Trục lợi bảo hiểm thất nghiệp

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chức năng là giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn trục lợi bảo hiểm thất nghiệp

Theo nhận định của cơ quan chức năng, hành vi trục lợi chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng. Đối tượng trục lợi không chỉ là người lao động (NLĐ) mà cả người sử dụng lao động (NSDLĐ).

Thỏa thuận ngầm

"Khi phỏng vấn tuyển dụng, NLĐ đề nghị với công ty sau khi kết thúc thời gian thử việc sẽ tạm hoãn việc ký hợp đồng lao động, không đóng BHXH, BHYT, BHTN cho đến khi họ hưởng hết số tháng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) được duyệt. Công ty đã đồng ý với đề nghị này nhưng sau đó do cán bộ phụ trách BHXH sơ suất đã báo tăng BHXH cho NLĐ theo quy trình. Khi NLĐ phát hiện thì đã quá thời hạn làm thủ tục ngừng nhận TCTN, dẫn đến việc mất số tháng hưởng TCTN còn lại. NLĐ nói đây là lỗi của công ty, họ yêu cầu chúng tôi làm hồ sơ báo giảm BHXH, gia hạn thời gian thử việc để khôi phục việc nhận TCTN" - đây là tình huống được một doanh nghiệp (DN) tại TP HCM nêu mới đây trên một diễn đàn mạng, thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Kịch bản nêu trên là điển hình của việc DN "tiếp tay" cho NLĐ để trục lợi TCTN. Theo BHXH Việt Nam, từ năm 2024 đến hết tháng 4-2025, khi thực hiện thanh tra tại gần 23.000 đơn vị, cơ quan BHXH đã truy thu tiền đóng của khoảng 17.500 lao động thuộc nhóm phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN, song chưa đóng với số tiền trên 130 tỉ đồng; truy thu hơn 127 tỉ đồng đóng thiếu của gần 39.000 lao động. Riêng năm 2024, cơ quan BHXH đã yêu cầu thu hồi về quỹ BHTN số tiền hơn 980 triệu đồng do NLĐ hưởng TCTN không đúng quy định.

Bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hà Nội, cho biết từ đầu năm đến nay, trung tâm đã ban hành quyết định thu hồi hưởng TCTN sai quy định của 1.005 NLĐ, chủ yếu là người đang hưởng TCTN có việc làm nhưng không khai báo, dẫn đến việc đóng trùng BHXH, BHYT, BHTN.

Theo bà Liễu, trung tâm xử lý hồ sơ hưởng TCTN chủ yếu dựa vào sự trung thực của NLĐ. Hồ sơ hợp lệ, trung tâm vẫn giải quyết, sau đó phát hiện sai phạm thì thực hiện thu hồi theo quy định. "Tuy nhiên, thực tế việc thu hồi TCTN rất khó khăn do NLĐ chuyển sang làm công việc tự do, thay đổi địa chỉ, số điện thoại, không hợp tác hoặc không có khả năng tài chính để hoàn trả" - bà Liễu nói.

Ông Trần Tuấn Tú, Trưởng Phòng BHTN - Cục Việc làm (Bộ Nội vụ), cho biết qua rà soát các trường hợp hưởng TCTN không đúng quy định cho thấy đa số lỗi thuộc về NLĐ khi họ thuộc diện không đủ điều kiện hưởng hoặc đã có việc làm nhưng không khai báo để tiếp tục nhận TCTN. Phía NSDLĐ thì "tiếp tay", tạo điều kiện để NLĐ làm sai lệch hồ sơ ban đầu (kéo dài thời gian thử việc, không ký hợp đồng lao động để NLĐ tiếp tục hưởng TCTN…).

Bên cạnh đó, còn có tình trạng trục lợi chế độ hỗ trợ đào tạo nghề cho NLĐ thất nghiệp, thể hiện ở việc NLĐ không tham gia đào tạo nhưng một số cơ sở đào tạo nghề vẫn lập khống danh sách để được quyết toán chi phí đào tạo... "Công cụ quản lý hiện nay chưa thể kiểm soát được tình trạng NLĐ có việc làm nên không thể kịp thời phát hiện được những trường hợp thuộc diện phải chấm dứt hưởng chế độ BHTN" - ông Tú nhấn mạnh.

