xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thủy điện xâu xé rừng đặc dụng

Bài và ảnh: Thúy Phương

Theo một nghiên cứu mới đây, bình quân mỗi khu rừng đặc dụng “cõng” 2,5 dự án thủy điện, trong đó rừng Sông Thanh - Quảng Nam, Pù Hoạt - Nghệ An mỗi nơi có đến 7 dự án

img
Xây dựng thủy điện ở Quảng Nam khiến dòng chảy của các sông không ổn định

Trung tâm Con người và Thiên nhiên - Hội Liên hiệp Khoa học Kỹ thuật Việt Nam đang hoàn tất nghiên cứu “Phát triển thủy điện và hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam”. Theo nghiên cứu này, khoảng 47 khu rừng đặc dụng đã hoặc có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi 119 dự án thủy điện lớn, nhỏ được quy hoạch trong hoặc xung quanh chúng, tập trung ở miền Trung và Tây Nguyên.

“Phủ sóng” dự án thủy điện

Nghiên cứu nêu trên cho thấy trong số các khu rừng đặc dụng bị thủy điện xâu xé, Khu Bảo tồn Sông Thanh nằm trên hai huyện Nam Giang và Phước Sơn – Quảng Nam thuộc loại “quán quân” với 7 dự án đã hoặc đang xúc tiến đầu tư xây dựng. Đó là chưa kể nhiều dự án đã bị bác bỏ khi xin phép đầu tư.
Cách đây vài năm, Công ty CP Xây dựng 699 xin phép xây dựng dự án thủy điện Trà Linh 1 ở Sông Thanh. Tuy nhiên, UBND tỉnh Quảng Nam đã quyết định loại khỏi danh sách dự án thủy điện này vì vướng khu bảo tồn.
Năm 2008, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo dừng nghiên cứu đầu tư 5 dự án thủy điện khác vì ảnh hưởng đến khu bảo tồn này, gồm: Sông Giằng 1, Sông Giằng 2, Sông Giằng 3, Sông Giằng 4 và Đăk Se.
Khu Bảo tồn Sông Thanh là nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và độc đáo. Sông Thanh có 93.249 ha vùng lõm và 108.398 ha vùng đệm, riêng phần vùng lõm được chia thành hai khu bảo vệ nghiêm ngặt với 75.373 ha và khu phục hồi sinh thái 17.512 ha.
Nơi đây có hàng trăm loài động vật, thực vật quý hiếm được ghi nhận qua các đợt khảo sát năm 1997 và 1999 của các tổ chức, cơ quan trong và ngoài nước.
Tại Quảng Nam, khu rừng Sông Tranh ở huyện Bắc Trà My cũng có đến 5 dự án thủy điện. Ngoài thủy điện Sông Tranh 2 đã đưa vào hoạt động, rừng Sông Tranh hiện còn 4 dự án thủy điện đã hoặc đang xúc tiến xây dựng. Trong đó, dự án thủy điện Sông Tranh 3 và thủy điện Sông Tranh 4 đang được UBND tỉnh Quảng Nam tiến hành cấp giấy phép đầu tư...
Chưa kể trước đó, hai dự án thủy điện Sông Tranh 1 và thủy điện Sông Tranh 5 đã bị tạm dừng cấp phép do ảnh hưởng đến đời sống của người dân cũng như nhiều loại động vật quý hiếm trong vùng.
Theo báo cáo mới đây của Sở Công Thương Quảng Nam, hiện trên địa bàn tỉnh có 33/48 dự án thủy điện đã được phê duyệt.
Các dự án thủy điện đã “phủ sóng” khắp 10 huyện của tỉnh Quảng Nam, gồm: Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Hiệp Đức, Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước, Quế Sơn và Đại Lộc. Bên cạnh đó, hàng loạt dự án thủy điện khác cũng đang triển khai hoặc đang lập báo cáo đầu tư.

Mất rừng, dân khốn đốn

Không thể phủ nhận thủy điện đã đem lại những lợi ích không nhỏ về mặt kinh tế nhưng nó cũng ảnh hưởng lớn đến đời sống của các hộ dân liên quan và đe dọa môi trường sinh thái, điển hình là dự án thủy điện Sông Tranh 2.

Thủy điện Sông Tranh 2 nằm ở xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My - Quảng Nam. Hơn 800 hộ dân phải nhường đất rừng, đất sản xuất để xây dựng dự án này, từ đó kéo theo đời sống của họ bị đảo lộn hoàn toàn.
Cũng như bao hộ dân khác, chị Hồ Thị Dôn (thôn 2, xã Trà Bui) sau khi bàn giao đất đai, nhà cửa để làm Thủy điện Sông Tranh 2 đã khăn gói về khu tái định cư mới. “Nhà có 9 miệng ăn nhưng không có đất trồng trọt, tụi tôi đành đi đốt phá rừng lấy đất làm rẫy. Cứ đốt hết khu này, trồng được một vụ xong lại chuyển sang khu khác” - chị Dôn cho biết.
Theo ông Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Trà Bui, người dân trong vùng ai cũng phản đối quyết liệt dự án thủy điện Sông Tranh 2. “Làm thủy điện thì dân không còn đất sản xuất, đến khu tái định cư họ cũng phải đi phá rừng thôi”- ông Xuân cho biết.
Ông Huỳnh Tấn Sâm, nguyên bí thư Huyện ủy huyện Bắc Trà My, nhớ lại: “Dự án thủy điện Sông Tranh 2 được đầu tư xây dựng lúc tôi còn đương chức. Tôi và Ban Thường vụ Huyện ủy Bắc Trà My đã phản đối, đề nghị tỉnh không cho xây dựng thêm các công trình thủy điện khác trên địa bàn huyện”.
Ông Sâm cho rằng quá trình quy hoạch bố trí tái định cư dự án này chưa gắn liền với việc quy hoạch đất sản xuất cho người dân nên cuộc sống của nhiều người bị ảnh hưởng nặng nề.
“Dự báo trong thời gian tới, tình trạng thiếu đói là khó tránh khỏi. Hơn nữa, không có đất sản xuất, chắc chắn người dân sẽ phá rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ thôi”- ông Sâm nhận định.

“Quả bom nước”

Thời gian gần đây, thủy điện còn góp phần gây ra lũ lớn vào mùa mưa và khô hạn vào mùa nắng cho vùng hạ du Quảng Nam. Điều mà người dân vùng hạ du lo ngại nhất là sau này, khi tất cả 33 dự án thủy điện tại Quảng Nam đều đi vào hoạt động, nếu không có cơ chế phối hợp xả lũ mà mạnh ai nấy xả thì những hồ chứa nước của các thủy điện phía thượng nguồn chẳng khác nào những “quả bom nước” chực chờ gây họa.

Ông Phạm Thanh Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam, còn lo ngại: “Việc xây dựng thủy điện đồng nghĩa với toàn bộ số rừng nằm trong dự án bị mất trắng; rất nhiều động vật, sinh vật cảnh cũng bị mất dần đi hoặc tuyệt chủng”.

 

Kỳ tới: Rừng Pù Hoạt kêu cứu

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo