Ngày 24-1, Hội nghị xúc tiến đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh TP HCM do UBND TP HCM phối hợp Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức, đã thu hút hơn 200 đại biểu là các đại diện các định chế tài chính quốc tế, các tổ chức quốc tế, cơ quan ngoại giao, doanh nghiệp (DN)… trong nước và ngoài nước, các chuyên gia tham dự.
Phát huy sức mạnh hợp tác công tư
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố mong muốn thúc đẩy các sáng kiến đổi mới và hợp tác đa quốc gia, kêu gọi đầu tư tư nhân nhằm từng bước chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh và bền vững hơn.
TP HCM được xác định là 1 trong 10 thành phố trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Trung bình mỗi năm, tổng phát thải khí nhà kính trên địa bàn là hơn 60 triệu tấn CO2. Trong đó, 3 nguồn thải chính là từ hoạt động công nghiệp (khoảng gần 20 triệu tấn), giao thông (khoảng hơn 13 triệu tấn), còn lại là sinh hoạt và các hoạt động khác. TP HCM cũng đang đối mặt những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiếu hụt nguồn lực và khủng hoảng kinh tế.
Cùng xu hướng chung của thế giới, TP HCM chọn tăng trưởng xanh là chiến lược phát triển tương lai, ưu tiên hàng đầu, nhằm đạt thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
TP HCM đặt mục tiêu giảm phát thải 10% vào năm 2030; chủ động tham khảo, hợp tác phối hợp trao đổi với các tổ chức quốc tế có kinh nghiệm để học hỏi, hướng tới phát triển xanh, bền vững.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố sẽ rà soát hiện trạng và hoàn thiện các giải pháp đã được các chuyên gia đề xuất để nhanh chóng bắt kịp và hòa mình vào nhịp điệu phát triển chung của khu vực và thế giới, đưa thành phố trở thành một "thành phố xanh" dựa trên cơ sở một nền "kinh tế xanh".
Theo ông Phan Văn Mãi, hội nghị là cơ hội lý tưởng để các DN và nhà đầu tư khám phá tiềm năng hợp tác và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Các chia sẻ thiết thực và hữu ích sẽ là những bài học kinh nghiệm, là cơ sở để thành phố hoàn thiện hơn nữa việc cụ thể hóa các nhiệm vụ mà Thủ tướng đã chỉ đạo.
Từ đó, chính quyền thành phố cùng cộng đồng DN sẽ đồng lòng hành động khẩn trương hơn nữa, tăng cường phát huy sức mạnh hợp tác công tư để giúp thành phố phát triển kinh tế hướng tới phát triển xanh, bền vững.
Theo bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, khu vực Đông Á và Thái Bình Dương - WB nhìn thấy cả thách thức lẫn cơ hội trong thúc đẩy tăng trưởng xanh ở TP HCM; các thách thức về kinh tế, môi trường và tài chính đang gặp phải là thách thức chung của bất kỳ thành phố nào ở châu Á.
"Về mặt kinh tế, các nhà đầu tư hay các nhà sản xuất tìm kiếm các nơi đặt môi trường sản xuất có kinh tế xanh và phát thải carbon thấp. TP HCM có tham vọng giảm 10% phát thải carbon. Mục tiêu này sẽ thực hiện được nếu có chiến lược phù hợp để thúc đẩy quá trình chuyển dịch" - bà Carolyn Turk nói.
Bà Carolyn Turk chỉ ra TP HCM là trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam nhưng đang gặp thách thức lớn do biến đổi khí hậu; 65% diện tích ở TP HCM có độ cao dưới 1,5 m so mực nước biển; tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số làm tăng sức ép lên khu vực xanh. Do ngập lụt hằng năm nên thiệt hại về kinh tế tại Việt Nam có thể lên tới 250 triệu USD/năm. Con số này có thể tăng lên trên 350 - 500 triệu USD/năm nếu biến đổi khí hậu gia tăng. Riêng TP HCM, thiệt hại về kinh tế do biến đổi khí hậu có thể lên đến 50 triệu USD/năm.
Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cũng chỉ ra những thách thức về tài chính, nguồn nhân lực trong sản xuất xanh… WB mong muốn đồng hành với TP HCM đi đến tương lai và hỗ trợ thành phố trong việc giảm phát thải carbon và phát triển bền vững.
Nhiều gợi ý hay
Sáng cùng ngày, trong khuôn khổ hội nghị kêu gọi đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh TP HCM, lãnh đạo TP HCM đã gặp gỡ nhóm thị trường carbon và tài chính thuộc WB, nhóm đại biểu của WB và Nhóm Công tác chung TP HCM - WB (HWG), các nhà đầu tư là Tập đoàn tài chính quốc tế IFC, Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham).
