Tạo lập nền tảng tiêu dùng căn cơ

Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2023 với tên gọi "Tôn vinh cà phê Việt", sau 2 lần tổ chức, chương trình đã tạo ra không gian giao thương trực tiếp giữa nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng. Hàng trăm doanh nghiệp (DN) cà phê, trà đến từ nhiều địa phương đã có cơ hội trưng bày sản phẩm, giới thiệu quy trình chế biến và tìm kiếm đối tác.

"Tôn vinh cà phê, trà Việt" lần 3 - 2025: Cơ hội tạo đột phá cho nông sản chủ lực - Ảnh 1.

Toàn cảnh chương trình “Tôn vinh cà phê, trà Việt” lần thứ 2 - năm 2024 thu hút rất đông doanh nghiệp và khách tham dự Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Thông qua các hoạt động dùng thử, kết nối trực tiếp với người tiêu dùng đầu cuối, các đối tác tiềm năng và các hoạt động quảng bá trên các nền tảng của Báo Người Lao Động, chương trình giúp sản phẩm cà phê, trà Việt tăng độ nhận diện thương hiệu, mở rộng phân khúc khách hàng, đặc biệt là giới trẻ và người tiêu dùng đô thị.

Trước áp lực cạnh tranh ngày càng lớn, chương trình tạo động lực để DN đổi mới sản phẩm, cải tiến bao bì, kể chuyện thương hiệu và áp dụng công nghệ chế biến hiện đại. Nhiều thương hiệu đã giới thiệu các dòng sản phẩm mới, đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới.

"Tôn vinh cà phê, trà Việt" lần 3 - 2025: Cơ hội tạo đột phá cho nông sản chủ lực - Ảnh 2.

Buổi hội thảo tại chương trình “Tôn vinh cà phê, trà Việt lần 2 - năm 2024 cũng thu hút rất đông đại biểu đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết .Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Các buổi trình diễn pha chế, hội thảo chuyên đề và Coffee Talk cũng là dịp để đội ngũ pha chế, nhà phát triển sản phẩm và DN học hỏi, nâng cao kỹ năng, góp phần chuyên nghiệp hóa ngành cà phê, trà trong nước.

Không chỉ dừng lại ở kinh tế, chương trình còn góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa cà phê, trà Việt - những nét đẹp gắn liền với đời sống người dân. Cuộc thi viết "Cảm tưởng về cà phê, trà Việt" nhận được hàng trăm bài dự thi từ nhiều vùng miền, góp phần khơi dậy tình yêu với hương vị truyền thống, đồng thời thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm nội địa.

Với hình thức tổ chức hiện đại, cởi mở, dễ tiếp cận, chương trình đã giúp các giá trị truyền thống đến gần hơn với thế hệ trẻ, từ đó tạo nền tảng tiêu dùng bền vững cho tương lai.

Điểm nhấn của chương trình là các cuộc hội thảo về cà phê đã trở thành nơi để các chuyên gia và nhà quản lý đưa ra giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng, từ vùng nguyên liệu đến bàn uống.

Bằng cách đặt người trồng cà phê, trà vào trung tâm của chuỗi giá trị, chương trình thúc đẩy xu hướng sản xuất bền vững, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa nông dân, DN và người tiêu dùng - điều kiện tiên quyết để cà phê, trà Việt nâng tầm vị thế trên bản đồ thế giới.

"Tôn vinh cà phê, trà Việt" lần 3 - 2025: Cơ hội tạo đột phá cho nông sản chủ lực - Ảnh 3.

Nhiều hoạt động hấp dẫn, ý nghĩa

Tiếp nối thành công của 2 kỳ lễ hội trước, Báo Người Lao Động trân trọng tổ chức chương trình "Tôn vinh cà phê, trà Việt" lần thứ 3 - năm 2025, diễn ra trong 2 ngày 17 và 18-5 tại Trung tâm Thương mại Gigamall (240-242 Phạm Văn Đồng, TP Thủ Đức, TP HCM).

Chương trình "Tôn vinh cà phê, trà Việt" lần thứ 3 không đơn thuần là một hoạt động văn hóa - thương mại đặc sắc mà còn là bước đi chiến lược trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho cà phê và trà Việt. Thông qua các hoạt động giao lưu, xúc tiến thương mại, truyền thông và tương tác trực tiếp với người tiêu dùng, chương trình kỳ vọng sẽ góp phần đưa văn hóa cà phê, trà Việt lên một tầm cao mới, xứng đáng với tiềm năng và giá trị của loại thức uống đặc trưng này.

