Chuyện về “nữ hoàng nấm”

Danh hiệu ấy được “phong” cho chị Trần Lê Thu Thảo, Giám đốc Công ty Cổ phần DONA - một doanh nghiệp hàng đầu về xuất khẩu nấm

Tôi gặp chị Trần Lê Thu Thảo vào một buổi chiều trong tháng Vu lan. Dù trước đó đã nghe về chị nhưng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy “nữ hoàng nấm” là một phụ nữ còn rất trẻ nhưng đã sớm được bà con nông dân và tiểu thương ở các chợ tặng cho danh hiệu này.

 
Từ ước mơ thuở nhỏ
 
Chị khoe: “DONA vừa xuất sang thị trường Mỹ 6 container sản phẩm gia vị nấm bào ngư ”. Để xuất được những lô hàng đầu tiên khai thông thị trường Mỹ, chị đã phải tốn khá nhiều công sức và chờ đợi rất lâu mới có được giấy chứng nhận của Cơ quan Quản lý về thuốc và thực phẩm an toàn (FDA) của Mỹ. 
 
“Hồi còn nhỏ, cứ đến mùng một hay ngày rằm, mẹ tôi thường nấu những món chay từ nấm rất ngon. Mẹ bảo nấm là một món ăn ngon và bổ dưỡng, rất đắt và quý hiếm. Từ khi ấy, tôi ước mơ đến một lúc nào đó trồng và phát triển những cây nấm để bán với giá rẻ sao cho có nhiều người dùng hơn.
 
Từ đó, chị đã bỏ nhiều thời gian tìm tài liệu nghiên cứu, đi gõ cửa những nhà khoa học để học hỏi thêm kinh nghiệm nuôi trồng, điều trị bệnh cho nấm và tìm cách mang công nghệ cấy phôi nấm của Nhật Bản về Việt Nam.
 
Chi phí thấp, lợi nhuận cao
 
Thu Thảo cho biết mô hình trồng nấm chi phí ít nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trồng nấm có lợi nhuận cao gấp 20 lần trồng lúa, lại ít vất vả, chỉ cần biết cách chăm sóc và thu hoạch. Đặc biệt, cây nấm có tính dược thảo. Với nấm, con người có thể kết hợp ăn uống và chữa bệnh.
 
Không những cung cấp hàng chục phôi giống các loại như nấm bào ngư, linh chi, hoàng chi, hắc chi, hầu thủ, đùi gà, trân châu, nấm ngọc, kim châm..., công ty của chị còn cung cấp cả cây ăn trái như bưởi da xanh, mận không hạt đến các con giống như nhím, ba ba, trùn quế, heo rừng lai...  Đặc biệt, công ty còn bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
 
 
img
GS-TS Võ Tòng Xuân và Giám đốc Công ty Cổ phần DONA Trần Lê Thu Thảo kiểm tra các giống nấm tại DONA. Ảnh: Thảo Lê


Theo chị Thu Thảo, vốn đầu tư cho việc trồng nấm tùy thuộc vào quy mô của trại nấm. Ví dụ như một trại nấm có diện tích 100 m2 thì vốn đầu tư trên 30  triệu đồng, thu hoạch được 3.500 kg, doanh thu mỗi đợt thu hoạch là 49 triệu đồng, lợi nhuận thu được vào khoảng 19 triệu đồng, ngoài ra còn tận dụng được phế phẩm của những bịch phôi nấm để nuôi heo rừng lai, cá, nhím, trùn quế, rồi dùng trùn quế nuôi gà, trồng rau mầm... thu được hiệu quả kinh tế cao.
 
Nấm sau thu hoạch được DONA thu mua và chế biến qua dây chuyền công nghệ của Nhật thành các mặt hàng thực phẩm rất thích hợp dùng cho các gia đình và những người ăn chay, như: nước tương nấm, chao nấm, hạt nêm nấm, mì nấm, xúp nấm, dược tửu linh chi, dược thảo linh chi... và 9 loại thực phẩm chức năng từ nấm như nấm linh chi, hỗ trợ điều trị đau nhức, cai nghiện thuốc lá, ma túy, bệnh tiểu đường, điều trị ung thư gan, phòng chống và kiềm chế quá trình phát triển của ung thư ngực...
 
Tiềm năng lớn
 
Thương hiệu nấm DONA đã tạo được chỗ đứng tại thị trường thực phẩm Việt Nam. Sản phẩm chế biến từ cây nấm của DONA đã vượt ra khỏi biên giới đến với các nước như Nhật, Mỹ và khu vực Trung  Đông, châu Phi... Dù vậy, tiềm năng của cây nấm Việt vẫn còn rất lớn nhưng chưa được khai thác. “Thiên nhiên của Việt Nam rất phong phú và đa dạng.
 
Theo khảo sát của Trung tâm Hạt nhân TPHCM, chỉ riêng Vườn Quốc gia Cát Tiên đã có trên 450 loài nấm thực phẩm và dược phẩm có giá trị. Phần lớn các loài nấm quý hiếm đó có thể sinh trưởng và phát triển tốt tại các tỉnh Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu...
 

DONA ngày càng lớn mạnh

Năm 2000, trại nấm DONA tại huyện Củ Chi - TPHCM hình thành và đi vào hoạt động và đến nay là Công ty Cổ phần DONA - vốn ban đầu 3 tỉ đồng, nay đã tăng hơn 10 lần. Hiện DONA đã có 46 trại nuôi trồng nấm tại Củ Chi và rất nhiều chi nhánh, đại lý ở các tỉnh, thành như Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Cần Thơ..., ở miền Trung và miền Bắc.

Bên cạnh đó, theo thống kê của ngành nông nghiệp, tổng sản lượng lương thực (quy lúa) của nước ta khoảng 40 triệu tấn lúa/năm và lượng phụ phẩm (rơm, rạ) cũng tương đương. Nếu kể thêm các loại phế phẩm khác từ mạt cưa, xác cà phê, điều, mía đường... Đây là nguồn nguyên liệu phong phú để nuôi trồng nấm” - chị Thu Thảo cho biết.
 
PGS-TS Lê Xuân Thám, Phó Giám đốc Trung tâm Hạt nhân TPHCM, nói: “Về lý thuyết, cứ 1 tấn nguyên liệu cơ chất sẽ tạo ra được lượng nấm tương đương. Chỉ cần tận dụng 10% của khoảng 60 tấn phế liệu/năm cũng đã tạo ra được khoảng 6 tấn nấm/năm. Với giá xuất tạm tính 3 USD/kg nấm bào ngư tươi, chỉ cần xuất 50% số lượng nấm đó cũng đã thu được 9 tỉ USD, hơn gấp 4 lần giá trị xuất khẩu gạo của một năm”.
 
Tuy nhiên, nhiều năm qua, sản lượng nấm hằng năm dao động trong khoảng 150.000 tấn. Nữ doanh nhân Trần Lê Thu Thảo ưu tư: “Ở các nước như Nhật, Trung Quốc..., đối với sản xuất nông nghiệp, nhà nước đều có chính sách hỗ trợ đến 50% lãi suất vay ngân hàng. Còn ở Việt Nam, phần lớn các doanh nghiệp tự bươn chải, phải chịu lãi suất vay ngân hàng quá cao...”.
 
Những ngày này, DONA bắt tay tập huấn cho hơn 100 nông dân của các tỉnh miền núi phía Bắc về nuôi trồng nấm, tiếp nối chương trình thực hiện hoài bão giúp “xóa đói, giảm nghèo”, góp phần giúp nông dân thoát nghèo từ cây nấm.