Cơn "sốt săn lùng" lao động phổ thông tại TP.HCM

Thị trường lao động ở TP ngày càng tăng nhiệt trước cơn sốt khan hiếm lao động phổ thông thuộc đủ ngành nghề từ may mặc giày da đến chế biến thực phẩm, dịch vụ bán hàng, lắp ráp điện tử… Không kể nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông không cần tay nghề được rao tuyển hàng ngàn chỗ làm tại các hội chợ việc làm vừa được tổ chức, nhiều đơn vị dịch vụ việc làm (DVVL) còn nhận hàng chồng đơn đặt hàng của các doanh nghiệp. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp đang phải kêu trời vì nỗi khổ tuyển không ra người.

Ở mỗi hội chợ, nhặt nhạnh lắm thì mỗi doanh nghiệp ngành may mặc cũng tìm được khoảng 20%-30% lao động so với nhu cầu tuyển dụng. Theo bà Ngọc Liên, phụ trách cung ứng của Trung tâm DVVL các khu chế xuất –khu công nghiệp TP (HEPZA), chỉ tính riêng trong tháng 5, các nhà đầu tư ở khu vực này cần tuyển dụng 3.400 lao động phổ thông làm nghề lắp ráp điện tử với mức lương bình quân 870.000 đồng/tháng và 2.000 lao động ngành may công nghiệp với mức lương khoảng 700.000 đồng/người. Tương tự, Trung tâm Dịch vụ việc làm Vinhempich, đến đầu tháng 5-2004, cũng nhận được đơn đặt hàng tuyển 5.000 lao động ngành may của các doanh nghiệp. Bà Đoàn Thị Đỉnh, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển kinh tế và cung ứng lao động quận 5 lắc đầu: “Bình quân mỗi ngày trung tâm chúng tôi tiếp nhận khoảng 700-800 nhu cầu tuyển dụng ở các vị trí, trong đó chiếm phần nhiều là lao động phổ thông, ngành may mặc, chế biến thực phẩm… nhưng số người đến đăng ký tìm việc lại rất ít. Chúng tôi phải đi đến hơn 10 tỉnh miền Tây lùng sục lao động nông thôn nhưng con số tuyển được cũng chẳng thấm vào đâu…”.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, nhiều nhà quản lý lao động cho rằng thành phố đang mất dần ưu thế thu hút nhiều lao động nhập cư từ các tỉnh khác đổ về. Trước áp lực về việc làm, điều kiện sống, ăn ở, sinh hoạt ở TP quá đắt đỏ, nhiều lao động nhập cư đã chuyển hướng về các tỉnh lân cận TP như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu… làm việc. Ở những nơi này thu nhập của họ bằng hoặc cao hơn nhưng giá cả sinh hoạt lại rẻ hơn nhiều so với ở TP. Bên cạnh đó, nhiều khu công nghiệp, nhiều nhà máy, xí nghiệp được mở ra ở các tỉnh đã thu hút số lượng lớn lao động nông thôn vào làm việc. Vì thế, thay vì phải ly hương đến các đô thị tìm việc làm, họ đã chọn con đường mưu sinh tại quê nhà.

Trước việc thiếu hụt nguồn lao động phổ thông một cách trầm trọng, nhiều công ty, doanh nghiệp cùng với các đơn vị dịch vụ việc làm đã tự cứu mình bằng cách xuống các xã, huyện thuộc các tỉnh xa chiêu mộ lao động Thay vì ngồi một chỗ chờ lao động đến đăng ký tìm việc như trước đây, một số đơn vị dịch vụ giới thiệu việc làm đã đặt hàng, liên kết với các trung tâm dịch vụ giới thiệu việc làm của các tỉnh khép kín qui trình đào tạo nghề và tuyển dụng lao động đã qua đào tạo. Cùng với những chiến thuật trên, nhiều doanh nghiệp đang cạnh tranh nhằm thu hút lao động về với mình như cải thiện điều kiện làm việc, tăng thu nhập, đầu tư nơi ở, cho người lao động. Cuộc đua chiêu mộ lao động phổ thông vì thế ngày một trở nên quyết liệt.