Xanh ngát Trường Sa

Ngoài đu đủ, chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn còn trồng bầu, bí, mướp

Chương trình "Xanh hóa Trường Sa" được triển khai từ năm 2021 nhằm phủ xanh các đảo, điểm đảo thuộc quần đảo này, tạo nên không gian sống xanh giữa nơi khí hậu đặc biệt khắc nghiệt

Từ ngày 11 đến 17-5, chuyến thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 đã để lại nhiều cảm xúc thiêng liêng, tự hào đối với đoàn công tác TP HCM. Giữa trùng khơi, nhiều người đặc biệt ấn tượng với những vườn rau xanh mướt do các chiến sĩ và người dân tự tay trồng và chăm sóc. Những luống rau xanh không chỉ là nguồn cung cấp dinh dưỡng mà còn là câu chuyện về sự sống và ý chí.

Tự túc rau xanh

Tại đảo Sinh Tồn, những cây đu đủ được trồng dọc các tuyến đường, dù chỉ cao khoảng 1 m nhưng vươn mình mạnh mẽ và trĩu quả. Đại úy Nguyễn Trung Kiên, trợ lý hậu cần đảo Sinh Tồn, cho biết việc trồng đu đủ quanh đảo vừa tạo cảnh quan môi trường vừa có trái để bộ đội dùng.

Ngoài đu đủ, chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn còn trồng bầu, bí, mướp. Các khu vườn chung thì được trồng nhiều loại rau như: cải, ngót, mồng tơi, rau muống...

"Các khu vườn này được trang bị hệ thống nhà lưới, giúp bảo vệ rau xanh vào mùa gió biển. Nhờ kết hợp cả trồng rau xanh và chăn nuôi gà, vịt, heo... nên chiến sĩ ở đây có điều kiện cải thiện bữa ăn. Những thực phẩm này bảo đảm cung cấp thường xuyên khoảng 70%-80% nhu cầu" - đại úy Nguyễn Trung Kiên cho hay.

Ở các đảo khác mà đoàn công tác tới thăm như Đá Tây A hay Trường Sa, những vườn rau được trồng rất bài bản, khoa học. Có nơi, cây mồng tơi ra lá to bằng 2 bàn tay. Trên đảo Trường Sa, giàn dưa lưới lủng lẳng quả của một hộ dân - vợ chồng anh Lô Trung Hiếu và chị Đoàn Thị Hương Giang - khiến nhiều người bất ngờ. Ở nơi đầy gió và cát nhưng quả dưa lưới vẫn căng mọng, to tròn, không khác gì được trồng ở nông trại trên đất liền.

Theo chị Giang, đất ở Trường Sa chủ yếu là cát san hô, rất nghèo dinh dưỡng và không giữ được nước. Vì thế, đất trồng rau ở đây chủ yếu được vận chuyển từ đất liền ra, sau đó trộn với các vật liệu hữu cơ để tăng độ tơi xốp, khả năng giữ ẩm và dinh dưỡng.

Xanh ngát Trường Sa- Ảnh 1.

Những con đường trên đảo Trường Sa giờ rợp bóng cây xanh

Xanh ngát Trường Sa- Ảnh 2.

Chị Đoàn Thị Hương Giang bên vườn rau của gia đình trên đảo Trường Sa

"Các công đoạn gieo trồng và chăm sóc rau xanh trên đảo thì vẫn tương tự ở đất liền. Nhờ trồng được các loại rau củ quả trên đảo nên vợ chồng tôi chỉ mua thêm một số thực phẩm khác từ đất liền gửi ra là có bữa cơm đầy đủ dưỡng chất. Nhiều người nghĩ sống trên đảo chắc thiếu thốn mấy thứ này nhưng nhà tôi trồng ăn không hết, phải đem cho" - chị Giang khẳng định.

Trên các đảo chìm như Cô Lin, Len Đao, Đá Thị hay Nhà giàn DK1, dù điều kiện không được thuận lợi như ở những đảo nổi nhưng các chiến sĩ đã sáng tạo, tận dụng mọi không gian, vật liệu để trồng những vườn rau xanh phục vụ bữa ăn hằng ngày. Rau có thể được trồng ngay trong thùng xốp hay chậu nhựa, bình gốm...

Anh Đoàn Văn Mạnh, công tác trên đảo Đá Thị, cho biết để có rau xanh dùng, các chiến sĩ đã tận dụng mọi góc trống trong khu nhà ở, khu sinh hoạt chung dù diện tích hạn chế. Các giàn rau, chậu cây được đặt ở những nơi có thể đón ánh sáng nhưng vẫn được che chắn sóng gió. Nước tưới rau chủ yếu là nước mưa được hứng trong các bể chứa. Nếu thời tiết thuận lợi, rau xanh được trồng tại chỗ có thể cung cấp 100% nhu cầu cho các chiến sĩ trong các bữa cơm.

