Theo tài liệu chúng tôi có được, ngày 29-4-2010, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai - chủ đầu tư dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A – đã gửi công văn đến Ban Quản lý Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên xin ý kiến về việc xây dựng 2 thủy điện này, kèm tóm tắt báo cáo đánh giá tác động môi trường do Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam (SIWRP) thực hiện. Sau đó, ông Trần Văn Thành, Giám đốc VQG Cát Tiên, đã có công văn trả lời cho chủ đầu tư, đồng báo cáo lên Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ NN-PTNT.
Cải thiện hay hủy diệt?
Theo SIWRP, trong diện tích đất bị ngập chìm không có những hệ sinh thái tự nhiên và các loài thực vật quý hiếm cần được bảo vệ. Ông Trần Văn Thành cho rằng đánh giá này là thiếu hiểu biết về bảo tồn đa dạng sinh học và không có cơ sở khoa học.
“Nếu chỉ nhìn vào con số diện tích 137 ha rừng bị mất để làm thủy điện thì đúng là không đáng kể. Tuy nhiên, đây là rừng đặc dụng nên không đơn thuần làm mất đi số rừng trên mà còn ảnh hưởng đến cả hệ sinh thái trong khu vực, giảm đi tính đa dạng sinh học… Chưa kể, phạm vi dự án là vùng lõi của VQG nên không chỉ ảnh hưởng đến sự phân bố của các loài như tê giác, chim họ trĩ mà còn ảnh hưởng đến nhiều loài ưu tiên bảo tồn như vượn đen má vàng, bò tót, gấu chó…” – ông Thành phân tích.
Bản đồ phân bố các công trình thủy điện đã và đang xây dựng tại Vườn Quốc gia Cát Tiên.
ẢNH DO VƯỜN QUỐC GIA CÁT TIÊN CUNG CẤP
Không chỉ nhận định 2 thủy điện ít gây ảnh hưởng đến môi trường, kinh tế - xã hội, SIWRP còn cho rằng nó còn đem lại nhiều tác động tích cực, “khi hồ thủy điện Đồng Nai 6 hình thành thì khí hậu khu vực quanh hồ sẽ được cải thiện” và “thảm thực vật của VQG Cát Tiên sẽ tốt hơn, tăng độ che phủ thảm thực vật hai bên hồ”.
Theo ông Thành, nhận định này là không chính xác vì sự xuất hiện của thủy điện sẽ làm mực nước ngầm phía hạ lưu hồ thấp đi, gây khó khăn về nước sản xuất, sinh hoạt của người dân và ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên trong khu vực. Bên cạnh đó, thảm thực vật rừng tự nhiên mà hàng trăm năm mới có thể phục hồi được sẽ mất đi.
Nối giáo cho lâm tặc
Một tác động tích cực khác trong việc xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A được SIWRP đưa ra là con đường vận hành công trình sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuần tra bảo vệ rừng.
Tuy nhiên, mặt “tích cực” này với ông Trần Văn Thành là hiểm họa vì khi thủy điện kết nối hai bờ sông Đồng Nai sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc săn bắt thú rừng và khai thác gỗ mà không cần phải vượt sông.
Nghiêm trọng hơn, các con đường vận hành công trình sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận VQG, khi đó tình trạng săn bắt thú rừng và cưa gỗ trái phép sẽ tăng nhanh chóng.
Dự án thủy điện Đồng Nai 5 vừa bị một ngân hàng nước ngoài khước từ việc vay vốn vì ảnh hưởng đến VQG Cát Tiên. |
Trước những tác động tiêu cực của dự án, Ban Quản lý VQG Cát Tiên đề nghị chủ dự án và đơn vị tư vấn cần thực hiện đánh giá tác động môi trường một cách nghiêm túc bằng cách tổ chức khảo sát thực tế để có nhận xét cụ thể đối với từng khu vực.
Bên cạnh đó, chủ dự án cần có đánh giá tác động cụ thể đến khu ngập nước Ramsar-Bàu Sấu vì thủy điện xây dựng sẽ có ảnh hưởng trực tiếp.
Thế nhưng, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 20-6 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch VQG Cát Tiên để triển khai xây dựng 2 nhà máy thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A, những cảnh báo của Ban Quản lý VQG Cát Tiên đã không được Bộ NN-PTNT đề cập. Trong khi đó, các ảnh hưởng trực tiếp lại được Bộ NN-PTNT báo cáo là “ít ảnh hưởng” và “các mục tiêu cơ bản của VQG Cát Tiên vẫn được bảo đảm”…!?
Bình luận (0)