Sự kiện cũng nhằm tiếp tục khẳng định vị thế của cà phê và trà - 2 ngành hàng nông sản chủ lực của Việt Nam, đồng thời tạo cầu nối giữa người trồng - DN - người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Qua đó, góp phần quảng bá văn hóa cà phê, trà Việt, nâng cao giá trị thương hiệu nông sản Việt trên thị trường toàn cầu.

Chương trình chính thức khai mạc lúc 11 giờ 30 phút hôm nay (17-5), mở đầu chuỗi hoạt động phong phú kéo dài suốt 2 ngày. Đặc biệt, lúc 19 giờ, sẽ diễn ra Gala nghệ thuật "Đất nước vươn mình", quy tụ dàn nghệ sĩ nổi tiếng như Võ Minh Lâm, Tú Sương, Huỳnh Lợi, Trang Pháp, Đông Quân, Duyên Quỳnh, Tiến Đạt… cùng phần giao lưu với các nhạc sĩ tên tuổi như Phạm Minh Tuấn, Nguyễn Văn Chung, Trần Xuân Tiến, Mai Trâm.

Ngày 18-5, chương trình tiếp tục với loạt hoạt động trải nghiệm phong phú. Khách tham quan sẽ được thưởng thức miễn phí hàng chục loại cà phê, trà Việt, tham gia các buổi pha chế, thử nếm, biểu diễn nghệ thuật pha chế cà phê, thuyết trình về trà Việt và văn hóa thưởng trà, trình diễn ảo thuật và vẽ chân dung miễn phí từ họa sĩ Lê Sa Long.

"Tôn vinh cà phê, trà Việt" lần 3 - 2025: Cơ hội tạo đột phá cho nông sản chủ lực - Ảnh 4.

Tăng giá trị, phát triển bền vững ngành cà phê

Trong khuôn khổ chương trình "Tôn vinh cà phê, trà Việt" lần thứ 3 do Báo Người Lao Động tổ chức, lúc 13 giờ 45 phút hôm nay, sẽ diễn ra hội thảo "Cà phê Việt Nam: Tăng lợi ích cho người trồng, hỗ trợ DN xuất khẩu". Hội thảo có sự tham dự của đại diện cơ quan quản lý, địa phương, chuyên gia, hiệp hội, thương hiệu cà phê và các đơn vị đồng hành…

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới và dẫn đầu nếu tính riêng xuất khẩu cà phê Robusta. Đặc biệt, giá cà phê 2 năm qua tăng rất mạnh đã đem lại nguồn lợi cho người trồng cũng như toàn ngành cà phê.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, xuất khẩu cà phê 4 tháng đầu năm đạt 662.900 tấn, thu về 3,78 tỉ USD, giảm 9,8% về khối lượng nhưng tăng 51,1% về trị giá so với cùng kỳ. Nhưng phía sau con số thần kỳ đó là gì?

Theo các chuyên gia, thành tích vượt trội trong xuất khẩu cà phê Việt Nam, không chỉ là niềm tự hào mà còn là những trăn trở về giá trị gia tăng của ngành cà phê; về lợi ích thiết thực và bền vững cho người trồng và DN chế biến, xuất khẩu cũng như ước mơ vươn xa của hạt cà phê Việt.

Tại hội thảo "Cà phê Việt Nam: Tăng lợi ích cho người trồng, hỗ trợ DN xuất khẩu" lần này, đại diện các DN, chuyên gia sẽ cùng trao đổi những vấn đề nóng hổi của ngành, cùng bàn giải pháp thiết thực để niên vụ cà phê 2024-2025 tiếp tục đạt hiệu quả, đặc biệt là giải pháp tăng giá trị, phát triển bền vững ngành cà phê, mang lại lợi ích cho người trồng cà phê.

Chẳng hạn, chuyên gia Nguyễn Quang Bình và ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, sẽ chia sẻ góc nhìn về mức độ đầu tư vào chế biến sâu và chế biến cà phê đặc sản đã được cải thiện, song xuất khẩu thô vẫn chiếm chủ yếu, giá trị gia tăng thấp.

