Vở tuồng bi kịch nhất không có trên sân khấu
NSƯT Vũ Linh, người đã cống hiến cho sân khấu qua những vai diễn tôn vinh tình cảm gia đình, hẳn không ngờ sau khi qua đời đã để lại bi kịch
Khoảng sân trước trụ sở TAND Cấp cao tại TP HCM một ngày cuối tháng 6-2025 chật kín người. Nhiều người trong đám đông đó, tay cầm điện thoại, mắt dáo dác như chờ một cảnh quay "đắt giá", cảnh mà họ gọi nôm na là "người nhà cố NSƯT Vũ Linh lại gặp nhau". Ống kính điện thoại cứ len qua từng khe rào sắt, các TikToker, YouTuber chọn vị trí, dò ánh sáng, chuẩn bị lời bình. Mỗi người đều có mục đích riêng nhưng cùng một kỳ vọng rằng hôm nay, tòa sẽ "ra chuyện".
Khi tình thân bị đem ra phân xử
Lực lượng an ninh đứng dày đặc. Đó là hình ảnh hiếm có trong một phiên xét xử dân sự. Nhưng dường như dù có thêm bao nhiêu lớp rào chắn, những ánh mắt tò mò vẫn luồn được vào trong. Người ta thì thầm về căn nhà mặt tiền, về 3.000 m² đất, về chiếc ô tô, về người con nuôi, về người em gái ruột... Không ai trong số họ là người trong cuộc nhưng giọng điệu thì tự tin như thể từng ăn cơm chung mâm, từng nghe cố nghệ sĩ tâm sự chuyện riêng tư. Người ta bàn về di sản nhưng thứ không ai nhìn thấy là ký ức, là máu mủ, là ân tình của một người nghệ sĩ từng cất lời ca câu vọng cổ: "Cha mẹ mất rồi, anh chị em là ruột thịt còn lại trên đời…".
Bên trong phòng xử án, cả nguyên đơn lẫn bị đơn đều có mặt từ rất sớm, dường như tất cả đã sẵn sàng cho một phiên tòa mới. Phòng xử án nào cũng vậy, luôn có 2 hàng ghế đặt đối diện nhau, chừa một lối đi nhỏ chính giữa. Nhưng trong buổi sáng hôm ấy, lối đi bình thường ấy như vạch chia một chiến tuyến khiến ánh mắt hai bên tự biết mà né nhau, lời nói tự biết mà gằn lên. Họ từng gọi nhau là ruột thịt nhưng hôm nay, lại tiếp tục tranh luận xem ai có quyền giữ tài sản nào của một người thân đã khuất.
Thế nhưng, khi phiên xử bắt đầu, thư ký tòa thông báo ông Võ Thành Nhiêu, em trai cố nghệ sĩ, cùng người đại diện vắng mặt. Đại diện VKSND Cấp cao tại TP HCM đề nghị hoãn phiên xử để bảo đảm quyền và nghĩa vụ của những người liên quan. Bên phía bà Loan không có ý kiến gì.
Chủ tọa quay sang hỏi bà Nhung về sự vắng mặt của ông Nhiêu. Bà Nhung đáp nhẹ tênh: "Ông Nhiêu không nhận được giấy triệu tập". Chủ tọa cũng đáp nhẹ nhàng: "Tòa đã gửi thư bằng bưu điện. Còn nhận được hay không thì… tùy".
Xét đến tận cùng, sự vắng mặt ấy có phải là mặt khác của nỗi đau khi một gia đình không còn ngồi lại được với nhau, ngay cả khi một người thân yêu đã nằm xuống. Phải chăng, ông chọn cách không đến vì không muốn nghe những lời cãi vã? Hay ông muốn tự mình rút lui khỏi một cuộc phân xử mà thứ đang bị chia không chỉ là tài sản mà là tình nghĩa ruột rà?
Sau ít phút hội ý, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa. Tất cả tạm dừng, phía nguyên đơn lẫn bị đơn cùng rời khỏi tòa án. Nhưng trước khi rời đi, hai bên không quên dừng lại tạo dáng, một nụ cười chừng mực, một dáng đứng nghiêng về phía ống kính. Ánh đèn flash từ máy ảnh phóng viên, ánh sáng livestream từ các TikToker, YouTuber chiếu lên gương mặt họ, lấp lánh.

