Trở về từ "địa ngục trần gian"

Thời khắc thiêng liêng và hạnh phúc nhất trong đời nữ cựu tù Côn Đảo Hoàng Thị Khánh là giây phút nhận được tin quân dân ta toàn thắng

… 5 giờ sáng 1-5-1975, giọng đọc thiết quân luật trang nghiêm của Thượng tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban Quân quản TP Sài Gòn - Gia Định, vang lên qua chiếc radio, phá tan không khí tịch mịch của phòng giam nhà tù Côn Đảo. 

Nghe tin chiến thắng, các tù nhân chính trị đồng loạt reo hò. Khi lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay ở Côn Đảo cũng là lúc bài ca "Giải phóng miền Nam" vang lên trong sự vui mừng lẫn niềm tiếc thương những người đã ngã xuống...

Trở về từ "địa ngục trần gian" - Ảnh 1.

Bà Hoàng Thị Khánh phát biểu giao lưu tại Hội thảo khoa học quốc gia “Đại thắng mùa xuân 1975 với kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam”, tổ chức ngày 20-4 ở TP HCM .Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Nửa thế kỷ đã lùi xa song mỗi khi hồi tưởng lại giây phút ấy, bà Hoàng Thị Khánh, Trưởng Ban Liên lạc Cựu tù chính trị và tù binh TP HCM, luôn bồi hồi xúc động.

***

Bà Hoàng Thị Khánh vẫn nhớ như in ký ức những năm chiến tranh, nhất là sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ngày ấy, bà là Đội trưởng Đội Võ trang tuyên truyền thuộc Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, hoạt động trong nội thành Sài Gòn.

Lúc thành lập, Đội Võ trang tuyên truyền chỉ có 4 người với một khẩu súng. Những cô gái trẻ măng, gan dạ với nhiều vỏ bọc khác nhau vừa tìm cách xây dựng lực lượng vừa thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chiến công của Quân giải phóng trên chiến trường miền Nam. Mỗi lần hành động, các cô đều tính toán thật kỹ, xuất hiện bất ngờ, thực hiện nhiệm vụ chỉ trong 5 phút rồi nhanh chóng trà trộn vào đám đông, thay trang phục và thoát ra ngoài.

Đội Võ trang tuyên truyền còn tham gia "diệt ác, phá kìm", lên phương án cảnh cáo hoặc tiêu diệt kẻ ác ôn, xây dựng "lõm chính trị" để có chỗ cho bên ta ém quân. "Chỉ với cách làm đơn giản là bất ngờ gửi phong thư với bài thơ, bài vè cảnh cáo kèm theo viên đạn đến tận nhà, chúng tôi đã khiến hàng chục sĩ quan, khóm trưởng, phường trưởng sợ mất mật, phải tháo chạy khỏi khu vực, tạo thuận lợi cho người dân vùng lên làm chủ và xây dựng vùng lõm chính trị" - bà Khánh khiêm tốn kể lại những ngày tháng căng não đấu trí với địch.

Giữa lúc Đội Võ trang tuyên truyền hoạt động sôi nổi nhất, lực lượng tăng lên gấp 3-4 lần thì đường dây bị lộ. Bà Khánh bị địch bắt khi đang treo cờ, treo biểu ngữ tuyên truyền vào năm 1969. Lúc ấy, bà vừa tròn 22 tuổi.

Hơn 10 ngày đêm sau khi lọt vào tay địch, bà Khánh bị tra tấn dã man, đứt cả gân chân. Đau đớn tận cùng nhưng bà không hề hé răng tiết lộ bất kỳ điều gì về tổ chức. Sau quá trình phản đối, không chịu ra tòa khiến địch không thể lập án, bà bị đưa đi giam giữ ở nhiều nhà tù khác nhau trước khi đày ra "địa ngục trần gian" Côn Đảo vào cuối năm 1969.

