TP HCM xây dựng siêu đô thị xanh
L.T.S: Cùng với cả nước, TP HCM hướng tới việc phát triển bền vững.
Quá trình ấy xoay quanh 4 trụ cột: phát triển nguồn lực xanh, xây dựng hạ tầng xanh, phát triển hành vi xanh, xác định ngành và lĩnh vực tiên phong.
Cơ sở hiện thực hóa mục tiêu
Xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình, điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư, du khách… là nội dung lớn trong khung chiến lược phát triển xanh của TP HCM
Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cam kết mạnh mẽ
Mục tiêu tổng quát của chiến lược trên là thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội. Đồng thời, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
TP HCM có điều kiện thuận lợi để thúc đẩy chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh khi Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội đã cho phép thành phố thí điểm một số cơ chế trong lĩnh vực tài chính, đô thị, tài nguyên, môi trường…
Đến tháng 9-2023, tại Trụ sở Liên hợp quốc, trong Hội nghị Thượng đỉnh tham vọng khí hậu, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam quyết tâm thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Thủ tướng nhấn mạnh với sự đồng hành, hỗ trợ đầy đủ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam phấn đấu giảm nhanh lượng phát thải khí nhà kính đến 43,5% vào năm 2030 và đạt tỉ lệ năng lượng tái tạo hơn 70% vào năm 2050.
Ở phạm vi địa phương, tại TP HCM hồi cuối năm 2022, UBND thành phố phê duyệt Kế hoạch "Chiến lược tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững trên địa bàn TP HCM đến năm 2030". Kế hoạch gồm định hướng phát triển bền vững trên địa bàn thành phố với 17 chủ đề.
Bên cạnh đó, TP HCM triển khai thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh trên địa bàn với 18 chủ đề.
Trong đó, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh; tích hợp tăng trưởng xanh vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; từng bước hạn chế các ngành phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường; tạo điều kiện phát triển ngành sản xuất xanh mới.
Trong kế hoạch, TP HCM cũng thể hiện quyết tâm thúc đẩy đô thị hóa theo hướng đô thị thông minh bền vững, có năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu, bảo đảm hiệu quả kinh tế - sinh thái. Ngoài ra, ưu tiên phát triển loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển sản phẩm du lịch xanh; tiêu dùng và mua sắm xanh, bền vững.

Xác định chuyển đổi xanh là nhiệm vụ trọng tâm, TP HCM được tin tưởng trở thành đô thị vươn tầm châu lục trong tương lai gần. Ảnh: QUỐC ANH
Bốn trụ cột lớn
TP HCM hiện thực hóa việc tăng trưởng xanh bằng những định hướng và bước đi cụ thể trong phát triển kinh tế - xã hội.
Một trong nhiều minh chứng cho quyết tâm này, tại Diễn đàn Kinh tế TP HCM năm 2023 chủ đề "Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng 0", Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên thông tin thành phố đang khẩn trương hoàn thiện khung chiến lược phát triển xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, để từ đó xây dựng TP HCM trở thành đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình, là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư và du khách.
Khung chiến lược xác định người dân là trung tâm của chuyển đổi số, thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế… nhằm thực hiện 4 trụ cột, gồm: phát triển nguồn lực xanh, xây dựng hạ tầng xanh, phát triển hành vi xanh, xác định ngành và lĩnh vực tiên phong.
Tiếp đến, tại diễn đàn "TP HCM - Gỡ vướng cho kinh tế xanh" hồi tháng 12-2024, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Dũng cho biết để thực hiện khung chiến lược phát triển xanh, thành phố xác định ưu tiên 3 vấn đề lớn.
Thứ nhất là khung pháp lý. TP HCM đang xây dựng khoảng 80 chương trình đề án, chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực sản xuất xanh.
Thứ hai, xây dựng bộ tiêu chí đo lường trong sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng, du lịch, các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ... để từng phân xưởng, nhà máy, gia đình đo lường được phát thải.
