Trên 64% người tìm việc không xác định mục tiêu nghề nghiệp
Bên cạnh một số ứng viên ngày càng giỏi về chuyên môn, sáng tạo và năng động, tự tin trong quá trình tìm việc, có không ít những bạn trẻ tỏ ra lúng túng khi cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học trong tay.
Họ không định hướng được mình sẽ phải làm gì, phân vân vì không biết công việc nào cần mình? Chính vì lẽ đó, họ đã tự đánh rớt mình với những tình huống hết sức đơn giản trong phỏng vấn tuyển dụng.
Mục tiêu mơ hồ, kế hoạch không cụ thể
Theo kết quả khảo sát của Báo Người Lao Động trên 100 ứng viên tìm việc qua Chương trình Việc làm của báo, khi được hỏi về mục tiêu nghề nghiệp sau khi ra trường, có đến 64,9% ứng viên đã bỏ trống mục này hoặc trả lời không đúng trọng tâm vấn đề đặt ra. Trong khi đó, 35,1% ứng viên còn lại rất ít hoặc hiếm có người xác định được mục tiêu công việc của mình. Đại đa số họ cho biết một cách chung chung rằng mình mong muốn tìm được một công việc ổn định sau khi ra trường, được làm việc trong một công ty Nhà nước hoặc liên doanh, trở thành một nhân viên giỏi... Một số bạn còn thể hiện ước muốn thành lập công ty riêng để quản lý và kinh doanh. Thế nhưng, điều đáng nói là không ai có thể đưa ra được một kế hoạch cụ thể và chi tiết nào về những công việc mình sẽ phải làm để đạt được mục đích. Giám đốc nhân sự một công ty liên doanh cho biết, đa số người tìm việc khi được hỏi về những hoạch định trong tương lai, họ trả lời theo kiểu hiếu thắng chứ không có cơ sở, kế hoạch rõ ràng. Có ứng viên thể hiện quyết tâm rất cao và thái độ vô cùng tự tin, cho biết trong hai năm nữa, vị trí trưởng phòng kinh doanh sẽ là của anh ta. Vấn đề ở chỗ, làm sao để được ngồi ở chiếc ghế đó thì ứng viên này lại không vạch được “chiến lược hành động” để thuyết phục nhà tuyển dụng (NTD).
Mơ hồ về mục tiêu, không cụ thể về kế hoạch thì làm sao họ có thể thực thi công việc với niềm say mê để tới gần mục tiêu chứ chưa nói đến hai chữ “đạt được”. Tại Chương trình Việc làm Báo Người Lao Động, trong phần “vị trí ứng tuyển”, nhiều bạn trẻ đã không ghi mục này. Và lý do họ đưa ra hết sức “vô tư”: Không xác định được vì không biết công việc nào cần mình, phải đợi lúc nhà tuyển dụng mời phỏng vấn mới quyết định được.
Thiếu định hướng nghề nghiệp
Thiếu định hướng từ phía nhà trường và gia đình, mơ hồ về chính bản thân, chạy theo trào lưu thời thượng... là những yếu tố góp phần quan trọng trong việc “đánh gục” những sinh viên mới ra trường. Thống kê từ hơn 100 phiếu khảo sát nhận được, trên 60% sinh viên thừa nhận mình không được hướng nghiệp khi chọn ngành nghề đăng ký tuyển sinh đại học. “Vậy bạn có xác định được ngành mình chọn học ra sẽ làm công việc gì không?”. Câu trả lời nằm ở một thực tế là: hoặc chọn vì ngành học đó dễ kiếm việc làm, đang là mốt thời thượng, hoặc thực tế hơn vì đó là phương án an toàn do ít người thi, điểm đầu vào thấp... Cũng có bạn chọn do đam mê và quyết tâm theo đuổi đến cùng. Song, con số này rất thấp.
Bà Nguyễn Việt Nhi, Giám đốc nhân sự Công ty Marketeers Việt Nam, cho biết: “Trước đây, khi tiến hành phỏng vấn một ứng viên dự tuyển tại một công ty mỹ phẩm của VN, do quy mô và danh tiếng, nhiều người nhầm tưởng đó là công ty nước ngoài. Và ứng viên này cũng không ngoại lệ. Sau khi thuyết phục NTD mình là “ứng cử viên số 1” cho vị trí họ đang cần, ứng viên bày tỏ mong muốn của mình là được làm việc cho một công ty nước ngoài và khẳng định đây chính là công ty anh ta muốn “đầu quân”. Vậy là hỏng. Nôn nóng và không tìm hiểu kỹ thông tin về doanh nghiệp, nhiều người đã tự đánh mất cơ hội của mình”.
Một chuyên gia tư vấn nhân sự nhận định: “Chúng tôi không chọn những người không có mục tiêu dài hạn, định hướng công việc không rõ ràng. Điều này cũng rất dễ hiểu vì họ không thể gắn bó lâu dài với công ty, không tiến bộ trong công việc. Để đạt được những kết quả nhất định cho bước khởi đầu nghề nghiệp, sinh viên nên có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, tìm hiểu kỹ về ngành nghề và doanh nghiệp mình dự tuyển, chuẩn bị hồ sơ xin việc chuyên nghiệp và một phong cách phù hợp với văn minh nơi công sở. Bên cạnh đó, yếu tố đạo đức, tính cách cũng được các NTD chú trọng, nhưng xem ra, người lao động “mới vào nghề” lại chưa thật sự quan tâm đến khía cạnh này. Mặt khác, việc không tự lượng sức mình, tham vọng quá cao cũng là những sai lầm mà sinh viên bây giờ hay mắc phải trên đường tìm việc”.