Cân nhắc khi chọn Ả Rập Saudi

Phong tục tập quán, thời tiết ở Ả Rập Saudi khắc nghiệt, nhưng ngại nhất là thủ tục visa rắc rối

Theo Hiệp hội XKLĐ VN, Ả Rập Saudi sẽ là thị trường mà VN đẩy mạnh số lượng đưa lao động sang làm việc trong năm 2007. Bộ LĐ-TB-XH cũng vừa có kế hoạch cho phương án mở rộng thị trường này. Người lao động (NLĐ) có nguyện vọng sang Ả Rập Saudi làm việc, rất cần nắm bắt một số thông tin dưới đây:

Làm công việc gì?

Thông thường, NLĐ sẽ được các doanh nghiệp (DN) phái cử tuyển chọn và ký hợp đồng với Hội đồng Tuyển dụng quốc gia Ả Rập Saudi (SANARCOM) để đưa lao động sang. Theo SANARCOM, mỗi năm, Ả Rập Saudi có khả năng tiếp nhận 10.000 lao động VN. Lĩnh vực tuyển dụng chủ yếu là lao động ngành xây dựng, sản xuất, lao động nữ giúp việc nhà.

Lương bao nhiêu?

Ả Rập Saudi cũng như nhiều quốc gia Trung Đông khác không có quy định tiền lương tối thiểu, tạm tính theo mức bình quân không thấp hơn 930 SR/tháng - đơn vị tiền tệ của Ả Rập Saudi (tương đương 250 USD) đối với lao động có nghề; 600 SR/tháng (160 USD) đối với lao động không nghề và nữ giúp việc gia đình. Ngoài ra, NLĐ còn được trợ cấp tiền ăn tối thiểu 260 SR/tháng (70 USD), tiền làm thêm giờ, cùng các chế độ phúc lợi khác, kể cả được bố trí chỗ ở miễn phí... Tính ra, thu nhập thực tế của lao động ở Ả Rập Saudi khoảng 4 – 6 triệu đồng/tháng.

Chi phí bao nhiêu?

Chủ sử dụng lao động chịu các chi phí xin visa nhập cảnh, giấy phép cư trú, thẻ lao động, khám lại sức khỏe sau khi nhập cảnh, vé máy bay về sau khi hoàn thành hợp đồng. Tổng chi phí mà NLĐ nộp trước khi đi bình quân khoảng 1.300 – 1.500 USD/người. Trong số này, chi phí theo quy định mới của VN ở Ả Rập Saudi là 500 USD đối với lao động có nghề, 400 USD đối với lao động không nghề. Nữ giúp việc nhà không phải đóng phí môi giới.

Thời hạn visa bao lâu?

NLĐ phải có visa làm việc – gọi là visa Iqama (giấy phép cư trú). Thời hạn visa Iqama 2 năm, có thể được cấp mới. Sau khi có visa Iqama, NLĐ phải có visa xuất cảnh và tái nhập cảnh. Visa nhập cảnh và tái nhập cảnh được đóng dấu vào hộ chiếu có thời hạn 2 tháng. Quá thời hạn này, nếu lao động không vào hoặc xuất cảnh sẽ bị phạt tiền từ 1.000 – 3.000 SR (khoảng 260 – 800 USD). Lưu ý thêm là nếu hộ chiếu không còn thời hạn trong 6 tháng, vượt quá thời hạn visa, sẽ không được cấp visa.

Những điều nên tránh

Ả Rập Saudi là một quốc gia đạo Hồi, phong tục tập quán khác biệt với VN và rất khắt khe. NLĐ cần “nhập gia tùy tục”, lưu ý một số điều sau:

- Không được mang thức uống có cồn và bất cứ sản phẩm nào chứa cồn.

- Không được phép làm một công việc khác khi không được sự đồng ý của chủ sử dụng. Vi phạm luật lệ này sẽ bị phạt và trục xuất về nước.

- Về ăn mặc, ở nơi công cộng, nơi mua sắm, ăn uống, nhà hàng, không được phép mặc quần áo ngắn. Nam giới phải mặc quần dài và không được phép đeo dây chuyền ở nơi công cộng.

- Tuyệt đối không chọc ghẹo phụ nữ.

Rắc rối nhất là thủ tục visa

Điều khiến nhiều DN và NLĐ ngại ký hợp đồng hoặc đăng ký sang Ả Rập Saudi là do phong tục tập quán khác biệt cùng với thời tiết khắc nghiệt (mùa hè nóng 40oC - 50oC, mùa đông có nơi xuống thấp 0oC). Tuy nhiên, nhiều DN XKLĐ cho biết cả hai lý do này không đáng ngại bằng những rắc rối, khó khăn trong việc làm thủ tục visa cho NLĐ. Việc xin visa phải thực hiện tại Đại sứ quán Ả Rập Saudi tại Thái Lan, trong khi thủ tục hồ sơ rất rườm rà. Điều này khiến một số DN ngại tuyển chọn lao động sang Ả Rập Saudi.