Dịch vụ head-hunter: Chiếc bánh ngon chỉ dành cho công ty nước ngoài !

Tại TPHCM, từ những năm 1990 đến nay, 4 công ty tư vấn – kiểm toán nước ngoài gồm PriceWaterHouseCoopers (PWC), Erst & Young (E&Y), KPMG, Athur Andersen trở thành địa chỉ được nhiều người biết đến và gần như thao túng toàn bộ thị trường cung ứng lao động cao cấp. Thông qua lời mời của công ty tư vấn – kiểm toán nước ngoài, chị Nguyễn Thị Phương M. ứng tuyển và được nhận vào làm trưởng văn phòng đại diện một tổ chức nghề nghiệp đa quốc gia có trụ sở đặt tại Anh Quốc từ năm 2000 đến nay.

Săn lùng người giỏi

Trước đó, chị cũng đã từng được công ty nói trên giới thiệu vào làm ở những vị trí cao trong các doanh nghiệp (DN) nước ngoài. Gần như mỗi bước thăng tiến nghề nghiệp, hay mỗi thời điểm thay đổi chỗ của chị, đều gắn liền với cái tên của công ty này.

Để có thể nhanh chóng tìm công việc tốt, chị Phương M. khuyên hãy đăng ký vào danh sách ứng viên sáng giá tại các dịch vụ head–hunter (tạm gọi là “săn đầu người”) của các công ty dịch vụ việc làm nước ngoài - mà hầu hết đều hoạt động dưới lớp vỏ các công ty tư vấn - kiểm toán, tất nhiên bạn phải có đủ năng lực ở vị trí ứng tuyển. Thực tế đang trở thành xu hướng, khi có nhu cầu thay đổi chỗ làm tốt hơn, thu nhập cao hơn, nhiều người có năng lực đăng ký gia nhập ngay vào danh sách head–hunter của các công ty tư vấn – kiểm toán nước ngoài. Nhưng nhà cung cấp head–hunter không chỉ ngồi chờ bạn đến mà còn chủ động săn lùng, mời mọc ứng viên có năng lực dù người này đang còn làm việc ở một công ty nào đấy. Chẳng hạn, trong lĩnh vực điện – điện tử, rất nhiều công ty tư vấn – kiểm toán tìm mọi cách nắm bắt cho được danh sách những kỹ sư giỏi để mời mọc. Kết quả đạt được là cách đây không lâu, 20 kỹ sư của một công ty trong nước đã liên hệ nhà cung cấp head – hunter và ngay sau đó được giới thiệu vào làm ở một số công ty khác có quy mô và thu nhập cao hơn. “Hồ sơ tôi đã nộp trước kèm theo điều kiện làm việc, lương bổng... Tôi không mất nhiều thời gian phỏng vấn và có ngay chức danh tổ trưởng kỹ thuật, lương 500 USD/tháng, cao gấp đôi chỗ làm cũ” – anh H.H.N, một trong số những kỹ sư nói trên, tâm sự.

Chiếm vị trí độc tôn!

Do chiếm lĩnh thị trường trong thời gian dài, các công ty tư vấn – kiểm toán nước ngoài xây dựng được cho mình mạng lưới khách hàng tuyển dụng rộng khắp. Hầu hết các DN lớn của Nhà nước, liên doanh, 100% vốn nước ngoài hiện nay tại TPHCM như Công ty Dệt may Thành Công, Việt Tiến, Thái Tuấn, Unilever, Coca – Cola, Kimberly – Clark... đều ủy thác tuyển dụng lao động cao cấp qua các công ty này. Giám đốc nhân sự một công ty liên doanh sản xuất dược phẩm ở quận 1, TPHCM cho biết, khi có nhu cầu thay đổi cán bộ khung, giám đốc kinh doanh, giám đốc điều hành sản xuất đều “đặt hàng” với Công ty PWC, phí dịch vụ cao gấp 2 – 3 lần lương tháng của người lao động. Bà Lê Thị Mỹ Hiệp, phụ trách tuyển dụng và đào tạo Công ty Kimberly – Clark (chuyên sản xuất đồ dùng cho phụ nữ), cho biết thêm cũng thường xuyên tuyển dụng qua Công ty PWC, KPMG, E&Y và một vài công ty trong nước. Mặc dù phí dịch vụ của công ty trong nước thấp hơn 1 – 2 lần so với công ty nước ngoài nhưng số lượng cung ứng rất ít và thường chỉ là lao động bậc trung. Còn phần lớn các vị trí chủ chốt như giám đốc sản xuất, giám đốc tài chính đều phải nhờ công ty tư vấn nước ngoài và tùy vị trí phí dịch vụ có thể đạt 1.000 – 2.000 USD, tương ứng 2 tháng lương của lao động được giới thiệu. Theo bà Mỹ Hiệp, các công ty nước ngoài cung ứng hiệu quả hơn và “được lòng” hơn nhờ đã có sẵn hợp đồng khung và đã quan hệ tuyển dụng, biết rõ điều kiện DN, mau chóng tìm đúng người, ít rủi ro.

Thua ngay trên sân nhà

Việc thao túng thị trường lao động cao cấp của các công ty nước ngoài không chỉ vì bề thế của một công ty đa quốc gia, mạng lưới khách hàng rộng khắp, tiềm lực tài chính mạnh, đội ngũ tư vấn nhân sự giỏi, tài liệu phỏng vấn đắt tiền, quy trình phỏng vấn đạt chuẩn quốc tế... Đáng nói ở chỗ, một thời gian dài, trước khi Luật DN ra đời (1–1–2000) trở về trước, hoạt động tư vấn, săn tìm lao động cao cấp của các công ty này thực chất chỉ là một loại dịch vụ “chui” và nó được hợp thức hóa thông qua liên kết tuyển dụng với các trung tâm dịch vụ việc làm của Nhà nước. Còn hiện nay, không chỉ có 4 “đại gia” nói trên, nhiều công ty tư vấn nước ngoài khác cũng đang đổ tiền để làm head – hunter. Trong khi đó, cho đến nay vẫn chưa có một đơn vị dịch vụ việc làm của Nhà nước nào đủ khả năng để thâm nhập vào thị trường siêu lợi nhuận này. Riêng trong số hơn 1.200 DN được cấp chứng nhận kinh doanh dịch vụ lao động từ năm 2000 đến nay, có đến trên 80% đã tự đóng cửa do thua lỗ và số hoạt động có hiệu quả chỉ khoảng 30 DN. Trong số này, theo đánh giá của Sở LĐ-TB-XH TPHCM, chỉ có vài DN tạo được uy tín và bước đầu có thể cạnh tranh được với các công ty nước ngoài, như Công ty Tư vấn nguồn nhân lực L&A, A.Q.L, NetViet, BCC, Sinh Minh...