Xây dựng đề án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2 con số

Cần xây dựng chính sách huy động tối đa nguồn lực xã hội, trong đó đầu tư công giữ vai trò "dẫn dắt", là "vốn mồi" kích hoạt dòng vốn tư nhân.

Ngày 8-7, Diễn đàn Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam 2025 (VEGF)  với chủ đề "Các giải pháp chiến lược & thực tiễn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trong bối cảnh mới" do Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức, dưới sự chỉ đạo nội dung của Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương, đã diễn ra tại Hà Nội.

 Mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam đến năm 2030 

Phát biểu tại diễn đàn, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang cho biết trong quá trình soạn thảo đề án "Các giải pháp chiến lược thúc đẩy tăng trưởng 2 con số trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam" để trình Bộ Chính trị và Ban Bí thư, Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương sẽ áp dụng một cách tiếp cận ngược nhằm bảo đảm lắng nghe tiếng nói của mọi thành phần của nền kinh tế. 

"Chúng tôi đang tiến hành một quá trình ngược là lắng nghe mọi người muốn gì và cố gắng thể chế hóa, chính trị hóa, chủ trương hóa và đường lối hóa những mong muốn này với điều kiện đây là những ý tưởng sáng tạo để sau đó điều chỉnh tốt đẹp hơn. Những ý kiến được chắt lọc tại diễn đàn sẽ đóng góp quan trọng cho quá trình xây dựng đề án" - ông Trần Lưu Quang chia sẻ.

Xây dựng đề án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2 con số - Ảnh 1.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang phát biểu tại Diễn đàn

Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương cho hay để thực hiện mục tiêu vươn mình của dân tộc và đẩy mạnh phát triển kinh tế, cho đến nay Đảng, Nhà nước đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, có tính chất cách mạng đem lại sự hào hứng và tự tin cho xã hội. Theo đó, đã có sự thay đổi trong nhiều lĩnh vực, chủ trương, đường lối, trong cách làm, tư duy mới, cách tiếp cận mới như việc thu gọn bộ máy, sắp xếp lại đơn vị hành chính, một số nghị quyết có tính chất chiến lược, mở đường cho một giai đoạn phát triển mới của đất nước.

7 nhóm giải pháp chiến lược để đạt mục tiêu tăng trưởng 8-10% 

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho rằng để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% vào năm 2025, từ 10% trở lên trong giai đoạn 2026-2030, cần triển khai đồng bộ 7 nhóm giải pháp chiến lược. Trước hết là tiếp tục hoàn thiện thể chế, đổi mới công tác xây dựng và thực thi pháp luật theo hướng minh bạch, ổn định, tiệm cận chuẩn mực quốc tế, đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Đặc biệt cần rà soát, tháo gỡ vướng mắc cho hơn 2.887 dự án với tổng vốn hơn 235 tỉ USD và diện tích khoảng 347.000 ha để khơi thông nguồn lực.

Tiếp theo, cần xây dựng chính sách huy động tối đa nguồn lực xã hội, trong đó đầu tư công giữ vai trò "dẫn dắt", là "vốn mồi" kích hoạt dòng vốn tư nhân. Ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hoàn thiện cơ cấu nguồn điện, thúc đẩy các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới phục vụ tăng trưởng xanh và bền vững.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần tận dụng không gian phát triển mới thông qua sáp nhập địa phương, áp dụng mô hình chính quyền hai cấp. Song song đó là khai thác động lực tăng trưởng mới từ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, công nghệ lượng tử…

Ngoài ra, cần phát triển các mô hình kinh tế mới như khu thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế, đi kèm chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, kết nối hiệu quả mạng lưới nhân tài trong và ngoài nước. Cuối cùng là thúc đẩy liên kết ba khu vực kinh tế - nhà nước, tư nhân và FDI - nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp cho nền kinh tế.