Thứ ba, xây dựng mô hình mẫu với địa phương xanh (huyện Cần Giờ), xưởng sản xuất xanh, công trình, bệnh viện, trường học xanh…

TP HCM đang có những bước đi hướng tới việc phát triển bền vững. Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên tại Diễn đàn Kinh tế TP HCM năm 2024. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Kế hoạch mang nhiều kỳ vọng
Để hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh, tháng 9-2024, UBND TP HCM ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2024-2030.
Kế hoạch với 14 nhóm nhiệm vụ này đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải nhà kính, ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.
Lan tỏa
Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP HCM năm 2024, UBND TP HCM đã khánh thành Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR). Trung tâm được kỳ vọng trở thành động lực mới thúc đẩy phát triển bền vững cho TP HCM, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trên cả nước.
C4IR tại TP HCM là một phần trong mạng lưới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), là trung tâm thứ 2 tại Đông Nam Á và thứ 19 trên thế giới trong mạng lưới của WEF.
Trong đó, nhóm nhiệm vụ tài chính xanh với đề án hình thành thị trường tín chỉ các-bon trên địa bàn thành phố; triển khai phát hành trái phiếu xanh, huy động vốn cho những dự án xanh, dự án bền vững; tham mưu triển khai dự án xanh theo phương thức PPP từ đề xuất của sở, ban, ngành và doanh nghiệp.
Nhóm nhiệm vụ năng lượng xanh với việc hướng dẫn các đơn vị triển khai mục tiêu sản lượng năng lượng mặt trời áp mái đối với nhà máy, khu công nghiệp, các công trình; xây dựng kế hoạch triển khai chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và mê-tan của ngành giao thông vận tải trên địa bàn thành phố.
Một số nhóm nhiệm vụ quan trọng khác gồm: nhân lực chất lượng cao; nước sạch và tuần hoàn; tuần hoàn vật liệu; tiêu dùng xanh (triển khai những chương trình giảm sử dụng túi ni-lông, bao bì nhựa sử dụng một lần trong hệ thống phân phối); giao thông xanh; tòa nhà xanh và tiết kiệm năng lượng (đề án sử dụng mái nhà là tài sản công để lắp đặt hệ thống điện mặt trời); công nghiệp xanh; du lịch xanh; mảng xanh đô thị và nông nghiệp xanh; hệ sinh thái Cần Giờ xanh...
Nhiệm vụ cốt yếu
Từ năm 2023, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM (nay là Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội), cho biết thành phố đang tái cơ cấu kinh tế, trong đó xác định kinh tế xanh là động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững giai đoạn tới.
Lãnh đạo TP HCM khẳng định thành phố rất quyết tâm, qua việc nghiên cứu đề ra khung chiến lược phát triển xanh và cam kết bố trí đầy đủ nguồn lực để hướng tới "net zero" - phát thải ròng bằng 0 - vào năm 2050. Một trong những kế hoạch của thành phố trong lộ trình hướng đến kinh tế xanh, bền vững là thí điểm xây dựng Cần Giờ trở thành địa phương xanh. Theo đó, Cần Giờ được kỳ vọng sẽ là địa phương tiên phong thực hiện mục tiêu "net zero" vào năm 2035, trước 15 năm so với cam kết của Việt Nam với quốc tế.
Mục tiêu của TP HCM tiếp tục được thể hiện mạnh mẽ trong Diễn đàn Kinh tế TP HCM năm 2024 mang chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP HCM". Tại diễn đàn, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên khẳng định TP HCM chọn chuyển đổi xanh là nhiệm vụ trọng tâm, chuyển đổi công nghiệp là động lực, chuyển đổi số là đột phá và hợp tác phát triển là nhiệm vụ quan trọng, tất yếu.
Đây là hệ thống giải pháp để TP HCM hoàn thành nhiệm vụ đến năm 2030 trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2045 là thành phố có nền công nghiệp phát triển ngang tầm các nền kinh tế trong khu vực và vươn tầm châu lục mà Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị đã đề ra.
(Còn tiếp)