Trục lợi bảo hiểm thất nghiệp - Ảnh 1.

Hàng trăm lao động tại Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Vinh Thông (TP HCM) thiệt thòi quyền lợi vì doanh nghiệp nợ bảo hiểm thất nghiệp

Đồng bộ giải pháp ngăn chặn

Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động - Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhận định các hành vi gian lận, trục lợi TCTN không chỉ gây thất thoát quỹ BHTN, mất bình đẳng trong việc đóng - hưởng giữa những người tham gia mà còn khiến NLĐ bị ảnh hưởng quyền lợi về sau và tác động xấu đến chính sách an sinh xã hội của nhà nước.

Để hạn chế các sai phạm đến từ NLĐ (do thiếu tính tự giác, thiếu hiểu biết về quy định pháp luật, do chủ quan), cần đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về đóng, hưởng và các chế tài liên quan đến BHTN. Bên cạnh đó, ngoài chế tài đối với NLĐ, cần xem xét phạt nặng NSDLĐ nếu có hành vi tiếp tay, dung túng cho sai phạm của NLĐ. Đồng thời, nên áp dụng cơ chế khai báo mở, bất kỳ ai phát hiện hành vi vi phạm về đóng - hưởng BHTN của NLĐ, NSDLĐ đều có thể thông báo với cơ quan chức năng để xử lý kịp thời mà không cần chờ đến khi thanh tra, kiểm tra mới phát hiện.

Bà Vũ Thị Thanh Liễu cho rằng khi nghỉ việc, NLĐ thường chỉ nghĩ đến hưởng TCTN mà không quan tâm đến chính sách cốt lõi của BHTN là hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí, giúp họ nâng cao trình độ, chuyển đổi nghề nghiệp… Mặt khác, khi đang hưởng TCTN có việc làm mới mà không khai báo thì nếu bị phát hiện, NLĐ phải hoàn trả toàn bộ số tiền đã nhận, bị xử lý hành chính, không được bảo lưu thời gian đóng BHTN để tính hưởng các chế độ liên quan. 

"Do vậy, NLĐ cần khai báo khi đã có việc làm để bảo đảm quyền lợi của bản thân. Đồng thời, cần có cơ chế buộc NSDLĐ phải thông báo cho trung tâm dịch vụ việc làm về tình trạng có việc làm của NLĐ để kịp thời ngăn chặn hành vi trục lợi BHTN" - bà Liễu đề xuất.

Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Trần Tuấn Tú cho hay nhằm hạn chế tình trạng trên, Luật Việc làm 2025 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2026) đã tăng cường các chế tài xử phạt đối với các hành vi gian lận, trốn đóng, chậm đóng BHTN như tính lãi, xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự, đồng thời bổ sung quy định trường hợp NSDLĐ không đóng đủ BHTN cho NLĐ thì phải trả khoản tiền tương ứng với các chế độ BHTN mà NLĐ được hưởng theo quy định của pháp luật.

Cùng với việc tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật, ông Tú cho rằng thời gian tới cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chức năng để kiểm soát, ngăn chặn sớm hành vi gian lận, trục lợi BHTN. Ngoài ra, nên tăng cường quy chế phối hợp giữa trung ương và địa phương, giữa các đơn vị chức năng nhằm kiểm soát quy trình nộp hồ sơ hưởng BHTN ngay từ khi NLĐ bắt đầu đăng ký. 

Bà Hồ Thị Kim Ngân kiến nghị đối với trường hợp DN không đóng đầy đủ BHTN gây thiệt thòi quyền lợi cho NLĐ đã được tòa án xác định rõ thì trong bản án tòa nên ghi rõ nội dung buộc NSDLĐ có trách nhiệm giải quyết tất cả quyền lợi có liên quan mà NLĐ đáng được hưởng để bảo đảm quyền lợi cho họ.