Vinh dự, tự hào khi được vào Đảng

Được đứng vào hàng ngũ của Đảng luôn là dấu mốc không phai đối với nhiều người và là động lực để họ phấn đấu, rèn luyện, cống hiến

"Tôi sinh ra và lớn lên tại TP HCM khi đất nước vừa thống nhất, hòa bình. Thời khắc ấy, người người, nhà nhà vừa hân hoan trong niềm vui chiến thắng nhưng cũng vừa lo cho công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh...". Đó là chia sẻ của chị Đặng Thị Phương Thảo, đảng viên Chi bộ Ban Quản lý chợ Tân Thành, khi tham gia cuộc thi viết cảm nhận "Ngày tôi vào Đảng" do LĐLĐ quận 5, TP HCM phát động.

Tiếp nối truyền thống

Trong ký ức thời trẻ thơ của chị Thảo tràn ngập hình ảnh, không khí ở các căn nhà tập thể tại TP HCM, nơi trú ngụ của cha mẹ chị và những người cùng đơn vị công tác, vào những năm đầu khi đất nước vừa được thống nhất. Cha mẹ chị từng tham gia hoạt động cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc ta.

Chị Thảo cho biết đời sống của người dân trong những năm đầu sau chiến tranh gặp rất nhiều khó khăn. Lớn lên, chị đi học, đi làm với tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ và mang trong mình nhiều ước mơ, hoài bão. "Trong khoảng thời gian ấy, những gương sáng đảng viên vượt khó luôn là động lực để tôi phấn đấu" - chị nhớ lại.

Trong những ước mơ, hoài bão của mình, chị Thảo khao khát một ngày được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Sau nhiều nỗ lực, phấn đấu, rồi ngày ấy cũng đến. Đó là ngày 26-3-2015, chị được kết nạp vào Đảng. "Trở thành đảng viên là niềm tự hào, là bước ngoặt lớn trong cuộc đời tôi" - chị bày tỏ.

Chị Thảo được kết nạp Đảng tại Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường Châu Văn Liêm, quận 5. Chị thổ lộ: "Được kết nạp vào Đảng là một nguồn động viên, khích lệ lớn, giúp tôi thêm tin tưởng và vững bước trên con đường dài trước mắt. Hơn lúc nào hết, tôi cảm thấy Đảng thật gần gũi. Các anh chị đi trước đã giúp tôi thực hiện lý tưởng khi vào Đảng".

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hương - Trường Mầm non Hoàng Yến, quận 5 - cũng bồi hồi cảm xúc khi nhớ lại ngày được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Cô Hương cho hay gia đình cô vốn có truyền thống cách mạng. Nhiều người bên nội của cô đã tham gia các hoạt động ở địa phương từ khi còn rất trẻ.

Cha cô Hương cũng là "Bộ đội Cụ Hồ", tham gia cả 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Khi đất nước đã thống nhất, hòa bình, ông vẫn giữ thói quen giản dị, vẫn thường mang đôi dép cao su mộc mạc...

Cô Hương cho biết khi về hưu vào năm 1984 với cấp bậc đại tá quân đội, cha cô được đơn vị cấp một chiếc giường đơn, một tủ gỗ và một tủ lạnh - những vật dụng đã theo ông suốt thời gian công tác. Tuy nhiên, ông đã từ chối với lý do đơn giản: "Khi tôi về hưu, đồng chí khác lên thay cũng cần phải dùng những vật dụng này. Hãy để lại cho đồng chí ấy dùng, như vậy đơn vị không phải mua vật dụng mới, tiết kiệm được một khoản tiền".

Những câu chuyện kể của cha và chính lối sống thanh bạch của ông là tấm gương để cô Hương không ngừng tu dưỡng, rèn luyện bản thân, nỗ lực phấn đấu. Từ nhỏ, cô đã đạt được nhiều danh hiệu như: Thiếu niên làm theo lời Bác, Cháu ngoan Bác Hồ, Đoàn viên ưu tú… "Sự nỗ lực và quyết tâm đã giúp tôi được đứng vào hàng ngũ của Đảng" - cô Hương trải lòng.

Vinh dự, tự hào khi được vào Đảng- Ảnh 1.

Chị Đặng Thị Phương Thảo, đảng viên Chi bộ Ban Quản lý chợ Tân Thành, tại đại hội Công đoàn cơ sở

Không ngừng hoàn thiện bản thân

Với cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Trinh - Trường Mầm non 13, quận 5 - công việc của cô giáo mầm non không chỉ đơn thuần là chăm sóc, dạy dỗ mà còn xây dựng nền tảng nhân cách, đạo đức cho trẻ.

Là một đảng viên, cô Trinh chú trọng dạy trẻ mầm non từ những bài học ban đầu như biết yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ người xung quanh… đến những chuyện quan trọng hơn, như niềm tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước...

"Hình ảnh Bác Hồ khi còn là thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết - Bình Thuận) luôn nhắc nhở tôi về sự tận tâm với nghề. Tôi hiểu rằng mỗi trẻ đến trường là một hạt mầm nhỏ và chúng tôi chính là những người vun trồng, chăm sóc để hạt mầm ấy phát triển thành cây xanh mạnh mẽ, vững chãi trong tương lai" - cô Trinh ví von.

Trong các hoạt động thường ngày của nhà trường, cô Trinh thường nghĩ cách tổ chức những chương trình sáng tạo, mang ý nghĩa giáo dục như "Ngày hội bé yêu lịch sử," "Bác Hồ với thiếu nhi", để giúp trẻ thêm hiểu biết, thêm yêu đất nước. Dù các bé chưa thể hiểu hết ý nghĩa sâu xa của những câu chuyện kể, những hoạt động giáo dục nhưng cô vẫn kiên trì bồi đắp.

Trong khi đó, anh Vũ Côi Sơn, đảng viên ở Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận 5, cho rằng nơi công tác không chỉ là môi trường làm việc mà còn là nơi để học hỏi, rèn luyện và trưởng thành. Anh nhận thức rõ công ty không chỉ là nơi cung cấp dịch vụ cho cộng đồng mà còn là một phần quan trọng trong hệ thống cơ sở hạ tầng của thành phố. Anh tâm niệm mỗi công việc mình làm, mỗi nhiệm vụ mình hoàn thành vừa đóng góp vào sự phát triển của công ty vừa là trách nhiệm của một đảng viên đối với Đảng, với Tổ quốc.

Từ khi được vinh dự, tự hào đứng vào hàng ngũ của Đảng, với vai trò là một kế toán của công ty, anh Sơn càng chú trọng kiểm tra kỹ chi phí đầu tư, đầu vào nguyên vật liệu, hàng hóa, hồ sơ, chứng từ… Việc làm của anh đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm, chống lãng phí và không để xảy ra sai sót. 

Trách nhiệm nêu gương

"Với vai trò là một đảng viên, tôi càng ý thức rõ hơn trách nhiệm nêu gương. Tôi luôn chủ động trong công việc, hỗ trợ đồng nghiệp, gắn kết với phụ huynh để xây dựng môi trường học tập lành mạnh, tích cực" - cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Trinh bày tỏ.

Cô Nguyễn Thị Thanh Hương cũng tin tưởng rằng những việc làm dù nhỏ nhưng xuất phát từ trái tim sẽ góp phần tạo nên những thay đổi trong cộng đồng.