2007: Sẽ đưa 80.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài

Năm 2006 đang khép lại với nhiều kết quả đáng ghi nhận trong hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ). PV Tiền phong có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH).

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết: Về số lượng, Quốc hội đặt ra chỉ tiêu cho năm 2006 là đưa 75.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Tổng kết năm 2006, chúng ta đã đưa được 78.855 người đi làm việc ở nước ngoài, vượt 5% so với chỉ tiêu đề ra từ đầu năm.

Malaysia vẫn là thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam nhiều nhất với 37.941 lao động. Đài Loan xếp thứ hai với 14.127 lao động; Hàn Quốc xếp thứ 3 với 10.577 lao động; Nhật Bản 5.360 lao động.

Riêng về thị trường Malaysia có thể nói đây là thị trường ổn định, nhu cầu tiếp nhận cũng tăng cao hơn so với năm 2005. Malaysia hiện vẫn đang có nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam.

Đối với thị trường Đài Loan, vì lao động giúp việc gia đình bị dừng nên chúng ta đã tăng cường đưa lao động đi làm việc trong các nhà máy, công xưởng. Do đó, số lượng lao động đưa đi trong năm 2006 vẫn rất lớn.

Điểm đáng lưu ý với Đài Loan là trước đây khi chưa dừng tiếp nhận lao động trong lĩnh vực giúp việc gia đình, tỷ lệ nữ sang Đài Loan rất cao (chiếm hơn 70%); nay, tỷ lệ đó đã giảm và tiến tới cân bằng giữa nam và nữ.

Trong số 14.127 lao động đưa sang Đài Loan, lao động nữ chỉ chiếm hơn 50%; số còn lại là lao động nam…

. Trong năm 2007, chúng ta sẽ mở rộng thêm những thị trường mới nào, thưa ông?

- Trong năm 2007, chúng ta tiếp tục thúc đẩy việc mở rộng một số thị trường đang trong giai

img
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước

đoạn thí điểm như: Canada, Ma Cao (Trung Quốc), Úc. Muốn mở rộng các thị trường này cần phải có sự chỉ đạo bài bản; từ đó đưa ra kế hoạch cụ thể để mở rộng các thị trường này.

Từ việc chọn ra những hợp đồng chuẩn để thực hiện, nếu đạt kết quả tốt trên cơ sở những kinh nghiệm đó chúng ta sẽ rút ra được những kinh nghiệm để tự điều chỉnh và phổ biến rộng rãi các kinh nghiệm đó cho doanh nghiệp và người lao động được biết.

Nếu Việt Nam có nguồn lao động đáp ứng được các yêu cầu cao của những thị trường đang thí điểm sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp và người lao động.

Vấn đề đặt ra là chúng ta có đủ nguồn lao động này hay không. Để có nguồn lao động có trình độ tiếng Anh và tay nghề cao, công tác đào tạo phải được đặt lên hàng đầu.

Đối với Úc và Canada vì Việt Nam chưa có thỏa thuận công nhận về bằng cấp nên các văn bằng, chứng chỉ nghề trong nước sẽ không được họ công nhận.

Muốn được công nhận, cần phải phối hợp với họ để đào tạo nghề. Vì không có chứng chỉ nghề do họ công nhận thì người lao động sẽ không được cấp visa đi sang các nước này.

. Hiện nay, lợi dụng việc thí điểm thị trường mới Ma Cao (Trung Quốc), thời gian qua nhiều lao động đã bị một số cá nhân tổ chức lừa đảo, theo ông cần phải làm gì để ngăn chặn tình trạng này?

Người lao động có nhu cầu đi Ma Cao cần phải liên hệ với các Cty có giấy phép XKLĐ, không được liên hệ với các Cty không có giấy phép lao động hoặc thông qua các cá nhân cò mồi, môi giới. Nếu người lao động do cá nhân đưa đi thì rất dễ bị rủi ro và chắc chắn sẽ phải về nước.

Trường hợp nếu người lao động muốn thông qua các Cty (có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài) mà có nghi vấn thì phải tìm hiểu xem Cty đó có được tuyển người lao động đi sang thị trường đó hay không. Nếu người lao động tìm hiểu kỹ thì sẽ hạn chế rủi ro xảy ra với mình.

. Thưa ông, trong năm 2007, chỉ tiêu đặt ra sẽ đưa bao nhiêu lao động đi làm việc ở nước ngoài?

Với kết quả đạt được trong năm 2006, cộng với xu hướng mở rộng một số thị trường tiềm năng, thị trường mới; trong năm 2007, kế hoạch đặt ra là sẽ đưa 80.000 lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài.