Việt Nam - điểm đến của dòng vốn FDI (*): Định rõ những ưu tiên

Việt Nam đang xây dựng chiến lược riêng để thu hút FDI gắn với phát triển bền vững

Công điện số 104/CĐ-TTg ngày 6-7-2025 của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện chính sách tiền tệ và tài khóa để Việt Nam trở thành điểm đến của dòng vốn FDI. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành xây dựng cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, tập trung vào dự án quy mô lớn và công nghệ cao. Đồng thời, cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI, giảm thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án tại Việt Nam.

Nâng cao chất lượng môi trường đầu tư để trở thành điểm đến của dòng vốn FDI

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, Việt Nam đang chuyển trọng tâm từ ưu đãi thuế sang nâng cao chất lượng môi trường đầu tư và dịch vụ hỗ trợ. Các nỗ lực tập trung vào phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế đồng bộ, bảo đảm nguồn điện ổn định, quỹ đất sạch, nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời rút ngắn thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án FDI.

Bộ trưởng nhấn mạnh xu hướng đầu tư toàn cầu hiện nay tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ lõi, chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, đang nổi lên như điểm đến ưu tiên của nhiều tập đoàn đa quốc gia nhờ tăng trưởng kinh tế tích cực, môi trường đầu tư cải thiện mạnh mẽ và lợi thế về chi phí cũng như nguồn nhân lực. Ngoài ra, Việt Nam cũng được đánh giá là điểm đến hấp dẫn nhờ chiến lược thu hút phù hợp, chính trị ổn định, vị thế quốc tế ngày càng cao và môi trường đầu tư thuận lợi.

Về định hướng dài hạn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định Việt Nam sẽ tập trung thu hút FDI có chọn lọc để hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045. "Chúng ta ưu tiên các dự án công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, giá trị gia tăng lớn và thân thiện với môi trường, thay vì chạy theo số lượng bằng mọi giá" - lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay. Trong đó, các đối tác chiến lược như G7, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là trọng tâm xúc tiến đầu tư, gắn với các lĩnh vực ưu tiên phát triển của Việt Nam.

Thực tế, các chuyến công du nước ngoài của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam thời gian qua đã đóng góp tích cực vào thu hút vốn FDI. Nhiều diễn đàn đầu tư đã được tổ chức nhằm giới thiệu tiềm năng, chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam đến các nhà đầu tư quốc tế. 

Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Brazil từ ngày 4 đến 8-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã liên tục có các cuộc làm việc với lãnh đạo các tập đoàn kinh tế hàng đầu Brazil để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực hàng không, sản xuất nhiên liệu sinh học, nông nghiệp, chế biến và phân phối thực phẩm. Cụ thể, tiếp ông Fabio Maia de Oliveira, đại diện lãnh đạo Tập đoàn JBS, Thủ tướng bày tỏ mong muốn JBS đầu tư, sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm và gắn bó lâu dài tại Việt Nam. 

Làm việc với ông Daniel Lopes, Phó Chủ tịch Công ty FS, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam đang thực hiện chiến lược Net Zero, rất cần các giải pháp về nhiên liệu và năng lượng sinh học, qua đó mong FS hợp tác với các tập đoàn năng lượng Việt Nam. Ngoài ra, Thủ tướng cũng tham dự Diễn đàn DN Việt Nam - Brazil và kêu gọi DN hai nước tăng cường hợp tác, đầu tư.

Việt Nam - điểm đến của dòng vốn FDI (*): Định rõ những ưu tiên - Ảnh 1.

Tập đoàn Tetra Park (EU) vừa khánh thành giai đoạn 2 nhà máy sản xuất bao bì tiệt trùng tại tỉnh Bình Dương (cũ), với tổng mức đầu tư hơn 217 triệu euro. Ảnh: LAM GIANG

Bảo đảm duy trì lợi thế

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhận định tình hình thế giới và cuộc chiến thương mại toàn cầu có tác động nhất định đến chính sách thu hút FDI của Việt Nam. Song, kết quả thu hút vốn trong 6 tháng đầu năm cho thấy các giải pháp đã phát huy hiệu quả, giữ Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn, uy tín và giàu tiềm năng. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh cần tiếp tục theo dõi sát sao các yếu tố như xung đột thương mại để điều chỉnh chiến lược kịp thời, bảo đảm duy trì lợi thế trong cuộc đua thu hút FDI chất lượng cao.

Cục Đầu tư nước ngoài cũng chỉ ra một số rủi ro có thể tác động đến dòng vốn, như xung đột thương mại Mỹ - Trung và các chính sách thuế mới. Tuy nhiên, với lợi thế về hạ tầng, nguồn nhân lực, chính sách ưu đãi đầu tư và vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam vẫn được xem là điểm đến hấp dẫn, đặc biệt đối với các nhà đầu tư châu Á.