***

Hồi tưởng lại những ngày tháng bị đọa đày, bà Hoàng Thị Khánh cho biết: "Vừa xuống tàu ở Côn Đảo, tôi bị đưa thẳng xuống "chuồng cọp" nằm sâu trong lòng đất. Địch tra tấn chúng tôi rất man rợ, như: rút móng tay, móng chân; dùng dùi cui đánh vào đầu, mặt; rải vôi bột vào người rồi hắt nước gây bỏng khiến da nhiễm trùng, lở loét... Chúng làm mọi cách để gieo rắc nỗi khiếp sợ rồi đưa ra điều kiện dụ dỗ chúng tôi".

Trước những đòn tra khảo tàn bạo ấy, bà Khánh không chỉ kiên định lý tưởng mà còn cùng các nữ đồng chí tìm cách truyền lửa cách mạng ngay trong lòng địch, đấu tranh đòi quyền lợi cho tù nhân, giữ vững khí tiết người cộng sản.

Những ngày trước thời khắc 30-4-1975, tình hình căng thẳng đến cực điểm. Phát hiện địch gài mìn sau trại giam, đoán chúng có thể thủ tiêu tù chính trị trước khi đầu hàng hoặc tháo chạy, bà Khánh và các đồng chí của mình vẫn bình tĩnh. "Chúng tôi nghĩ nếu có chết thì cũng phải chết cho đàng hoàng nên mọi người đều ăn mặc chỉnh tề, chuẩn bị tổ chức Ngày Quốc tế Lao động tươm tất" - bà bình thản.

Kết cục xấu ấy đã không xảy ra, thay vào đó là tin vui toàn thắng. Khi ấy, cảm xúc vỡ òa, bà Khánh vừa hô vang "Mình thắng rồi! Mình sống rồi! Hồ Chí Minh muôn năm! Đảng Lao động Việt Nam muôn năm!" vừa khóc.

Đến ngày 7-5-1975, bà Khánh cùng các cựu tù chính trị lên tàu trở về Sài Gòn - khi ấy đang sục sôi khí thế chiến thắng, cờ hoa rợp trời.

***

Trở về từ ngục tối, người mang đầy thương tích nhưng bà Hoàng Thị Khánh vẫn tràn đầy nhiệt huyết. Bà tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới, được giao đảm đương nhiều cương vị. Trong quá trình miệt mài cống hiến ấy, bà có thời gian dài gắn bó với tổ chức Công đoàn, từng giữ vị trí Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM.

Xuất thân là công nhân nên bà Khánh có tình cảm đặc biệt với lực lượng tiên phong cách mạng này. Những năm đầu của thời kỳ đổi mới, công nhân phải làm việc hết sức vất vả trong điều kiện khắc nghiệt, nhất là người lao động tại các công ty công trình đô thị, vệ sinh, môi trường... Sau đó, các nhà đầu tư nước ngoài dần đặt chân đến TP HCM, mở nhà máy, xí nghiệp, tuyển công nhân.

Khi ấy, các quy định ràng buộc trách nhiệm giữa doanh nghiệp với người lao động còn sơ khai, kể cả Bộ Luật Lao động đầu tiên ra đời năm 1994 cũng rất đơn giản, chưa chặt chẽ như bây giờ. Điều này đã dẫn đến hàng loạt mâu thuẫn giữa giới chủ và người lao động, nhất là về thời gian làm việc kéo dài, trả lương làm thêm không thỏa đáng... Đa số công nhân lúc đó hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, dù bị giới chủ chèn ép song vì miếng cơm manh áo vẫn nhẫn nhịn.

Bà Khánh cùng Ban Chấp hành Liên hiệp Công đoàn TP HCM (nay là LĐLĐ TP HCM) vừa miệt mài đấu tranh đòi quyền lợi cho công nhân vừa phổ biến kiến thức pháp luật cho họ và đội ngũ cán bộ Công đoàn. Bà tâm sự: "Cán bộ Công đoàn khi ấy rất cực, họ làm việc hoàn toàn bằng cái tâm và uy tín".

