xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Lò luyện vàng” của cách mạng VN

ĐOÀN KHUYÊN tổng hợp

Nhà tù Hỏa Lò, xây dựng năm 1896, đã trở thành chứng tích của chính sách thực dân mang đậm tính bạo lực mà người Pháp thực hiện tại VN. Song, Hỏa Lò cũng đã trở thành chứng tích lòng kiên trung, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng VN nhiều thế hệ

Nửa cuối thế kỷ 19, khi tiến hành xâm lược VN, thực dân Pháp phải liên tục đối phó với các phong trào đấu tranh của nhân dân ta. Quá trình thiết lập chính quyền thực dân cũng là quá trình diễn ra các cuộc đàn áp khốc liệt. Hàng vạn người VN yêu nước bị bắt bớ, giam cầm, giết hại. Tòa án, nhà tù, bót cảnh sát..., những công cụ của chính quyền thực dân để đối phó với phong trào yêu nước của người VN, đã được nhanh chóng xây dựng.

Sau khi ổn định bộ máy hành chính ở Bắc Kỳ, chính quyền thực dân đã quyết định xây dựng gấp giữa Hà Nội một nhà tù kiên cố.


Xóa làng nghề, dựng nhà tù


Ngày 16-4-1896, việc đấu thầu xây dựng công trình nhà tù được tổ chức. Hai người Pháp là Levache và Fournier Tre’lluyer trúng thầu. Chi phí ước tính cho toàn bộ công trình hơn 121.200 đồng Đông Dương. Nhà tù này nằm trọn trên mảnh đất hình thang diện tích gần 13.000 m2, thuộc thôn Phụ Khánh, tổng Vĩnh Xương, huyện Thọ Xương cũ. Thôn Phụ Khánh chuyên làm các loại hỏa lò bằng đất nung nên nhà tù này còn được gọi là Hỏa Lò.

Từ đây, những cư dân làm nghề thủ công phải dời đi, cảnh quan tươi đẹp bị triệt phá, những ngôi chùa cổ kính như Lưu Ly, Bích Thư, Bích Họa bị dỡ bỏ... Thay vào đó là nhà tù Hỏa Lò, một địa danh chất chứa tầng tầng lớp lớp tội ác mà thực dân Pháp gây ra cho nhân dân VN.

img

img

Nhà giam và xà lim tại nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: Đ.Khuyên


Nhà tù Hỏa Lò ở ngay trung tâm Hà Nội. Bên cạnh Hỏa Lò là Tòa Đại hình và Sở Mật thám. Tổng thể này tạo thành bộ ba chân kiềng: nhà tù – tòa án – Sở Mật thám, có tác dụng đàn áp phong trào yêu nước của nhân dân VN.


Hỏa Lò gồm khu ngoài và khu trong. Khu ngoài có trạm lính canh, trại giam tù người Âu, trại giam tù nhân nữ, khu bếp, nhà xưởng...; khu trong gồm 9 trại giam và các xà lim, hầm tối kiên cố.


Hỏa Lò bắt đầu giam người từ năm 1899. Công suất nhà tù này theo thiết kế ban đầu chỉ đủ giam 500 tù nhân, song thực dân Pháp đã cải tạo, thu hẹp nhà kho, trạm xá, tăng cường cùm xích để tăng diện tích nơi giam tù. Từ năm 1917, nhà tù thường chứa hơn 800 tù nhân. Như vậy, ngót một nửa số tù nhân phải nằm đất. Họ phải thay phiên nhau người nằm, người ngồi.


Vắt kiệt sức tù nhân


Nhà tù lợp ngói, tường dày, quét vôi xám. Mỗi phòng giam chỉ có một cửa ra vào bằng sắt và vài ô cửa sổ nhỏ trổ sát mái khiến bên trong rất tối tăm, ngột ngạt. Thùng phân lưu động để ở góc phòng gây ô nhiễm nghiêm trọng. Mãi sau những năm 1920, trong phòng giam mới được xây hố xí cố định.