Ống kính điện thoại cứ len qua từng khe rào sắt, chờ cảnh “người nhà cố NSƯT Vũ Linh lại gặp nhau”
Bi kịch cuối cùng của người nghệ sĩ
Người nghệ sĩ ấy đã ra đi trong vòng tay tiếc thương của công chúng, sau một đời cống hiến cho sân khấu, cho cải lương, cho khán giả cả nước bằng tiếng hát chan chứa tình đời và ánh mắt đong đầy cảm xúc trong từng vai diễn.
Ông đặc biệt thành công khi hóa thân vào những nhân vật hiền lành, nội tâm, những người cha, người anh, người chồng tận tụy, trong các trích đoạn cải lương mang đậm đạo lý gia đình, tình thân ruột thịt. Những câu vọng cổ da diết ấy, khi được ông cất lên bằng chất giọng ngọt ngào và mùi mẫn, đã nhiều lần khiến khán giả rơi nước mắt.
Thế nhưng giờ đây, khi ông đã nằm xuống, điều còn lại không chỉ là sự tiếc nuối hay những lời tri ân mà còn là những dòng bình luận cay nghiệt trên mạng xã hội và... một phiên tòa gia đình. Một tấn tuồng đời thực, nhiều đoạn ngang trái.
Tại phiên sơ thẩm hồi đầu năm, chủ tọa phiên xét xử, thẩm phán Châu Thị Điệp buộc phải thốt lên, tòa mong sau phiên xử, các bên đừng công kích nhau trên mạng xã hội nữa. Đừng để người ngoài, các YouTuber, TikToker lợi dụng nỗi đau của gia đình họ để kiếm tiền.
Một lời nhắn vừa nghiêm khắc vừa xót xa, như thể chính pháp luật cũng không đành lòng trước sự rạn vỡ tình thân đang phơi bày trước mặt.
Vị chủ tọa nhắc lại rằng chính những người đang đối mặt nhau ở tòa từng hỏi han, từng chăm sóc nhau, từng gọi nhau bằng những cái tên thân thiết. Tòa hỏi: "Có bao giờ ông bà thật sự nghĩ đến ông ấy?". Điều thực sự khiến người ta xót xa là tình ruột thịt từng ấm áp trong bữa cơm, từng thắm thiết sau cánh gà sân khấu, giờ đây bị xé nát trong từng buổi livestream công kích, từng ánh mắt né tránh nhau tại tòa án.
Khi lòng người còn chất đầy uất ức, khi mỗi cuộc gặp lại chỉ để cãi lý chứ không còn để hỏi han thì nỗi đau ấy, cả của người đã khuất lẫn người ở lại, làm sao có thể ngủ yên?
Cũng tại phiên tòa sơ thẩm này, HĐXX đã công nhận bà Võ Thị Hồng Loan - nguyên đơn, là con nuôi của cố nghệ sĩ, là người thừa kế được hưởng 85% di sản. Bà Võ Thị Hồng Nhung - bị đơn, được chia 15%. Di sản gồm một căn nhà, hơn 3.000 m² đất và một ô tô. Nhưng hai bên đều không hài lòng.
Bà Loan kháng cáo vì không đồng ý chia phần cho "cô Sáu". Bà Nhung cũng kháng cáo vì cho rằng suốt những năm tháng qua, gia đình họ chỉ cưu mang Hồng Loan vì thương tình chứ không công nhận cô là con nuôi của cố nghệ sĩ, không chấp nhận người cháu nuôi này là "hàng thừa kế thứ nhất" của anh trai bà.
Hai lá đơn kháng cáo được gửi đi, mỗi lá là một vết cắt mới vào tình thân đã rạn vỡ đến tận cùng. Còn người dự khán, những người từng yêu ông qua từng vai diễn, từng câu vọng cổ, rời phiên tòa với một nỗi nghẹn ngào trong lồng ngực.