Vấn đề trên được nhiều nhà khoa học đưa ra bàn luận tại hội thảo “Nông nghiệp Việt Nam trong tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế” do Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp vào ngày 26-4.
Cơ hội và thách thức
Khả năng mở rộng thị trường được đánh giá là một trong các cơ hội với nông nghiệp Việt Nam khi gia nhập WTO. Hiện nay, thị trường tiêu thụ nông sản được mở rộng đến các nước Mỹ, Nhật và các nước ở châu Âu, châu Phi… Theo TS Nguyễn Hữu Từ, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, điểm nổi bật trong hoạt động xuất khẩu nông sản, thủy sản kể từ khi gia nhập WTO là tăng nhanh về số lượng. Bên cạnh đó, người sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu cũng đã chú ý đến chất lượng và an toàn thực phẩm. Tư duy theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, chất lượng cao, chi phí thấp để tăng sức cạnh tranh trên thị trường đã dần thay thế tư duy năng suất cao, sản lượng nhiều bằng mọi giá.
Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp-nông thôn, cần điều chỉnh chính sách an ninh lương thực theo hướng bảo đảm cân đối cung cầu trên toàn quốc thay vì theo từng tỉnh như hiện nay; đồng thời cần tính tới đầu tư đồng bộ theo chiều sâu và có hỗ trợ ưu đãi cho các vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo. |
Chấp nhận luật chơi
Các chuyên gia kinh tế cho rằng nông nghiệp Việt Nam đang hội nhập với kinh tế thế giới thì phải chấp nhận “luật chơi” của thế giới. Để tận dụng các cơ hội, giảm thiểu rủi ro, ngành nông nghiệp Việt Nam nên áp dụng hai chiến lược cơ bản trong kinh doanh quốc tế: Tiêu chuẩn hóa và thích nghi hóa vào quá trình sản xuất kinh doanh của mình.
Theo TS Nguyễn Minh Đức, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, nông sản Việt Nam phải được sản xuất theo những quy chuẩn được chấp nhận rộng rãi trên thế giới. Việc tiêu chuẩn hóa cũng cần được thực hiện trong công tác kế toán và ghi chép sổ sách thống kê của các doanh nghiệp - nông trại Việt Nam. Nông sản Việt Nam đã có mặt hầu hết ở các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới song mỗi quốc gia, mỗi khu vực, thị trường có những thị hiếu, yêu cầu, quy định riêng. “Do đó, nông sản Việt Nam phải được sản xuất theo tiêu chuẩn và đáp ứng những yêu cầu riêng của từng thị trường. Cho dù việc thích nghi hóa này đã được nhiều doanh nghiệp kinh doanh nông sản Việt Nam áp dụng nhưng đòi hỏi sự đóng góp, dấn thân nhiều hơn nữa của những nhà kinh tế, những nhà tiếp thị chuyên nghiệp để hỗ trợ nông dân” – TS Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.
Các nguồn vốn giảm dần Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế đánh giá những thách thức khi gia nhập WTO hết sức khắc nghiệt. Tổng đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước cho nông – lâm – thủy sản giai đoạn 2005-2009 đạt gần 610.000 tỉ đồng, tỉ trọng bình quân 5 năm chiếm 11,4% nhưng có xu hướng giảm dần hằng năm. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài không đáng kể. Vốn ODA dành cho nông nghiệp cũng rất thấp: Năm 2010, chỉ có 32 dự án với gần 490 triệu USD. |
Bình luận (0)