Trồng rau ở sa mạc bằng… sương
Thiết bị thu sương được đặt trên cao để tận dụng các dải sương mù ổn định của khu vực.
Alto Hospicio, thành phố nằm trong sa mạc Atacama ở miền Bắc Chile, là một trong những nơi khô hạn nhất trái đất. Tuy vậy, dân số khoảng 140.000 người tại đây vẫn không ngừng tăng, gây áp lực ngày càng lớn lên các tầng nước ngầm gần đó, vốn đã không được bổ sung nước mưa trong suốt 10.000 năm qua.
Giờ đây, theo một nghiên cứu mới của Trường ĐH Mayor (Chile), Alto Hospicio cũng như nhiều thành phố ven biển khác có thể tận dụng một nguồn tài nguyên nước chưa được khai thác: Sương mù. Nghiên cứu này cho thấy nếu lắp đặt các thiết bị thu sương - những tấm lưới mịn căng giữa hai cột - trên các ngọn núi quanh Alto Hospicio, có thể thu được trung bình 2,5 lít nước trên mỗi mét vuông lưới mỗi ngày. Chỉ cần đặt một thiết bị thu sương lớn (diện tích khoảng 40 m²), có giá từ 1.000-4.500 USD, gần Alto Hospicio là có thể thu được khoảng 36.500 lít nước mỗi năm mà không cần sử dụng điện - theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Frontiers in Environmental Science hồi tháng 2 năm nay.
Thiết bị thu sương được đặt trên cao để tận dụng các dải sương mù ổn định của khu vực. Những giọt nước li ti trong sương sẽ va vào lưới, ngưng tụ rồi chảy xuống qua các đường ống vào bể chứa. "Bơm nước từ dưới lòng đất cần rất nhiều năng lượng. Từ góc độ đó, đây là một công nghệ rất rẻ" - bà Virginia Carter Gamberini, nhà địa lý học tại Trường ĐH Mayor kiêm đồng tác giả của nghiên cứu, chỉ ra.

Khu trồng rau thí nghiệm ở sa mạc Atacama, sử dụng nguồn nước thu được từ sương mù Ảnh: HORTICULTURAE
Đây là một ý tưởng đơn giản và đã được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm các cộng đồng ở Nam Mỹ, châu Phi và châu Á. Ngay cả ở Mỹ, nơi nước tương đối rẻ, một số người làm vườn cũng đang thử nghiệm thiết bị thu sương. Ông Peter Weiss, nhà hóa học khí quyển tại Đại học California, Santa Cruz, đã lắp đặt thiết bị ở Pacifica, gần San Francisco. Vào mùa hè, sương mù có thể cung cấp đủ nước cho cây trồng quanh nhà mà không cần tưới từ vòi. Dự án tiếp theo của ông Weiss là đưa công nghệ này đến các vườn nho ở California để tìm ra cách sản xuất rượu vang bền vững hơn, ít tiêu tốn nước hơn. Dẫu vậy, quy mô của phương pháp này còn nhỏ hẹp so với các phương pháp khác như khai thác nước ngầm.
Tuy nhiên, khi biến đổi khí hậu khiến hạn hán trở nên dữ dội hơn, những cộng đồng thiếu nước sẽ nhận ra tính kinh tế của việc thu sương bắt đầu hợp lý.
Ngoài mục đích dùng làm nước uống, sương mù còn có thể dùng cho nông nghiệp thủy canh, giúp Alto Hospicio và các cộng đồng khô hạn khác tự bảo đảm lương thực. Để tìm hiểu kỹ về thành phần hóa học của sương mù và ảnh hưởng của nó đến chất lượng rau trồng, một loạt thí nghiệm đã được thực hiện tại Chañaral, một thị trấn nhỏ nằm trong sa mạc Atacama. Kết quả cho thấy nước sương mù có chất lượng tốt cho canh tác không đất, với hàm lượng kim loại nặng tích lũy trong cây thấp hơn mức khuyến cáo của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Bà Gamberini đang nghiên cứu thêm tại các khu vực khác ở Atacama để mở rộng mô hình trồng cà chua, xà lách và rau quả bằng nước sương mù kết hợp ánh nắng dồi dào của sa mạc.