"Những vườn rau xanh không chỉ mang lại bữa ăn ngon hơn mà còn là niềm vui, là động lực gắn kết đồng đội và giúp xua tan nỗi nhớ quê nhà" - chiến sĩ Đoàn Văn Mạnh bày tỏ.

Xanh ngát Trường Sa- Ảnh 3.

Chiến sĩ đảo Cô Lin chăm sóc vườn rau

"Thay da đổi thịt" từng ngày

"Xanh hóa Trường Sa" là chương trình do Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân triển khai từ năm 2021 với mục tiêu chính là phủ xanh các đảo, điểm đảo thuộc quần đảo này.

Đây là chương trình dài hơi của Quân chủng Hải quân, bên cạnh việc khẳng định chủ quyền còn tạo ra không gian sống xanh giữa nơi khí hậu đặc biệt khắc nghiệt. Mặt khác, "Xanh hóa Trường Sa" còn khẳng định tinh thần làm chủ cuộc sống, tinh thần sống đẹp, nếp sống xanh của cán bộ, chiến sĩ ở các đảo nổi, đảo chìm.

Để hiện thực hóa chương trình này, trung tá Hoàng Văn Cường, Chính trị viên đảo Sinh Tồn, cho biết các chiến sĩ đã ươm giống, trồng nhiều cây xanh trên đảo. Cây xanh ngày càng che phủ, góp phần làm xanh hơn, mát hơn, đẹp hơn toàn bộ đảo Sinh Tồn.

Theo trung tá Hoàng Văn Cường, từ năm 2020 trở về trước, đảo Sinh Tồn gần như không có hệ thống cây xanh. Nhờ sự bền bỉ của cán bộ, chiến sĩ và sự chung tay hỗ trợ từ đất liền, đảo đã "thay da đổi thịt" từng ngày.

"Trong suy nghĩ, tư duy và hành động, mỗi cán bộ, chiến sĩ đều hướng đến việc làm xanh hơn quần đảo Trường Sa. Trong đó, chúng tôi chú trọng tạo ra "lá phổi xanh" trực tiếp cho đảo Sinh Tồn" - trung tá Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Để phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu khắc nghiệt của Trường Sa, cây xanh được ưu tiên trồng là những loại có sức sống mãnh liệt, có khả năng chịu mặn tốt như bàng vuông, phong ba, tra, mù u, dừa, phi lao, nhàu. Trong đó, bàng vuông, phong ba và mù u được xem là những loài cây đặc trưng, có sức sống bền bỉ nhất ở Trường Sa.

Chương trình "Xanh hóa Trường Sa" nhận được sự hưởng ứng rộng rãi từ khắp mọi miền đất nước. Mỗi cây xanh được đưa ra Trường Sa không chỉ mang theo sự sống mà còn chứa đựng tình cảm, sự sẻ chia và niềm tin của nhân dân cả nước đối với cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Từ những cây xanh tình nghĩa này, nhiều "công viên" vườn cây xanh đã vươn lên giữa trùng khơi, làm ấm lòng những người con xa nhà. 

Vì Trường Sa xanh

Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, cho biết thành phố đã phát động chương trình "Vì Trường Sa xanh" giai đoạn 2023 - 2025. Chương trình nhằm huy động mọi nguồn lực để cải tạo thổ nhưỡng, trồng các loại rau xanh, cây xanh, đặc biệt là cây chắn sóng..., tăng mật độ che phủ cây xanh trên các đảo ở Trường Sa.

Qua chương trình này, TP HCM mong muốn góp phần cải thiện cảnh quan môi trường, tạo không gian xanh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần để cán bộ, chiến sĩ và người dân Trường Sa yên tâm sinh sống, công tác. Thành phố kỳ vọng chương trình này sẽ tạo thành phong trào, thể hiện tình cảm quân - dân TP HCM luôn hướng về biển đảo của Tổ quốc, giúp cán bộ, chiến sĩ trên đảo yên tâm công tác, sẵn sàng bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Theo ông Phạm Minh Tuấn, trong chuyến thăm lần này, ngoài nhu yếu phẩm và vật dụng sinh hoạt cần thiết, đoàn công tác TP HCM còn gởi đến cán bộ, chiến sĩ, nhân dân quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 26 tỉ đồng trong tổng số 76 tỉ đồng từ chương trình "Vì Trường Sa xanh" giai đoạn 2023 - 2025. Đây là tình cảm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP HCM và người dân đất liền gửi đến Trường Sa thân yêu và Nhà giàn DK1 kiên cường.