Tránh nguy cơ bị gạt khỏi thị trường lao động
Kỹ năng số ngày nay không còn là một lợi thế phụ trợ mà đã trở thành yếu tố sống còn trong thị trường lao động
Theo các chuyên gia, thành thạo các công cụ số mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp và giúp người lao động (NLĐ) thích nghi với biến động thị trường. Ngược lại, đồng nghĩa với nguy cơ tụt hậu.
Để hiểu rõ hơn về vai trò của kỹ năng số, phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với ông Huỳnh Quốc Thắng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ Giáo dục Bách Khoa - đơn vị đang triển khai đào tạo kỹ năng số cho hàng trăm ngàn lao động và giáo viên trên cả nước.
.Phóng viên: Theo ông, kỹ năng số có vai trò ra sao và những kỹ năng số nào đang được doanh nghiệp (DN) đặc biệt quan tâm, săn đón trong thời điểm hiện tại?

- Ông HUỲNH QUỐC THẮNG: Kỹ năng số chính là "tấm vé" để NLĐ bước vào thị trường lao động hiện đại. DN hiện nay đặc biệt quan tâm đến các kỹ năng số như sử dụng thành thạo phần mềm văn phòng (Word, Excel, Google Workspace), giao tiếp trực tuyến (Zoom, Microsoft Teams), phân tích và trực quan hóa dữ liệu (Power BI, Tableau), tiếp thị số (SEO, quảng cáo Google/Facebook, quản lý mạng xã hội) và đặc biệt là ứng dụng các công cụ AI (ChatGPT, Canva AI…) vào công việc hằng ngày. Ngoài ra, năng lực bảo mật thông tin và an toàn dữ liệu cá nhân cũng được đánh giá là thiết yếu.
Thực tế tuyển dụng cho thấy DN ưu tiên ứng viên vừa có chuyên môn vừa sử dụng công nghệ thành thạo, có khả năng tự học và cập nhật nhanh công nghệ mới. Đây được xem như lợi thế cạnh tranh quan trọng trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng khắt khe.
.Liệu việc thiếu kỹ năng số có là rào cản lớn khiến nhiều lao động, đặc biệt là người trẻ, chưa thể tiếp cận vị trí việc làm chất lượng cao?
- Chính xác. Thiếu kỹ năng số đang là rào cản lớn đối với nhiều lao động trẻ khi tiếp cận các vị trí việc làm chất lượng cao, nhất là khi thị trường lao động đang chuyển mạnh sang mô hình số hóa và tự động hóa.

Kỹ năng số được xem là một trong những “bí kíp” để bước vào thị trường lao động mới. Ảnh minh họa AI: GIANG NAM
Thị trường lao động hiện nay rất khắt khe. Những người không bắt kịp xu hướng rất dễ bị "gạt ra lề" trong quá trình tuyển dụng, đặc biệt là ở các DN ứng dụng công nghệ mạnh mẽ.
Đáng nói là, trong môi trường kinh tế số, vị trí việc làm chất lượng cao thường đòi hỏi khả năng phối hợp đa ngành, tư duy số và năng lực học tập suốt đời - điều mà kỹ năng số chính là "chìa khóa" để mở ra. Việc thiếu kỹ năng số không chỉ làm giảm cơ hội nghề nghiệp mà còn thu hẹp tầm nhìn, hạn chế năng lực sáng tạo của người trẻ.
Do đó, tôi cho rằng việc nâng cao kỹ năng số cần phải được xem là ưu tiên cấp thiết. Điều này không chỉ là trách nhiệm của NLĐ mà còn là bài toán chiến lược của các trường học, DN cũng như cơ quan quản lý nhà nước nếu muốn phát triển nguồn nhân lực có tính cạnh tranh cao.
.Theo ông, hệ thống giáo dục và đào tạo nghề hiện nay đã bắt kịp xu thế kỹ năng số chưa? Cần thay đổi gì để phù hợp hơn với yêu cầu của thị trường lao động?
- Theo đánh giá, hệ thống giáo dục và đào tạo nghề ở Việt Nam đang có những bước chuyển tích cực trong việc tiếp cận kỹ năng số. Tuy nhiên, để nói là bắt kịp hoàn toàn với yêu cầu của thị trường thì vẫn còn khoảng cách.
Nhiều cơ sở giáo dục vẫn loay hoay trong quá trình chuyển đổi, họ thiếu đồng bộ về hạ tầng, chương trình đào tạo và đội ngũ giảng dạy. Trong khi đó, công nghệ ngoài thị trường thay đổi rất nhanh, những yêu cầu hôm nay có thể lỗi thời chỉ sau vài tháng.
Từ thực tiễn triển khai các nền tảng chuyển đổi số và AI trong hàng ngàn trường học, chúng tôi nhận thấy 3 vấn đề cần cải thiện cấp bách. Thứ nhất, cập nhật chương trình đào tạo theo hướng số hóa, thực tiễn. Cụ thể như giáo trình cần tích hợp kỹ năng sử dụng nền tảng số, dữ liệu, AI… vào mọi ngành học. Người học cần được thực hành, tiếp cận môi trường số ngay từ trong trường.
Thứ hai, nâng cao năng lực số cho giáo viên. Giáo viên không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn là người dẫn dắt chuyển đổi. Nếu thiếu kỹ năng số và AI, việc truyền cảm hứng và hướng dẫn học sinh sẽ gặp nhiều hạn chế.
Cuối cùng là kết nối chặt chẽ với DN. Cần xây dựng hệ sinh thái đào tạo - công nghệ - việc làm, trong đó DN nên tham gia xây dựng chương trình, hỗ trợ học liệu số và cử chuyên gia giảng dạy để giúp người học sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thực tế.
.Ông có lời khuyên gì cho NLĐ, đặc biệt là lao động phổ thông, để họ không bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số?
- Lời khuyên đầu tiên tôi muốn gửi đến NLĐ, đặc biệt là lao động phổ thông, là đừng sợ công nghệ. Chuyển đổi số nghe có vẻ xa vời nhưng thực ra bắt đầu từ những việc rất gần gũi như sử dụng thành thạo điện thoại thông minh, làm quen với những ứng dụng cơ bản, biết đăng ký dịch vụ online, tham gia khóa học kỹ năng miễn phí trên mạng.
Bên cạnh đó, hãy chủ động học tập. Thông qua YouTube, ứng dụng học trực tuyến hay các lớp đào tạo cộng đồng... việc tiếp cận tri thức chưa bao giờ dễ dàng đến thế. Vấn đề là có sẵn sàng thay đổi hay không.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng kỹ năng số không phải là đặc quyền của người trẻ hay người làm trong ngành công nghệ. Ai cũng có thể học và bắt đầu từ những bước nhỏ, miễn là có quyết tâm.
Tháo gỡ điểm nghẽn
Ông Huỳnh Quốc Thắng nhấn mạnh muốn đào tạo kỹ năng số hiệu quả thì cần sự đồng hành của những đơn vị đủ năng lực công nghệ, hiểu sâu về giáo dục và có khả năng linh hoạt theo nhu cầu từng địa phương, từng ngành nghề.
Cũng theo tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ Giáo dục Bách Khoa, tập đoàn đồng hành với nhà trường và DN bằng cách cung cấp giải pháp công nghệ, phần mềm đào tạo, kho học liệu số, lớp học tích hợp AI, VR/AR Lab... nhằm tháo gỡ điểm nghẽn trong chuyển đổi số.