Trong bối cảnh đó, TS Đặng Thảo Quyên, Chủ nhiệm cấp cao Bộ môn Kinh doanh quốc tế - Đại học RMIT Việt Nam, góp ý Chính phủ cần tiếp tục ưu tiên thu hút FDI vào các lĩnh vực công nghệ cao bằng những ưu đãi hấp dẫn. 

Đồng thời, bảo đảm môi trường pháp lý ổn định, được hỗ trợ bởi hệ thống Chính phủ điện tử hiệu quả nhằm tăng tính minh bạch trong phê duyệt dự án, qua đó giảm bớt lo ngại về thay đổi chính sách. Các vấn đề về năng lượng cũng cần được giải quyết triệt để vì đây là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài. 

"Các cơ quan xúc tiến đầu tư nên xem xét phát triển nền tảng hỗ trợ đầu tư theo vùng dựa trên trí tuệ nhân tạo, giúp kết nối nhà đầu tư với địa phương phù hợp nhất, qua đó tăng niềm tin và nâng cao hiệu quả. Ngoài ra, cần cân nhắc triển khai hệ thống giao dịch tín chỉ carbon gắn với FDI để khuyến khích đầu tư vào công nghệ xanh, phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu" - TS Quyên nói.

Trong khi đó, TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP HCM, nhấn mạnh cần có chính sách thu hút chuyên gia nước ngoài, Việt kiều trong ngành công nghệ cao về làm việc tại Việt Nam. 

Đầu tư hạ tầng công nghệ và khu công nghiệp chuyên biệt. Việt Nam đã có các khu công nghệ cao như Hòa Lạc (Hà Nội), TP HCM, Đà Nẵng nhưng cần nâng cấp và mở rộng. Cần xây dựng khu công nghiệp chuyên biệt cho ngành chất bán dẫn, với hạ tầng kỹ thuật, logistics, năng lượng và môi trường đạt chuẩn quốc tế. 

"Trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu (GMT), Việt Nam cần chuyển từ ưu đãi thuế sang hỗ trợ tài chính trực tiếp; hỗ trợ R&D, chuyển giao công nghệ; ưu đãi về đất đai, hạ tầng, logistics… Cần có cơ chế đặc thù cho ngành chất bán dẫn và AI, tương tự các quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc) đang áp dụng" - TS Trần Quang Thắng nói thêm.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán VPBankS, cho rằng việc Quốc hội vừa thông qua nhiều dự án luật quan trọng, mang tính nền tảng cho sự phát triển kinh tế Việt Nam trong 10 - 20 năm tới, đặc biệt là Nghị quyết 222/2025/QH15 về Trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM và Đà Nẵng, có hiệu lực từ ngày 1-9 tới. 

Mục tiêu là đưa Việt Nam vào tốp 75 trung tâm tài chính toàn cầu, với nhiều ưu đãi đặc biệt như thuế thu nhập DN chỉ 10% trong 30 năm, miễn thuế thu nhập cá nhân cho người nước ngoài đến năm 2030, tăng tỉ lệ sở hữu nước ngoài và khuyến khích giao dịch tài sản, tiền mã hóa. "Những ưu đãi này sẽ thu hút nhiều tổ chức đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt ở lĩnh vực tài chính, công nghệ cao, tài sản số" - ông Sơn nhận định. 

Tận dụng các FTA

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết Việt Nam sẽ tận dụng lợi thế từ 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để mở rộng thị trường, nâng cao sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư FDI. Đồng thời, đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nhằm giảm thiểu rủi ro và củng cố vị thế cạnh tranh.

Tháo gỡ điểm nghẽn

Trong Sách Trắng 2025 của Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), các DN châu Âu xác định rõ những ưu tiên chiến lược để tăng cường sức hút FDI của Việt Nam - như phát triển hạ tầng thiết yếu, nâng cao tính minh bạch pháp lý, bảo đảm thực thi nhất quán, tinh giản thủ tục hành chính và cải thiện quy định về thị thực, giấy phép lao động.

Việt Nam cần tiếp tục tháo gỡ những điểm nghẽn của các quy định trên nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao.

Chủ tịch EuroCham, ông Bruno Jaspaert, cho rằng việc tháo gỡ những điểm nghẽn này không chỉ dừng lại ở cải cách hành chính mà cần hướng tới việc xây dựng một khuôn khổ pháp lý minh bạch, một định hướng chính sách nhất quán và có thể dự đoán, cùng với sự phân công rõ ràng và trách nhiệm giải trình đầy đủ từ các cơ quan chức năng.

(Còn tiếp)

___________

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 7-7