Nhân viên tiếp thị: Bạn của người tiêu dùng

NGHỀ NGHIỆP.- Trong thời điểm hiện nay, tiếp thị đã trở thành chiếc chìa khóa không thể thiếu của doanh nghiệp . Cần có cái nhìn đúng đắn hơn về nhân viên tiếp thị. Đội ngũ nhân viên tiếp thị (NVTT) được xem là những chiếc cầu nối của DN và người tiêu dùng (NTD). Họ mang đến cho khách hàng thương hiệu và sản phẩm của DN, đồng thời ghi nhận thị hiếu, nhu cầu và xu hướng sử dụng sản phẩm của NTD.

Chỉ xem là công việc tạm bợ?

Hiện nay, hầu hết các đơn vị tuyển dụng thường rao tuyển NVTT với số lượng lớn, yêu cầu đơn giản như: kỹ năng giao tiếp, tính trung thực, chịu khó và có phương tiện đi lại. Chính vì thế, sau một thời gian ngắn, DN dễ dàng tập hợp được một đội ngũ tiếp thị hùng hậu. Những người đến với nghề này đa số là sinh viên (SV). Nguyễn Sỹ - SV năm 3 ĐH Kinh tế TPHCM - cho biết: “Tôi đã đi tiếp thị nước uống tinh khiết được ba tháng, mục đích là để cải thiện đời sống”.

Bên cạnh mục đích trên, một số vào nghề với mong muốn rút tỉa kinh nghiệm thương trường, nâng cao khả năng giao tiếp... Cho nên, hiếm có ai nghĩ rằng tiếp thị là một nghề lâu bền mà chỉ xem đấy là công việc tạm bợ để kiếm sống hoặc để thực hiện mục đích tạm thời nào đó. “Không ai gắn bó lâu dài với nghề này vì bị áp lực từ nhiều phía, mà áp lực lớn nhất chính là lương tâm”. Hoàng Anh - NVTT nước rửa chén - đã cho biết như vậy.

Những chuyện dở khóc dở cười

Đối với một số DN có chính sách đào tạo bài bản đội ngũ tiếp thị trước khi đi vào hoạt động, lực lượng này tác nghiệp một cách chính quy, có hệ thống, phong cách nhã nhặn, lịch sự với khách hàng, góp phần tô điểm cho “bộ mặt” DN. Ngược lại, không ít DN bỏ qua giai đoạn huấn luyện nhân viên, thậm chí còn dồn cho họ nhiều áp lực. Thiếu kiến thức chuyên môn, lại phải chạy theo lợi nhuận, nhiều người đã tự đánh mất hình ảnh của mình. Trong mắt khách hàng, họ trở thành những kẻ quấy rối, lừa đảo...

Ông Lê Phan, nhà ở cư xá Thanh Đa (Bình Thạnh), kể: Hôm nọ, khi cả nhà đang ngủ trưa, một anh NVTT xộc vào, xổ liền một câu dài chóng mặt giới thiệu máy cassette Trung Quốc có dán tem Sanyo. Chưa ai kịp phản ứng, cậu ta đưa ngay phích cắm vào ổ điện thử máy mở nhạc giật đùng đùng, mọi người thức giấc, hò nhau “tống” cậu ta ra khỏi nhà. “Điều tối thiểu NVTT cần phải có là tính lịch sự”. Ông Phan than phiền. Hành động thiếu văn hóa kể trên dù chỉ là bổn cũ soạn lại, đã bị dư luận lên án nhiều, song vẫn cứ tồn tại, vô hình chung gây nên tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”. Một nhóm SV tiếp thị cà phê gói N. chua chát: “Nhiều khi cho không người ta còn không lấy. Chỉ mới gõ cửa, chủ nhà đã đuổi như đuổi tà”.

“Nghiệt ngã” nhất, nhất là tiếp thị bia. Bên cạnh sức ép về chỉ tiêu doanh số, những nhân viên này hằng ngày phải đối mặt với những vị khách thích sàm sỡ, những “tửu đồ” có máu 35.

Cần một cái nhìn nghiêm túc

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Atico - cho rằng: “DN nào bỏ qua giai đoạn đào tạo cơ bản đội ngũ NVTT sẽ tự đánh đắm mình. NTD không chỉ cần chất lượng sản phẩm mà cần cả niềm tin DN mang lại”. Thế nhưng, thực hiện được những điều này đối với NVTT thật khó bởi khả năng và quyền lợi của họ chỉ được soi xét qua lăng kính hiệu quả. Theo ông Lại Chí Khương - Trưởng Phòng Marketing Công ty Hóa mỹ phẩm Leena - khi mọi người có cái nhìn đúng đắn về nghề tiếp thị, người lao động cũng sẽ soi xét lại họ. DN phải xem họ là những sứ giả của mình, NTD nên xem họ như là những người bạn cung cấp cho mình kiến thức và cơ hội tiêu dùng. Và, chính người lao động phải xem tiếp thị là một nghề hẳn hoi.

Còn bà P.A.Beh - Trưởng Phòng Du lịch Công ty Forerank Travel (Malaysia) - cho rằng: “Những tiêu cực trong kinh doanh tiếp thị đều xuất phát từ yếu tố lợi nhuận. Người lao động sẽ “sống chết” cùng kinh doanh tiếp thị khi đời sống vật chất của họ được bảo đảm. Theo tôi, phải dùng giải pháp kinh tế để giải quyết một vấn đề kinh tế, nghĩa là nên tăng lương, thêm chế độ... cho những người làm nghề nhọc nhằn này”.