Đến giờ, bà Hoàng Thị Khánh vẫn chưa quên những ngày cùng các cán bộ Công đoàn tìm mọi cách đòi 6 tháng tiền lương cho tập thể công nhân tại một doanh nghiệp nhà nước. Sau khi đạt được thỏa thuận thì doanh nghiệp lại rơi vào tình trạng khó khăn, cạn kiệt tài chính, bà đã đứng ra vay tiền ngân hàng giúp họ trả lương cho công nhân.

Suốt thời gian tham gia công tác Công đoàn, bà Khánh đã góp phần xây dựng nhiều chính sách phù hợp để hỗ trợ công nhân về nhà ở, đào tạo nghề; thực hiện chế độ phụ cấp cho cán bộ Công đoàn cơ sở… Kể cả sau khi nghỉ hưu, bà vẫn tiếp tục đóng góp nhiều ý kiến thiết thực để xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn vững mạnh. 

Truyền lửa cho thế hệ trẻ

Nghỉ hưu khi 61 tuổi, với tinh thần tận hiến, bà Hoàng Thị Khánh vẫn tiếp tục làm việc tại Ban Liên lạc Cựu tù chính trị và tù binh TP HCM.

Hằng ngày, trong căn phòng nhỏ nép sau khu làm việc của CLB Hưu trí TP HCM trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 1, bà Khánh tất bật vận động, tìm nguồn kinh phí chăm lo cho cựu tù có hoàn cảnh khó khăn; hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, liên hệ cơ quan chức năng giải quyết chế độ, chính sách cho cựu tù chính trị, tù binh; triển khai xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương...

Trở về từ "địa ngục trần gian" - Ảnh 2.

Bà Hoàng Thị Khánh tất bật chuẩn bị cho chuyến trở lại thăm nhà tù Côn Đảo.Ảnh: THANH NGA

Giữa những ngày tháng 4 lịch sử này, bà Khánh chộn rộn chuẩn bị cho hành trình trở lại Côn Đảo. Từ năm 1977, năm nào bà cũng quay lại thăm "địa ngụ trần gian" một thời này nhằm thắp hương tưởng nhớ đồng đội, đồng chí đang yên nghỉ ở đây. Không chỉ Côn Đảo, bà còn thường tổ chức các chương trình về nguồn, đưa đồng đội về thăm lại chiến trường xưa, trở lại những nơi từng giam giữ cựu tù chính trị.

Bà Khánh cùng Ban Liên lạc Cựu tù chính trị và tù binh TP HCM gây dựng mạng lưới, kết nối cựu tù chính trị, tù binh rộng khắp các địa phương. Ban liên lạc đã quy tụ, tập hợp được trên 98% cựu tù chính trị, tù binh; phát động Quỹ Nghĩa tình đồng đội nhằm hỗ trợ hội viên khó khăn; xây dựng nhà ở, trao tặng học bổng... Ban liên lạc còn tập hợp tài liệu, sách báo về lịch sử hoạt động, đấu tranh của cựu tù chính trị, tù binh để truyền lửa cách mạng cho thế hệ trẻ.

Trong đại dịch COVID-19, bà Khánh cũng lao vào hỗ trợ, giúp đỡ người dân, nhất là trẻ em. Với trẻ có cha, mẹ qua đời do dịch, bà cùng Ban Liên lạc Cựu tù chính trị và tù binh TP HCM vận động nhiều nguồn để nuôi dưỡng, hỗ trợ học bổng...

Những hoạt động đầy ý nghĩa của người nữ cựu tù Côn Đảo này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, dù bà đã ở tuổi 78. "Sức còn tới đâu thì tôi sẽ cống hiến tới đó, hỗ trợ nhiều hơn cho đồng chí, đồng đội và cộng đồng" - bà Khánh bày tỏ.