Về phía các DN, ông Phạm Hùng Vĩnh, đại diện thương hiệu Đôi Dép, nêu góc nhìn về yếu tố văn hóa và trải nghiệm có thể giúp nâng giá trị cà phê Việt. Ông Gruber Alexander Lukas, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Rang xay Chuyên nghiệp Sài Gòn, nói về tình hình thực tế, sức cạnh tranh của cà phê chế biến của Việt Nam so với các nước… Ngoài ra, những điểm nghẽn lớn nhất khiến cà phê Việt chưa bật lên được về giá trị gia tăng cũng sẽ được nêu ra, để các chuyên gia, DN cùng thảo luận nhằm tìm ra giải pháp phát triển bền vững ngành cà phê Việt.

Hội thảo của Báo Người Lao Động còn kết nối trực tiếp tới nhà máy của Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn Cầu (thương hiệu Meet More), để cung cấp cái nhìn bao quát về các công đoạn chính trong sản xuất cà phê; sản lượng cà phê chế biến mỗi năm; thuận lợi và thách thức của DN.

Đặc biệt, chương trình sẽ kết nối đến vườn cà phê của 2 hộ dân là ông Phạm Văn Đồng và ông Lê Đình Tư (xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), để cùng tìm hiểu về diện tích, sản lượng trồng cà phê và giá mặt hàng này trong thời gian qua, cung cấp cái nhìn toàn cảnh cho bạn đọc. 

Kết nối giao thương, nâng tầm nông sản Việt

Một điểm nhấn trong chương trình là hoạt động livestream quảng bá cà phê - trà Việt trên TikTok Shop, diễn ra từ 11 giờ 30 phút đến 15 giờ 30 phút ngày 18-5, với sự góp mặt của các KOL nổi bật như Thiện Nhân (@thiennhanreview) và Duy Nhất (@dailywithzii). Gần 50 sản phẩm từ các thương hiệu cà phê - trà Việt sẽ được giới thiệu cùng hàng loạt ưu đãi hấp dẫn.

Bên cạnh đó, lễ trao giải cuộc thi viết "Cảm tưởng về cà phê - trà Việt" lần thứ 2 cũng sẽ được tổ chức lúc 18 giờ 30 phút cùng ngày, vinh danh 9 tác phẩm tiêu biểu được tuyển chọn từ gần 200 bài dự thi của bạn đọc trong và ngoài nước.

Lễ hội sẽ khép lại bằng chương trình bế mạc vào lúc 19 giờ ngày 18-5, tổng kết những thành quả và kết nối hợp tác đạt được trong suốt thời gian diễn ra.

Không chỉ là điểm nhấn độc lập, Lễ hội "Tôn vinh cà phê, trà Việt" năm 2025 còn là sự kiện mở màn cho chuỗi hoạt động hè kéo dài từ tháng 5 đến tháng 8 tại Gigamall. Ngay sau lễ hội, khách hàng sẽ được trải nghiệm:

• Chiến dịch lễ hội mùa hè 2025 - với chủ đề "Safari Adventure" sống động cùng các mô hình sinh vật rừng khổng lồ đầy bất ngờ.

• Ngày hội Private Sale mùa hè với hàng trăm ưu đãi lên đến 50% tại tất cả gian hàng.

• Các khu vui chơi giải trí độc đáo theo công nghệ Shoppertainment tiên phong tại Việt Nam: khu giáo dục giải trí công nghệ nao Light City (tầng 6), tổ hợp vui chơi Alpha Games (tầng B1), Rainbow Jungle (tầng 6), triển lãm tương tác đa giác quan Van Gogh & Monet (tầng 8)...

• Các minigame và phần quà tặng đặc biệt cho khách hàng mua sắm hoặc check-in tại chuỗi sự kiện mùa hè.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đầu tư bài bản, Gigamall mong muốn mang đến một mùa hè tràn đầy màu sắc, năng lượng và niềm vui cho mọi gia đình - đúng với định hướng trở thành điểm đến vui chơi - mua sắm - văn hóa hàng đầu khu vực ở TP HCM.

"Tôn vinh cà phê, trà Việt" lần 3 - 2025: Cơ hội tạo đột phá cho nông sản chủ lực - Ảnh 5.