Tù nhân bị giam ở Hỏa Lò mỗi ngày ăn 2 bữa cơm do nhà thầu nấu bằng gạo mục, rau muống già, cá khô có dòi hoặc cá nhỏ đã bị ươn, thịt trâu dai, thịt lợn sề... Tù nhân được ra sân đi dạo và tắm rửa mỗi ngày 15-30 phút. Tất cả trần truồng đứng dội nước thật nhanh quanh một bể tròn xây giữa sân, dưới sự kiểm soát của lính gác, cai ngục.

Khác với phòng giam, xà lim có sức chứa nhỏ hơn. Xà lim án chém ở Hỏa Lò giam 1-2 người. Tường xà lim dày 40 cm, cao hơn 3 m, từ trong ra ngoài quét hắc ín đen kịt gây cảm giác như một nấm mồ. Sát mái xà lim chỉ có một lỗ thông hơi nhỏ.

Mỗi xà lim dài 2 m, rộng 2 m. Hai bên sát tường là bục xi măng rộng 60 cm, trên mỗi bục chôn một chiếc cùm bằng gang, hệ thống khóa đặt ở bên ngoài. Người tù bị cùm 1 hoặc 2 chân suốt ngày đêm. Cửa ra vào chỉ hé mở khi cai ngục đưa thức ăn vào.


Xà lim dùng để nhốt những tù nhân bị coi là nguy hiểm, những người bị án tử hình và những người bị trừng phạt vì vi phạm quy chế nhà tù. Ở xà lim, tù nhân ăn, ngủ, tiêu, tiểu tại chỗ. Tù nhân bị giam trong xà lim chỉ sau một thời gian ngắn là chân chậm, mắt mờ, ghẻ lở đầy mình do thiếu vệ sinh, thiếu ánh sáng và thiếu cả dưỡng khí.

Từ năm 1909, Hỏa Lò trở thành nơi đặt máy chém. Có 3 nhân viên chuyên nghiệp làm nghề “đao phủ” chặt đầu tử tù.


Chế độ giam cầm hà khắc, lao dịch nặng nề, sống trong môi trường thiếu vệ sinh nghiêm trọng, ăn uống kham khổ... đã nhanh chóng vắt kiệt sức tù nhân. Nhiều tù nhân ở Hỏa Lò đã chết trước khi mãn án.
 


Tập trung tù chính trị


Có thể nói từ Bắc Trung Kỳ trở ra, có bao nhiêu phong trào yêu nước và cách mạng bùng nổ thì ở Hỏa Lò có bấy nhiêu lớp chiến sĩ tiêu biểu cho những phong trào này bị sa vào vòng lao lý.


Những năm 1899-1945, ở Hỏa Lò có khoảng 500 tù chính trị bị giam cầm (theo danh sách của Ban Liên lạc các chiến sĩ tù chính trị Hỏa Lò 1930-1945 cung cấp, có thể chưa đầy đủ). Thế hệ tù nhân đầu tiên ở Hỏa Lò là những người yêu nước tham gia các phong trào Đông Du (1905-1908), Đông Kinh Nghĩa thục (1907), Duy Tân (1906-1908), vụ “Hà thành đầu độc” (1908), khởi nghĩa Yên Thế (1885-1913)... Tiêu biểu trong số này là các cụ: Phan Bội Châu, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Lương Ngọc Quyến, Dương Bá Trạc...


Năm 1930, Hỏa Lò là nơi tập trung chính trị phạm, trong đó gồm đảng viên VN Quốc Dân Đảng, Hội VN Cách mạng Thanh niên và Đông Dương Cộng sản Đảng. Từ khi Đảng Cộng sản VN ra đời lãnh đạo phong trào đấu tranh của dân tộc, nhà tù Hỏa Lò là nơi giam giữ hàng trăm chiến sĩ cộng sản, trong đó có các đồng chí: Tống Văn Trân, Hoàng Quốc Việt, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Nguyễn Đức Cảnh, Lê Duẩn, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười...


Những chiến sĩ cộng sản và quần chúng cách mạng sau khi bị kết án sẽ bị giam ở Hỏa Lò hoặc đày đi những nơi rừng thiêng nước độc, ngoài hải đảo xa xôi hoặc đày biệt xứ.


Kỳ tới: Đấu tranh và học tập

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo