"Xanh hóa" dần ngành thời trang
Công nghiệp thời trang là một trong những ngành gây ô nhiễm nhất thế giới, có thể chiếm tới 10% lượng khí thải nhà kính toàn cầu.
Riêng tại Thụy Điển, hơn 90% tác động khí hậu của quần áo đến từ việc mua các sản phẩm mới "ra lò".
Theo trang Euronews, tại Liên minh châu Âu (EU), khoảng 7 triệu tấn quần áo bị vứt bỏ mỗi năm, tương đương khoảng 16 kg/người. Con số này ở Mỹ là 37 kg/người/năm. Các nhà nghiên cứu tin rằng giảm mua sắm quần áo và kéo dài vòng đời sử dụng của chúng sẽ mang lại lợi ích môi trường lớn, đặc biệt nếu người tiêu dùng không phải di chuyển nhiều bằng ô tô để mua sắm.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra việc thuê quần áo có thể giảm đáng kể tác động môi trường của ngành thời trang. Song đến nay, các mô hình kinh doanh trong lĩnh vực này vẫn chưa thực sự hiệu quả. Ba đơn vị hàng đầu Thụy Điển là Trường ĐH Công nghệ Chalmers, Trường ĐH Borås và Viện Nghiên cứu RISE đã hợp tác đi sâu tìm hiểu những biện pháp cải thiện điều này.
Nhóm nghiên cứu đã phân tích 9 công ty Thụy Điển từng thử nghiệm (và đã thất bại) hoặc đang cố gắng xây dựng một mô hình cho thuê quần áo bền vững. Nhóm xác định 3 mô hình kinh doanh chính đã được triển khai.
Đầu tiên là mô hình hội viên, tức khách hàng trở thành hội viên và mượn quần áo trong một khoảng thời gian nhất định - tương tự mượn sách ở thư viện. Thứ hai là mô hình thuê bao, trong đó khách hàng trả phí hằng tháng để thuê một số lượng quần áo cố định. Các công ty khởi nghiệp theo mô hình này đã cố gắng mở rộng quy mô và thu hút vốn đầu tư. Cuối cùng, với mô hình thuê từng món, công ty cho thuê các loại quần áo chuyên biệt, thường đi kèm với các thiết bị khác, ví dụ quần áo thể thao ngoài trời cùng với thiết bị trượt tuyết.

Việc thuê quần áo có thể kéo dài tuổi thọ sử dụng của từng món đồ, tiến tới xu hướng tiêu dùng bền vững. Ảnh: EURONEWS
Được đánh giá là giải pháp bền vững thay cho "thời trang nhanh" và có nhiều khách hàng tiềm năng nhưng các công ty cho thuê quần áo lại rất khó thu được lợi nhuận và phải dừng hoạt động vì nhiều lý do khác nhau - theo bà Frida Lind, giáo sư tại Trường ĐH Công nghệ Chalmers và là một trong các tác giả nghiên cứu. "Việc cho thuê quần áo đòi hỏi nhiều công đoạn, mỗi món đồ cần được kiểm tra và xử lý trước khi quay lại thị trường, điều này rất tốn thời gian" - bà Lind chỉ ra.
Các công ty còn phải đối mặt với chi phí cao cho kho bãi, giặt ủi, logistics… Đặc biệt, ở mô hình thuê bao, các công ty khởi nghiệp rất khó gọi vốn đầu tư để vượt qua giai đoạn đầu xây dựng doanh nghiệp.
Mô hình cho thuê đồ chuyên dụng, theo nhóm nghiên cứu, lại có khả năng "sống sót" cao hơn cả. Những công ty tập trung vào thị trường ngách, như quần áo thể thao ngoài trời, được đánh giá là có hiệu suất cao hơn và bền vững hơn. Bà Lind giải thích: "Họ dường như đã tìm được thị trường của mình, nơi khách hàng sẵn sàng trả tiền cho loại quần áo phù hợp với mỗi lần sử dụng".
Cũng theo phân tích trên, các công ty có thể tạo ra giá trị thông qua hợp tác với các bên liên quan. Một số mối quan hệ đặc biệt có ích là các công ty thuê quần áo bắt tay chặt chẽ với nhà sản xuất và nhà cung ứng, nhất là các nhà thiết kế theo hướng bền vững, để nhận được cập nhật nhanh chóng về chủng loại quần áo đang được ưa chuộng, chất lượng sản phẩm (chẳng hạn món nào dễ hư hỏng)…
Dù nhiều công ty và dịch vụ trong lĩnh vực này chưa tồn tại được lâu, song - như bà Lind nhấn mạnh - ít nhất chúng giúp thay đổi nhận thức về tiêu dùng quần áo và nâng cao hiểu biết về các mô hình kinh doanh hiệu quả. Tất cả đều góp phần vào tiến trình chuyển đổi bền vững ngành thời trang.