Tự trọng của quan chức

(NLĐO) - Đã đến lúc không nên dùng lý do "đúng quy trình" để biện hộ cho sự thiếu công tâm, thiếu tự trọng của lãnh đạo.

"Việc hoàn thiện quy trình hay luật pháp thường mất thời gian nên điều quan trọng là phải có quan chức tốt. Otto von Bismarck (1815-1898), nhà lãnh đạo nổi tiếng của Đức cuối thế kỷ 19, đã nói chí lý (đại khái): "Luật chưa hoàn hảo mà quan chức có lương tâm thì vẫn tốt hơn là có luật hoàn hảo mà quan chức không lương tâm".

Quan chức học đạo đức, lòng tự trọng, tinh thần trách nhiệm ở đâu và lúc nào? Về nhân sự sắp tới ở Đại hội Đảng lần thứ XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương có phát biểu "kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, không xứng đáng nhưng cũng không bỏ sót những cán bộ thật sự có đức, có tài, có uy tín". Không rõ làm sao chọn được những người có đức? Theo tôi, họ nên được chọn từ thời còn trẻ qua các kỳ thi tuyển nghiêm túc. Trong các kỳ thi, ngoài các môn thi về pháp luật, về chính trị, kinh tế, nên có các môn về giáo dưỡng, triết học, lịch sử. Họ phải học tập, đọc sách để có một hiểu biết nhất định về tư tưởng Đông phương, Tây phương, về tinh hoa của văn minh Việt Nam mới được chấp nhận thi đỗ vào các kỳ thi tuyển quan chức. Với trình độ giáo dưỡng đã thấm vào máu thịt, quan chức sẽ hành động có lương tâm, đầy lòng tự trọng và tinh thần trách nhiệm".

(Giáo sư TRẦN VĂN THỌ, giáo sư kinh tế tại Trường ĐH Waseda, Tokyo - Nhật Bản, thành viên của Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nêu quan điểm trên VNExpress ngày 14-8).