Bạn muốn trở thành kỹ sư vỏ tàu?
NGHỀ CẦN NGƯỜI.- ĐếN NĂM 2010 Sẽ XÂY THÊM 50 cơ sở công nghiệp đóng tàu, cần hàng ngàn kỹ sư vỏ tàu
Theo Khoa Đóng tàu thủy và Công trình nổi Trường ĐH Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, hiện nay khoa đang tiếp nhận rất nhiều nhu cầu đặt hàng kỹ sư thiết kế và đóng thân tàu thủy của các đơn vị, như Nhà máy Đóng tàu Hyundai Vinashin, Nhà máy Đóng tàu 76, Công ty Tư vấn - Thiết kế công nghiệp GTVT... Nhu cầu nhiều nhưng hiện trường chỉ mới đáp ứng nhu cầu rất nhỏ. Những sinh viên khóa đầu tiên vừa tốt nghiệp đã có việc làm ngay. Hiện tổng số sinh viên ở trường đang theo học ngành này chỉ có 270. “Nhu cầu phát triển ngành đóng tàu theo mục tiêu mà Chính phủ đề ra từ nay đến năm 2010 là đóng tàu trong nước và xuất khẩu đạt giá trị 500 triệu USD, sẽ cần đến hàng ngàn kỹ sư” - ông Lê Hồng Quang, Phó Giám đốc Công ty Công nghiệp Tàu thủy Sài Gòn, cho biết.
Phần lớn thời gian dành cho thực tập
Thạc sĩ Vũ Ngọc Bích, Trưởng Khoa Đóng tàu và Công trình nổi Trường ĐH GTVT TPHCM, cho biết: Để theo học ngành này, học sinh cần thi vào theo khối A (toán, lý, hóa). Thời gian học là 4 năm rưỡi, trong đó dành phần lớn thời gian cho thực tập. Ngay năm thứ nhất, sinh viên sẽ trải qua 4-6 tuần thực tập ở xưởng trường để học về gò, hàn, nguội, rèn. Hết năm thứ ba, sinh viên sẽ thực tập tại các nhà máy trong 8 tuần, làm những công việc như một công nhân. Hết năm thứ tư là thời gian thực tập tốt nghiệp trong 10 tuần. Các sinh viên sẽ được phân về những phòng, ban như: phòng kế hoạch - vật tư, phòng thiết kế, phòng kiểm tra chất lượng sản phẩm, phòng công nghệ... tập làm cán bộ kỹ thuật. Cuối cùng là thời gian làm đề tài tốt nghiệp trong 12 tuần.
Kỹ sư vỏ tàu cần phẩm chất gì?
Ông Lê Hồng Quang cho biết thêm: Kỹ sư thiết kế và đóng thân tàu thủy còn được gọi là kỹ sư vỏ tàu. Tại đơn vị đóng tàu, kỹ sư vỏ tàu có thể đảm trách công việc ở phòng thiết kế, phòng kế hoạch kinh doanh hoặc phòng kiểm tra chất lượng sản phẩm. Yêu cầu chung đòi hỏi kỹ sư vỏ tàu là có sức khỏe tốt, chuyên môn vững vàng, óc tư duy tốt và tính tỉ mỉ, cẩn thận. Công việc ở phòng thiết kế đòi hỏi thêm sự kiên trì, khả năng thẩm định, tính toán, thiết kế giỏi. Phòng kế hoạch kinh doanh yêu cầu kỹ sư khả năng giao tiếp tốt, linh hoạt, năng động. Đặc biệt, khâu kiểm tra chất lượng sản phẩm đòi hỏi kỹ sư phải thật vững chuyên môn và có sức khỏe thật tốt để theo sát tiến độ thực hiện, quá trình thi công, trực tiếp chỉ đạo kỹ thuật và giám sát chất lượng. Có khả năng để tìm ra được những khiếm khuyết dù nhỏ nhất.
Nhu cầu gia tăng
Ông Trịnh Kim Mạnh, Phó Giám đốc Nhà máy Đóng tàu 76, bức xúc: Hiện chúng tôi vẫn đang cần tuyển thêm khoảng 10 kỹ sư vỏ tàu, lương khởi điểm 1,2 triệu đồng/tháng. Sắp tới, dự án phát triển nhà máy ở Nhơn Trạch, chúng tôi sẽ cần thêm nhiều kỹ sư vỏ tàu. Theo ông Lê Hồng Quang, hiện có hơn 20 nhà máy, từ nay đến các năm sau, mỗi nhà máy sẽ cần bổ sung khoảng 20 kỹ sư/năm. Hơn nữa, một số tỉnh như Cần Thơ, Cà Mau cũng đang chuẩn bị xây dựng nhà máy đóng tàu cùng một loạt các công ty đóng tàu tư nhân, liên doanh khác, nhu cầu kỹ sư vỏ tàu những năm tới sẽ rất lớn.
Ngoài làm việc ở nhà máy đóng tàu, kỹ sư vỏ tàu còn có thể làm việc tại nhiều đơn vị liên quan khác như: công ty đăng kiểm, công ty tư vấn thiết kế tàu, các công ty vận tải sông, biển, các đơn vị quản lý đường sông...
50 cơ sở công nghiệp đóng tàu sẽ được xây dựng Đến năm 2010, mạng lưới công nghiệp tàu thủy Việt Nam sẽ có 36 nhà máy đóng và sửa chữa tàu, 6 cơ sở công nghiệp và 8 nhà máy đóng, sửa chữa tàu quân đội. Chính phủ đã và đang đầu tư xây dựng các khu công nghiệp phụ trợ: KCN tàu thủy Cái Lân với các chức năng sản xuất thép tấm đóng tàu, thép cường độ cao, đúc sản phẩm gang cầu. KCN An Hồng (Hải Phòng) lắp ráp động cơ diesel, chế tạo một số thiết bị chuyên dùng trong công nghiệp đóng tàu. (Nguồn: Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tàu thủy đến 2010 của Chính phủ) |