Tại buổi gặp, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh việc phát triển thị trường carbon ở Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng là rất cần thiết. Do đó, thành phố rất cần sự hỗ trợ của WB để phát triển tín chỉ cacbon, tham gia vào thị trường này. Cụ thể là sự hỗ trợ của WB để xây dựng một kế hoạch, trong đó có khung chiến lược, khung tiêu chuẩn, khung chính sách với những lộ trình, bước đi cụ thể; cũng như chính sách hỗ trợ của thành phố trong giai đoạn đầu, nguồn lực thực hiện.
"Hy vọng kế hoạch khung này sẽ hoàn thành cơ bản trong quý I/2024 để đến tháng 3 báo cáo với Chủ tịch WB khi đến thăm, làm việc chính thức tại Việt Nam" - Chủ tịch UBND thành phố bày tỏ và cho biết việc hoàn thiện khung chiến lược, khung chính sách cho chiến lược tăng trưởng xanh TP HCM sẽ góp phần thực hiện Net Zero và phát thải carbon thấp trong thời gian tới.
Đề cập Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, Chủ tịch UBND thành phố cho biết có rất nhiều nội dung có thể thực thi với các đối tác, nhà đầu tư như huy động nguồn tài chính lớn, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, thu hút đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo… Nghị quyết này đã mở ra nhiều cơ hội cho TP HCM trong chuyển đổi xanh và thành phố sẽ tiếp tục cùng WB nghiên cứu triển khai nhiều nội dung quan trọng.
Ông Mani Mathukumara, chuyên gia trưởng về kinh tế - môi trường của WB, cho rằng để DN Việt Nam tham gia giao dịch thị trường tín chỉ carbon thế giới, trước tiên các DN phải có ý tưởng, dự án. Sau đó sẽ xác minh và được cung cấp nguồn tài chính, đối tác để tham gia vào mua bán tín chỉ trên thị trường. Hiện WB đang hợp tác và hỗ trợ TP HCM để kết nối với các đơn vị xác minh, kết nối cung cầu về tín chỉ carbon.
"Chúng tôi sẵn sàng đồng hành với TP HCM để giúp thành phố xác định được ngành, lĩnh vực nào tiềm năng, lựa chọn dự án có tiềm năng tốt, tạo các tín chỉ carbon. Chúng tôi cam kết hỗ trợ TP HCM đầu ra để bán các tín chỉ carbon ra thị trường thế giới" - ông Mani Mathukumara khẳng định.
Ông Marc Forni, chuyên gia trưởng về năng lực thích ứng của đô thị (WB), nhìn nhận thiết lập thị trường mới rất quan trọng. TP HCM nên tận dụng cơ hội khi thị trường phát triển nhanh, nhất là với một địa phương có tiềm lực lớn, có sự ủng hộ rất lớn của WB và các tổ chức quốc tế đang hoạt động ở Việt Nam.
Bà Lê Ngọc Thùy Trang, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM (HFIC), thông tin HFIC được WB chọn là cơ quan điều phối về tín chỉ carbon tại TP HCM. HFIC và các luật sư của WB đang làm việc để xây dựng chính sách liên quan việc này. Phía WB cũng đề cập một gói viện trợ không hoàn lại trị giá 40 triệu USD và 10 triệu USD hỗ trợ kỹ thuật cho phát triển thị trường carbon.
Ông Darryl James Dong, Giám đốc phát triển chiến lược và điều hành Công ty Tài chính quốc tế IFC, mong muốn có sự hợp tác đa dạng hơn với TP HCM, đặc biệt trong giảm phát thải carbon. Ông Darryl James Dong cho biết IFC sẽ hỗ trợ và đồng hành với TP HCM, giúp huy động nguồn lực không chỉ từ IFC mà còn kết nối, tạo hiệu ứng để có thể huy động nhà đầu tư toàn cầu.
Đại diện cho Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) - bà Marieke Van Der Pijil, Tổng Thư ký hiệp hội, đánh giá rất cao cơ hội mà Nghị quyết 98 mang lại cho TP HCM, trong đó có việc khuyến khích các dự án năng lượng mặt trời trên mái nhà và trao đổi tín chỉ carbon để góp phần phát triển xanh. Bà Marieke Van Der Pijil nhìn nhận những thách thức không nhỏ của TP HCM trong hành trình chuyển đổi xanh và cho biết EuroCham cam kết hỗ trợ hết mình bằng cách chia sẻ kiến thức, chuyên môn.
Đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo
Tại hội nghị, TP HCM giới thiệu 28 dự án kêu gọi đầu tư. Hiện TP HCM tập trung phát triển 4 nhóm liên quan chính sách và nguồn lực. Trong đó, tập trung nhóm chính sách phát triển giao thông xanh, đô thị xanh, đổi mới khoa học - công nghệ. Đặc biệt, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp, chip, pin công nghệ mới…
Các hình thức thu hút mời gọi đầu tư của TP cho các dự án sẽ theo hình thức công tư phối hợp, xây dựng - chuyển giao, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho TP vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120%.
Bình luận (0)