TP HCM đã chuẩn bị kịch bản "tệ nhất" khi Mỹ giữ nguyên mức thuế đối ứng 46%

(NLĐO) – Nhận định khả năng Mỹ đưa về thuế đối ứng 0% rất khó nên chắc chắn doanh nghiệp, người lao động sẽ bị tác động bởi thuế quan mới của Mỹ

Ngày 9-4, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được chủ trì hội thảo khoa học "Tăng trưởng kinh tế TP HCM trước tác động chính sách thuế quan mới của Mỹ" để lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp giữa bối cảnh đang chờ đợi kết quả đàm phán về thuế đối ứng Việt Nam – Mỹ. 

Phát biểu tại hội thảo, TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM (HIDS) nêu ra 3 kịch bản về thuế quan có thể xảy ra.

Trong đó, kịch bản bi quan nhất là thuế đối ứng 46% được áp dụng, hệ lụy là thương mại toàn cầu xấu đi, những ngành trọng điểm của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ mất một nửa thị phần tại Mỹ, nhiều doanh nghiệp đóng cửa và TP HCM có thể rơi vào tình trạng "đình trệ xuất khẩu" trong ngắn hạn cho đến khi tìm được hướng đi mới.

TP HCM đã chuẩn bị kịch bản "tệ nhất" khi Mỹ giữ nguyên mức thuế đối ứng 46%- Ảnh 1.

Quang cảnh hội thảo khoa học sáng nay 9-4

Kịch bản lạc quan nhất, thuế đối ứng đàm phán xuống từ dưới 15%, căng thăng thương mại sớm tháo gỡ, Mỹ và Việt Nam đạt được thỏa thuận song phương và từ quý II đến quý III/2025, Mỹ sẽ giảm hoặc gỡ bỏ mức thuế đối với hàng Việt Nam.

Ở kịch bản còn lại, Việt Nam đàm phán một phần và đạt mức thuế suất 25%. Việt Nam và Mỹ có những động thái hoãn ở mức độ nhất định và doanh nghiệp kịp thích nghi một phần. Hai nước đạt được một số ngoại lệ hoặc giảm thuế cho một số mặt hàng chiến lược.

Ở kịch bản này, tỉ giá, lạm phát tương đối ổn định nhờ dòng vốn FDI vẫn duy trì và doanh nghiệp TP HCM năng động và chủ động mở rộng thị trường mới.

TP HCM đã chuẩn bị kịch bản "tệ nhất" khi Mỹ giữ nguyên mức thuế đối ứng 46%- Ảnh 2.

Ba kịch bản về thuế đối ứng

TP HCM đã chuẩn bị kịch bản "tệ nhất" khi Mỹ giữ nguyên mức thuế đối ứng 46%- Ảnh 3.

Kịch bản tăng trưởng TP HCM tương ứng với các kịch bản về thuế đối ứng

Tại hội thảo, cộng đồng doanh nghiệp đã nêu ra nhiều giải pháp chủ động thích ứng với tình hình thuế đối ứng của Mỹ.

Ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty Nam Thái Sơn, cho biết phía đối tác Mỹ vẫn tiếp tục yêu cầu giao hàng và đặt hàng mới vì không có nguồn cung thay thế. Ông gợi ý từng ngành hàng cần tìm hiểu mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu ở Mỹ có sản xuất hay không và nếu có sản xuất thì giá bao nhiêu.

"Ví dụ, một món đồ chơi cho thú cưng, giá xuất khẩu từ Việt Nam là 1,4 USD nhưng giá trên siêu thị Mỹ là 48 USD thì thuế 46% vẫn có thể xuất khẩu được. Ngoài ra, cần xem đối thủ hàng nhập khẩu mặt hàng đó tại Mỹ phải chịu thuế là bao nhiêu thì mới đánh giá chính xác mặt hàng đó còn có thể xuất khẩu qua Mỹ sau thuế đối ứng hay không"- ông Việt Anh nói.

Ông cũng mong muốn được nghe tiếng nói của các doanh nghiệp FDI bởi với quy mô toàn cầu, họ thường có giải pháp tốt. Đây là khối giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, nếu đơn hàng ít hay họ dịch chuyển nhà máy sẽ gây ra tình trạng thiếu việc, mất việc.

TP HCM đã chuẩn bị kịch bản "tệ nhất" khi Mỹ giữ nguyên mức thuế đối ứng 46%- Ảnh 4.

Chủ tịch UBND TP HCM kết luận buổi hội thảo

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam, nhận định với thuế đối ứng của Mỹ, kỷ nguyên thương mại tự do toàn cầu kết thúc và trước mắt chắc chắn sẽ gây khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm, doanh nghiệp sẽ vượt khó tìm kiếm thị trường mới, đa dạng thị trường. Ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp cần giữ vững thị trường trong nước, giữ chất lượng, khai phá thị trường mới.

Đối với ngành dệt may, bà Vũ Kim Hạnh đề xuất cần có các giải pháp giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng Trung Quốc, sử dụng các nguyên liệu bản địa như xơ dứa, sen, nguyên liệu tái chế - rất phù hợp với xu hướng thời trang chậm hiện nay.

Phát biểu kết luận hội thảo, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được nhận định khả năng Mỹ bỏ áp thuế đối ứng khó xảy ra nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống người lao động.

"Chúng ta cần học tập triết lý của Bác Hồ là "dĩ bất biến, ứng vạn biến". Trong khó khăn, các doanh nghiệp cần bình tĩnh, không quá bi quan, không hốt hoảng và kinh nghiệm thấy rằng trong cái khó ló cái khôn" – ông Nguyễn Văn Được nhắn nhủ.

Theo Chủ tịch UBND TP HCM, đây cũng là cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế, tăng nội lực, tăng tỉ lệ hàng "Made by Vietnam" bởi mang tính bền vững.

Về giải pháp, ông Nguyễn Văn Được cho biết sẽ tổ chức hội nghị với các doanh nghiệp FDI để lắng nghe ý kiến góp ý, tăng cường tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu đúng về thuế đối ứng để không bị hoang mang.

Về nội lực, TP HCM tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, tháo gỡ các dự án gặp vướng mắc, khơi thông "cục máu đông", cản trợ sự phát triển của TP HCM.

Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh; hỗ trợ xúc tiến thương mại một cách hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ trung tâm tài chính, đào tạo lao động chất lượng cao,…